Viêm khớp mưng mủ - Ai dễ mắc?

Viêm khớp mưng mủ là một loại bệnh nhiễm khuẩn khớp với các căn nguyên vi sinh vật khác nhau. Theo thống kê mọi lứa tuổi có thể mắc bệnh này nhưng trẻ em (đặc biệt là trẻ đẻ non) và người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn cả.

15.6028
Viêm khớp mưng mủ là một loại bệnh nhiễm khuẩn khớp với các căn nguyên vi sinh vật khác nhau. Theo thống kê mọi lứa tuổi có thể mắc bệnh này nhưng trẻ em (đặc biệt là trẻ đẻ non) và người cao tuổi dễ mắc bệnh hơn cả.

Viêm khớp mưng mủ do đâu?

Có rất nhiều nguyên nhân đưa đến viêm khớp mưng mủ, điển hình là chấn thương làm tổn hại khớp, nhất là các chấn thương bởi tai nạn giao thông, tai nạn lao động mà vết thương bị nhiễm bẩn do có kèm theo bùn, đất, cát, rác, chất thải của người và động vật. Viêm khớp mưng mủ cũng có thể do tổn thương nhiễm khuẩn các vùng quanh khớp như mụn, nhọt, áp-xe hoặc do lạm dụng chọc hút dịch khớp trong bệnh tràn dịch khớp...

Viêm khớp mưng mủ cũng có thể thấy ở các nhóm tuổi khác nhau như trẻ sơ sinh có thể bị nhiễm khuẩn khớp gối mưng mủ do vi khuẩn lậu có từ người mẹ bị bệnh lậu lây cho con.

Viêm khớp mưng mủ thực chất là nhiễm khuẩn khớp do các loại vi sinh vật khác nhau gây nên, đặc biệt là do vi khuẩn. Ngoài loại vi khuẩn lậu gây ra cho trẻ sơ sinh và người trưởng thành (do đã mắc bệnh lậu ở đường sinh dục - tiết niệu trước đó) thì còn có nhiều loại vi khuẩn khác cũng gây nên viêm mưng mủ khớp như tụ cầu vàng (S. aureus), tụ cầu da (S.epidermidis), tụ cầu hoại sinh (S.saprophiticus).

 Điều trị cho bệnh nhân mắc viêm khớp mưng mủ tại Bệnh viện Hồng Ngọc (Hà Nội). Ảnh: H.Hà

Có thể gây nhiễm khuẩn máu

Viêm khớp mưng mủ có thể xảy ra ở bất kỳ khớp nào nếu gần vùng bị nhiễm khuẩn (nhọt, áp-xe... ), nhất là các khớp bị tác động mạnh hoặc bị chấn thương.

Ở người trưởng thành thì khớp khuỷu tay, cổ chân và khớp gối là dễ xảy ra hơn cả. Đây là một loại bệnh nhiễm khuẩn nên sẽ xuất hiện các biểu hiện của hiện tượng viêm nhiễm khuẩn như: Sưng, nóng, đỏ và đau tại khớp bị viêm nhiễm. Ngoài ra người bệnh có sốt cao (39 - 400C), mệt mỏi, chán ăn, môi khô, lưỡi bẩn, có dấu hiệu mất nước. Tại khớp bị viêm cử động khó khăn, đau, nhức khó chịu.

Viêm khớp mưng mủ tức là viêm khớp nhiễm khuẩn, vì vậy nếu phát hiện và điều trị kịp thời (ví dụ như chọc hút mủ và dùng kháng sinh thích hợp) thì bệnh sẽ chóng khỏi và có thể không để lại di chứng gì (khoảng 70%).

Nếu phát hiện muộn hoặc điều trị không đúng sẽ gây tổn thương lan rộng có thể dẫn đến viêm xương, trật khớp xương, viêm khớp mạn tính hoặc gây nên hiện tượng dính khớp. Nguy hiểm hơn nữa là có thể gây nên nhiễm khuẩn huyết là một bệnh cực kỳ nguy hiểm đến tính mạng, nhất là khi gặp các loại vi khuẩn đa đề kháng với kháng sinh.

Nếu bị viêm khớp mưng mủ ở vùng cột sống thì có thể gây nên hiện tượng chèn ép tủy sống hoặc gây di chứng gù, vẹo cột sống…

Ngoài ra nếu không dùng kháng sinh sớm, hợp lý để tiêu diệt mầm bệnh thì vi khuẩn, ngoài việc gây nhiễm trùng máu, chúng còn có thể lan đến các cơ quan, bộ phận khác trong cơ thể gây nên các ổ áp-xe nguy hiểm như áp-xe phổi, cơ hoành, gan, thận… hoặc gây nên hiện tượng sốc nhiễm khuẩn.

Ai cần đề phòng viêm khớp mưng mủ?

Khi có khớp bị sưng, nóng, đau, đỏ, nhất là có chấn thương do tai nạn đi kèm hoặc trong cơ thể đang bị mụn nhọt hoặc ổ áp-xe thì nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được khám và điều trị càng sớm càng tốt.

Để tránh bệnh viêm khớp mưng mủ thì người mẹ trước khi mang thai nếu mắc bệnh đường sinh dục - tiết niệu do lậu cầu cần được điều trị triệt để tránh lây bệnh cho con. Khi xảy ra tai nạn có tổn thương xương, khớp cần xử trí sớm tránh để vết thương bị nhiễm khuẩn.

Những người bị tràn dịch khớp gối cần được bác sĩ chuyên khoa xương khớp khám và điều trị, tránh lạm dụng chọc hút dịch khớp cũng như tiêm kháng sinh vào bao khớp.

Tích cực phòng ngừa nhiễm khuẩn bệnh viện nhất là các khoa ngoại, sản, sơ sinh, trong đó khâu vô khuẩn, tiệt khuẩn tuyệt đối đóng vai trò hết sức quan trọng.
ThS. Vũ Hồng Anh
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]