Viêm vú hậu sản và những điều cần biết

Viêm vú hậu sản cần điều trị càng sớm càng tốt, ngay từ khi mới cảm thấy có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh.

15.6037

Viêm vú hậu sản là gì?

Tôi sinh con được hơn một tháng và nuôi con bú lần đầu, nhưng mấy ngày nay vú bên trái bị sưng đau rất khó chịu. Tôi bị bệnh gì và nên chữa như thế nào, thưa bác sĩ?

Hoàng Thị Vân (Hải Phòng)

BS. Trần Thục Anh trả lời: Viêm vú hậu sản xảy ra ở một số sản phụ cho con bú, thường do tụ cầu vàng gây nên. Bệnh hay xảy ra ở một bên vú, những bà mẹ cho con bú lần đầu thường hay bị hơn. Viêm vú có thể bắt đầu với một vết thương hay nứt núm vú. Sự viêm mô tế bào rõ ràng ở vú, với biểu hiện đỏ, sưng, nóng tại chỗ và sốt.

Điều trị phải dùng kháng sinh có tác dụng chống lại tụ cầu như dicloxaci hoặc cephalosporin... Đồng thời phải làm cạn sữa đều đặn bằng cách cho bú, sau đó vắt sạch sữa còn lại bằng tay hay với một dụng cụ hút cơ học. Nếu bà mẹ được điều trị sớm bằng kháng sinh thích hợp trước khi bắt đầu mưng mủ thì sự nhiễm khuẩn thường có thể được khống chế trong 24 giờ.

Trường hợp dùng thuốc kháng sinh muộn có thể dẫn đến áp-xe. Bạn nên đến khám và điều trị tại cơ sở y tế.

Thận trọng với tình trạng viêm vú hậu sản

Theo bác sĩ khoa sản Nguyễn Văn Hùng, BV Đống Đa, cho biết: dấu hiệu bệnh viêm tuyến vú sau sinh thường bao gồm: bệnh nhân cảm thấy ớn lạnh, người nóng ran, bầu vú cứng lại, nổi lên từng cục hồng và gây đau đớn. Nếu không điều trị kịp thời, bệnh sẽ tiến triển rất nhanh, đau đớn cục bộ, ấn nhẹ vào cũng đau giãy lên, sốt cao không hạ, dẫn tới ung mủ cục bộ, thậm chí dẫn tới chứng bại huyệt.

Vi khuẩn gây bệnh viêm tuyến vú sau sinh đa số là tụ cầu vàng và liên cầu. Nguyên nhân gây bệnh chủ yếu là sữa tươi ngưng tụ, tiết sữa không thông. Những sản phụ khi sinh con lần đầu núm vú còn non nớt, lại thêm cho con bú lần đầu thường không đúng cách, khiến bé gây tổn thương da đầu núm vú, hình thành những vết nứt.


Đặc biệt ở những sản phụ núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng quá, to quá, biến dạng, khiến bé bú khó khăn nên bé sẽ cắn mút đầu ti, hình thành nên những vết thương nhỏ và loét, dần dần dưới kích thích bú sữa của bé, đầu ti của sản phụ sẽ nứt rộng hơn hoặc sữa không thông nhưng con vẫn cứ bú, nhai đi nhai lại, gây tổn thương.

Khi đầu vú đã nứt thì càng bú càng đau, sản phụ sẽ cho con bú không đều, thậm chí không cho bú nữa, khi đó một lượng lớn sữa, các sản vật của sữa sau khi phân giải là nơi thích hợp nhất cho vi khuẩn bên ngoài xâm nhập được vào tuyến sữa qua vết nứt của đầu vú, sẽ sinh sôi nhanh chóng trong tuyến sữa, dẫn đến viêm tuyến sữa.

BS. Hùng lưu ý bệnh viêm tuyến vú sau sinh cần điều trị càng sớm càng tốt, ngay từ khi mới cảm thấy có những dấu hiệu đầu tiên của bệnh. Khi cho con bú mà cảm thấy đau đầu vú, sau khi con bú hãy bôi thuốc kháng sinh dạng mỡ, dầu gan cá.

Nếu đầu vú đã nứt, có thể tạm dừng cho bé bú trược tiếp mà hãy dùng dụng cụ hút sữa, hút sữa ra cho bé bú, hoặc dùng núm trợ ti bằng silicon hoặc cao su có bán rất nhiều trên thị trường. Nếu đã viêm tuyến sữa cấp tính thì phải uống thuốc theo đơn bác sĩ. Nếu đã mưng mủ thì bắt buộc phải đến các cơ sở y tế để rạch lấy hết mủ ra.

Phòng ngừa viêm vú hậu sản

Để phòng ngừa viêm tuyến sữa sau sinh, quan trọng nhất là phòng nứt đầu vú. Trong thời kỳ đầu mang thai, nếu núm vú thụt vào hoặc bằng phẳng thì  chị em cần phải vê kéo dần ra ngoài hằng ngày nhất là từ khi mang thai ở tháng thứ 5, nên rửa sạch, sau đó bôi lên chút dầu ăn, khiến lớp da đầu vú dày và vững hơn, sau sinh nở và cho con bú sẽ không bị nứt nữa.

Nên đọc

Tiếp đến, cần cho con bú đúng giờ, mỗi lần bú không quá dài, khoảng 10 – 15 phút là đủ, không để trẻ ngậm đầu ti ngủ. Mỗi lần cho bú phải bú hết sạch bên này rồi mới đổi sang bên kia, nếu bú không hết thì vắt ra ngoài. Lần kế tiếp cho bú thì lại bú bên kia trước, hết sạch thì mới đổi sang bên này. Thay đổi kế tiếp như vậy để tránh việc sữa không được bú hết sẽ tích tụ lại.

Mỗi lần cho bú, sản phụ cần giữ thật sạch đầu vú, nhất là ở các kẽ của núm vú. Trước khi cho con bú phải lau sạch và vắt một vài giọt sữa đầu bỏ đi, khi bú xong lại phải lau sạch, khô. Nếu khi vắt sữa thấy một tia nào tắc hoặc chảy không thành tia thì phải xoa vú cho mềm, sau đó vắt mạnh để thông sữa khi cho bú, hoặc là phải dùng mày vắt sữa thường xuyên như vậy sẽ tránh được tắc tia sữa.

Tuy nhiên khi nhận thấy các triệu chứng của bệnh viêm tuyến vú, sản phụ cần đến thăm khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được tư vấn và điều trị thích hợp.

Thùy Linh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]