Vượt khó, tìm cách làm phù hợp

Ban nữ công ít thời gian hoạt động, cán bộ nữ công biến động, phong trào chưa gần gũi là nguyên nhân khiến nhiều nơi hoạt động nữ công gặp khó

15.5986

“Hiện LĐLĐ TPHCM đang quản lý hơn 10.300 CĐ cơ sở, trong đó hơn 8.000 CĐ cơ sở ngoài quốc doanh. Có 5.517 đơn vị thành lập ban nữ công nhưng chỉ 30% trong số này hoạt động hiệu quả. Làm thế nào để hoạt động nữ công thật sự là phong trào quần chúng sâu rộng của nữ CNVC-LĐ là điều mà mỗi cán bộ CĐ luôn trăn trở, đi tìm câu trả lời”.

Bà Phạm Thị Hoa, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ TPHCM, đặt vấn đề như vậy tại buổi tọa đàm “Hoạt động ban nữ công CĐ cơ sở ngoài quốc doanh” do LĐLĐ tổ chức cuối tuần qua.


Đủ thứ khó


Khó khăn lớn nhất của hoạt động nữ công hiện nay là lao động thường xuyên biến động dẫn đến cán bộ CĐ cơ sở cũng thay đổi. Bà Trần Thị Lan, Trưởng Ban Nữ công LĐLĐ quận Thủ Đức, nói: “Sáu tháng trước là cán bộ nữ công này, 6 tháng sau là người khác; có người, LĐLĐ quận chưa kịp biết mặt đã nghỉ làm. Để hỗ trợ cơ sở, LĐLĐ quận đã thuê giáo viên, mở lớp bổ túc văn hóa miễn phí cho nữ công nhân (CN) nhưng học được một tuần, 50% học viên nghỉ. Đổi lịch học sang ngày cuối tuần, sau một tuần, lớp học cũng không còn CN nào”.


Hội thi làm hoa  giấy do LĐLĐ quận 1 - TPHCM tổ chức thu hút nhiều nữ CNVC-LĐ tham gia


Khó khăn về thời gian hoạt động đã được bà Hoàng Thị Bé, Trưởng ban Nữ công LĐLĐ quận 9 - TPHCM chia sẻ. Có nơi, ban nữ công lập ra cho đủ ban bệ chứ không hoạt động, hoặc chủ tịch CĐ gánh luôn hoạt động nữ công, làm hết mọi việc.

Bà Phạm Thị Xa, Phó Chủ tịch CĐ các KCX-KCN TPHCM, cho biết thêm: “Nhiều nữ CN rất muốn đi học để nâng cao trình độ nhưng thời gian làm việc kéo dài, lại phải tăng ca nên sau giờ làm việc, họ đã mệt rã rời chỉ muốn nghỉ ngơi. Có CN cố gắng đến lớp nhưng vì đổi ca liên tục nên họ học được một buổi, lại nghỉ đến ba buổi”.


Phải thiết thực, hiệu quả


Nơi nào ban nữ công hoạt động có hiệu quả, chăm lo tích cực đời sống cho nữ CNVC-LĐ thì nơi đó hoạt động CĐ rất sôi nổi. Hiện lao động nữ chiếm hơn 60% tổng số lao động ở TPHCM, vì thế đây là một lực lượng rất quan trọng. Đẩy mạnh công tác nữ công chính là đẩy mạnh việc hoàn thành nhiệm vụ, góp phần phát triển đơn vị.

Ông Nguyễn Việt Cường (Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM)

Tuy nhiên, cái khó cũng là động lực để CĐ cơ sở sáng tạo, tìm kiếm cách thức hoạt động phù hợp. Bà Hồ Bích Ngọc, Phó Chủ tịch LĐLĐ quận 1- TPHCM, nói: “Hiểu rõ lượng học viên sẽ rơi rớt dần sau khi khai giảng nên chúng tôi không mở các lớp dài hạn mà chỉ mở khóa ngắn hạn trong vòng 1 hoặc 2 tuần. Mỗi lần tập huấn hay giao ban cán bộ nữ công, chúng tôi lồng ghép vào các chương trình học tốn ít thời gian mà rất thiết thực: kết cườm, làm hoa voan, làm bánh... Cán bộ nữ công sau khi học có thể dạy lại cho nữ CNVC-LĐ đơn vị mình”.

Tại các KCX-KCN TPHCM, các vấn đề liên quan chế độ chính sách dù thiết thực nhưng CN thường ít tham dự, gặp chuyện mới chạy đi hỏi. Vì thế, CĐ đã lồng ghép những nội dung này vào các chương trình văn nghệ, tạo các trò chơi, có quà thưởng... Một vấn đề CN rất cần, rất muốn nghe là tư vấn tình yêu, hôn nhân, gia đình, sức khỏe sinh sản cũng được CĐ thường xuyên tổ chức để thu hút nữ CN.


Hoạt động thiết thực, gần gũi là kinh nghiệm được bà Vũ Thị Ngoãn, Phó Chủ tịch CĐ Sở GTVT TPHCM, chia sẻ: “Khi còn phụ trách hoạt động nữ công CĐ cơ sở, tôi đã đề xuất cho chị em được hưởng 15.000 đồng đến 20.000 đồng/tháng tiền vệ sinh phí. Đến khi làm việc ở CĐ sở, tôi cũng đề xuất vấn đề này và được ban giám đốc chấp nhận. Đến nay có đến 80% đơn vị thực hiện tiền vệ sinh phí cho chị em”.

Bài và ảnh: Hồng Đào
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]