"Web 2.0 không dành cho dân amateur”

0

Phỏng vấn ông Vương Quang Khải, Giám đốc bộ phận phát triển Web của VinaGame, "kiến trúc sư" zing.vn nhân dịp cổng thông tin này nhận giải thưởng 5 sao Sao Khuê 2009.

Chúc mừng Zing.vn đã giành được giải thưởng cao nhất của Sao Khuê năm nay. Ông có cảm giác thế nào khi bước lên bục nhận giải?

Rất vui và tự hào. Đây không chỉ là ghi nhận đối với sự phát triển vượt bậc của Zing.vn mà nó còn là cột mốc đánh giá chặng đường mới của Web 2.0 Việt Nam. Trong thời gian qua, nhiều sản phẩm Web 2.0 của Việt Nam đã xuất hiện và tăng trưởng rất nhanh, với Zing.vn là ví dụ điển hình. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên một sản phẩm Web 2.0 của Việt Nam có được vinh dự này và đó là sự công nhận rất có giá trị của những chuyên gia đầu ngành.

Zing.vn đã phát triển với tốc độ rất nhanh trong năm qua, trở thành website Việt Nam có lượng truy cập cao nhất. Vậy đâu là bí quyết thành công?

Có hai yếu tố quyết định làm nên thành công của Zing.vn nói riêng và Web 2.0 Việt Nam nói chung. Đó là sự phát triển của hạ tầng Internet và sự am hiểu người dùng Việt. Chúng tôi phải cảm ơn các ISP như VNPT, Viettel, FPT... với những nỗ lực không ngừng trong việc phát triển băng thông rộng, cho phép những dịch vụ sử dụng nhiều tài nguyên mạng như chia sẻ video, nghe nhạc, xem phim chất lượng cao... ra đời và lớn mạnh, đồng thời tạo ra thị trường lớn với hơn 20 triệu người dùng. Sự am hiểu người dùng cũng rất quan trọng.

Các nhà phát triển trong nước có lợi thế lớn bởi là người Việt, chúng ta hiểu người Việt cần gì, muốn gì. Cộng thêm sự lắng nghe ý kiến người dùng thì đây sẽ là vũ khí tối thượng trong việc cạnh tranh với các dịch vụ tương tự của nước ngoài.

Còn công nghệ thì sao?

Công nghệ là nền tảng quan trọng, giống như móng của một tòa nhà, móng có vững thì tòa nhà mới có thể vươn cao. Tuy nhiên nó chỉ là điều kiện cần chứ không phải đủ. Còn rất nhiều yếu tố khác, cả chủ quan lẫn khách quan, phía sau thành công hay thất bại của một sản phẩm online như ý tưởng, trình độ quản lý và marketing, độ chín muồi của thị trường, bao gồm cả chất lượng hạ tầng lẫn trình độ của người dùng. Chúng tôi đã may mắn hội tụ đủ các yếu tố đó.

Dự đoán của ông về sự phát triển của Web 2.0 ở Việt Nam?

Các hệ thống website lớn sẽ biến thành mạng xã hội và các mạng này sẽ giao tiếp được với nhau giống như các dịch vụ điện thoại di động hiện nay. Quá trình này đang diễn ra trong lòng Zing. Ban đầu Zing.vn là một tập hợp rời rạc các sản phẩm độc lập, nhưng việc tái kiến trúc trên một nền tảng mở, các sản phẩm đã được tích hợp một cách chặt chẽ thành một khối thống nhất mà không cần thay đổi ở phía bề mặt. Trong tương lai gần, Zing sẽ mở nền tảng này, cho phép các nhà phát triển độc lập gắn vào hệ thống, mang lại thêm nhiều giá trị cho người dùng.

Theo ông, các nhà phát triển Web 2.0 đang gặp vấn đề gì ở Việt Nam?

Có một số vấn đề về mặt quản lý nội dung dẫn đến thua thiệt trong cạnh tranh với dịch vụ của nước ngoài nhưng khó khăn lớn nhất vẫn là vấn đề tài chính. Chúng ta đã thấy nhiều ứng dụng và dịch vụ web xuất hiện, PR rầm rộ rồi lặng lẽ biến mất. Một số trong đó không thu hút được người dùng và phải đóng cửa là lẽ đương nhiên, nhưng một số khác có lượng truy cập rất đông cũng đành khai tử hoặc sống lay lắt vì không kham nổi sức nặng của chính nó, khi hạ tầng tới giới hạn và chi phí duy trì hệ thống quá tốn kém.

Web 2.0 là một cuộc chơi lớn và không dành cho dân amateur.

Làm thế nào để tránh được kết cục đó?

Điều kiện tiên quyết là phải có một mô hình phát triển bền vững, dựa trên chiến lược kinh doanh hợp lý. Đó có thể là quảng cáo hướng đối tượng, thu tiền với các dịch vụ cao cấp (premium service), bán đồ ảo hoặc kết hợp tất cả các phương án trên. Ngoài ra, một hướng đi khác là sống cộng sinh, nối vào các hệ thống mở để tiết kiệm chi phí và tận dụng lượng người dùng hiện có của các hệ thống đó.

Zing đã có mô hình như vậy chưa?

Thành thực mà nói là chưa. Zing hiện nay giống như một công trình xây dựng dở dang và không thể thu tiền cho thuê nhà khi nhà vẫn còn đang xây. Chúng tôi chưa triển khai mô hình kinh doanh đầy đủ tại thời điểm này, nhưng tất cả đã có trong lộ trình. Trong năm nay, Zing sẽ ra mắt thêm một số sản phẩm chiến lược mới nhằm củng cố và gắn kết chặt chẽ hơn những gì đang có. Mô hình kinh doanh thực sự sẽ chỉ được áp dụng khoảng 1 năm sau đó.

Ông có lo ngại trước sự cạnh tranh của các đối thủ nước ngoài như Yahoo, Google, MySpace...?

Internet không có biên giới, mối quan hệ giữa các thực thể trong đó vừa là cạnh tranh, vừa là hợp tác và cơ hội luôn mở rộng cho tất cả. Một người dùng có thể cùng lúc truy cập rất nhiều website, nhiều dịch vụ khác nhau. Vì vậy, chúng tôi chấp nhận sự cạnh tranh và mở cửa cho sự hợp tác.

3G đang bắt đầu ở Việt Nam, mở đường cho mobile Internet băng rộng. Web 2.0 Việt Nam có lợi ích gì từ khuynh hướng này và Zing đã chuẩn bị những gì?

Nếu 3G thực sự bùng nổ thì nó sẽ tạo điều kiện cho Internet phủ rộng hầu hết mọi nơi, tạo tiền đề cho làn sóng phát triển mới giống như những gì ADSL đã làm được. Có thể chúng ta sẽ được chứng kiến sự đổ bộ của Web 2.0 lên điện thoại di động. Tuy nhiên, vì 3G còn chưa thực sự diễn ra nên Zing chỉ quan sát và chuẩn bị một cách tích cực. Hiện nay trang tin Zing News đã tương thích với mobile Internet. Các ứng dụng chat, chia sẻ ảnh, nhạc, video qua điện thoại cũng sẽ ra mắt trong thời gian tới.

Cảm ơn ông!

Thực hiện

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]