Bất kỳ loại thức ăn lạ nào tôi cũng không dám cho cháu ăn, nhưng nếu không cho ăn thì cháu lại không đủ chất. Xin quý báo tư vấn giúp tôi cách dùng thuốc chữa bệnh này? Tôi xin cảm ơn! Lê Thu Hoài (Tuyên Quang)

Trả lời:

Sự phản ứng miễn dịch của cơ thể với các dị nguyên chứa trong thức ăn được gọi là dị ứng thức ăn. Khi bị dị ứng, có biểu hiện nhẹ như nổi mề đay ngoài da, viêm mũi. Nặng hơn có thể bị hen, nôn, tiêu chảy, táo bón, trào ngược dạ dày thực quản. Nhưng cũng có thể gặp những trường hợp dị ứng rất nặng, gây sốc phản vệ như nghẹt thở, hạ huyết áp, tay chân lạnh... nếu không được xử trí và cấp cứu kịp thời có thể tử vong.



Hải sản là nhóm thực phẩm rất dễ gây dị ứng thức ăn. Hình minh họa. 

Đây là một dạng phản ứng miễn dịch của cơ thể, do vậy chưa có thuốc đặc trị để chữa bệnh. Hiện nay, việc điều trị dị ứng thức ăn chủ yếu nhằm mục đích chấm dứt các triệu chứng dị ứng và chống các phản ứng phản vệ. Các thuốc thường được dùng là epiephrin, kháng histamin, thuốc chống co thắt phế quản và corticoid.

Epiephrin có vai trò nâng huyết áp, chống suy tim trụy mạch cấp. Thuốc phải được dùng sớm bởi nếu dùng muộn dễ dẫn đến gia tăng dạng phản ứng phản vệ 2 pha và làm tăng tỷ lệ tử vong. Nhóm kháng histamine có tác dụng nhanh nhằm loại trừ nhanh nhất các triệu chứng dị ứng. Tuy nhiên, nhóm này có khá nhiều loại thuốc và thường không được dùng cho trẻ em dưới 2 tuổi và thận trọng đối với những người có chức năng gan, thận suy giảm. Đa phần người bị dị ứng thức ăn, đặc biệt ở người có bệnh hen thì bị co thắt phế quản hoặc lên cơn hen. Thông thường phải dùng thuốc chủ vận beta-2 dạng hít hoặc thuốc có kết hợp với corticoid dạng hít để giúp phế quản giãn nhanh. Corticoid được dùng để giảm cơn co thắt và dự phòng phản ứng phản vệ muộn.

Trên đây là một số thuốc được sử dụng nhằm xử lý triệu chứng của dị ứng thức ăn. Nhưng quan trọng nhất là phải xử trí tại nhà cho bệnh nhân trước khi tình trạng trở nên xấu đi. Trước hết, đối với những người có tiền sử dị ứng, cần phải loại trừ ngay các loại thức ăn gây dị ứng - đây là biện pháp dự phòng hiệu quả nhất. Còn sau khi ăn mà có các dấu hiệu bị dị ứng thức ăn, cần sơ cứu bằng cách chườm đắp nước ấm, uống nhiều nước, uống thuốc kháng histamin và đưa ngay bệnh nhân tới cơ sở y tế để được khám bệnh. Với những bệnh nhân bị sốc phản vệ và nguy cơ đe dọa tính mạng (nghẹt thở, chân tay lạnh, da nhợt nhạt, vã mồ hôi, mất tri giác...) thì cần hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực rồi nhanh chóng đưa bệnh nhân tới cơ sở y tế gần nhất để được cấp cứu. Với dị ứng thức ăn nặng thì việc điều trị càng sớm, hiệu quả càng cao.

Với riêng trường hợp của con bạn, vì cháu còn nhỏ và cần phải bổ sung đa dạng các loại thức ăn, do đó bạn nên đưa con đến trung tâm dinh dưỡng và chia sẻ rõ với bác sĩ về tình trạng bệnh của con mình, các loại thức ăn nào đã bị dị ứng, loại nào chưa ăn bao giờ... Tại đó, bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng sẽ có lời khuyên giúp bạn.

Theo ThS. Nguyễn Thu Hiền/suckhoedoisong

 



Video đang được xem nhiều