Xử trí với tác dụng phụ của xạ trị ung thư

Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm thường xuyên 4 lần một ngày; nên ăn nhẹ trước và sau điều trị khoảng 1-2 giờ; tránh kích thích vùng da điều trị...

15.599

BS Nguyễn Ngọc Anh, Trưởng Trung tâm Ung bướu và y học hạt nhân BV Nhân dân 115 cho biết, xạ trị là phương pháp điều trị ung thư sử dụng những tia sóng năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Xạ trị giống với phẫu thuật ở chỗ điều trị tại chỗ, nên chỉ gây ảnh hưởng đến một vị trí đặc biệt trong cơ thể, chứ không ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể như hóa trị.

Đây là phương pháp có khả năng chữa khỏi một số loại ung thư nhất định, giúp hỗ trợ trước và sau phẫu thuật, tăng hiệu quả hóa trị và giảm những triệu chứng do bệnh ung thư gây nên. Xạ trị, hóa trị và phẫu thuật có thể được sử dụng cùng mọt lúc đối với nhiều loại ung thư. Tuy nhiên quá trình này sẽ gây nên nhiều tác dụng phụ như tổn thương da, rụng tóc, nôn ói, tiêu chảy...

Theo bác sĩ Ngọc Anh, cần lưu ý là nên thông qua ý kiến của bác sĩ điều trị đối với bất cứ thuốc nào bệnh nhân muốn uống hay đang sử dụng trong quá trình xạ trị.

Ảnh minh họa
Một số tác dụng phụ cần lưu ý khi xạ trị:

Mệt

Kết quả của việc thiếu máu, thiếu ngủ, đau, stress, ăn uống kém. Người bệnh trong quá trình điều trị không nên làm việc quá sức, có thể tập thể dục nhẹ.

Tổn thương da

Ở vùng điều trị da trở nên đỏ, tấy, sau vài tuần có thể khô. Ở một số vị trí da có thể bị ẩm ướt, loét và đau. Do đó, trong quá trình điều trị, người bệnh nên tránh kích thích vùng da điều trị, tắm rửa với nước ấm, sữa tắm nhẹ. Không nên mặc đồ chật, không chà xát, gãi làm xước vùng da điều trị. Nên hỏi bác sĩ điều trị về các loại hóa mỹ phẩm sử dụng cho da.

Rụng tóc

Chỉ xảy ra khi chiếu xạ vùng đầu và tóc có khả năng mọc lại sau điều trị.

Ăn uống

Ăn khi đói ngay cả khi không phải là bữa ăn chính, chia làm nhiều bữa ăn nhỏ, ăn uống đủ chất, dùng thêm các loại thực phẩm giàu năng lượng như bơ, sữa, trứng, nước ép (trái cây, rau, thịt)

Chăm sóc răng miệng

Là một vấn đề cần lưu ý trong khi xạ trị, đặc biệt ở vùng đầu - mặt - cổ. Vệ sinh răng miệng bằng bàn chải mềm thường xuyên 4 lần một ngày hoặc theo hướng dẫn của nha sĩ hoặc bác sĩ; không sử dụng các loại thực phẩm có chứa axit gây kích thích họng miệng, không hút thuốc, không uống rượu, tránh sử dụng các loại thực phẩm nhiều gia vị, thô cứng.

Nôn ói

Một vài bệnh nhân sau khi xạ trị vùng bụng có thể cảm thấy buồn nôn. Nên ăn nhẹ trước và sau điều trị khoảng 1-2 giờ. Ăn thức ăn lỏng mềm, ăn uống chậm rãi.

Tiêu chảy

Bắt đầu vào khoảng tuần thứ 3-4 sau khi xạ trị vùng bụng hay khung chậu. Có thể tránh tiêu chảy bằng cách hạn chế các loại thức ăn sống và nhiều chất xơ ngay từ đầu quá trình điều trị. Dùng thức ăn nhiều kali như chuối, khoai tây… để cung cấp lại khoáng chất khi tiêu chảy.

Sinh sản

Trong quá trình xạ trị không nên có con. Nếu người bệnh đang mang thai trong khi điều trị hoặc muốn có thai sau khi điều trị phải cung cấp thông tin và hỏi ý kiến bác sĩ về vấn đề này.

Khi nào nên liên hệ bác sĩ?

- Đau không giảm, đặc biệt là luôn ở một vị trí.

- Xuất hiện khối u bất thường.

- Buồn nôn, nôn, tiêu chảy, ăn uống kém.

- Giảm cân không rõ nguyên nhân.

- Sốt liên tục không rõ nguyên nhân.

- Nổi ban hoặc chảy máu bất thường.

- Xuất hiện bất kỳ triệu chứng bất thường nào khiến bạn lo lắng hoặc đã được bác sĩ cảnh báo.

AloBacsi.vn
Theo VnExpress
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]