Lời nói cũng tựa như cốt cách. Người ta chỉ mất 2 năm học nói nhưng lại mất cả đời để học im lặng. Bởi vậy, "nói" chính là một loại năng lực trời cho, nhưng "không nói" mới chính là một loại trí tuệ.

1. Khi gặp việc gấp phải từ tốn

Gặp phải trường hợp khẩn cấp, nếu có thể dằn lòng một phút để suy nghĩ, sau đó nói chậm rãi, không vội vàng hấp tấp thì người nghe cũng sẽ thấy ổn định mà không cuống cuồng, "tá hỏa" theo. Bình thản ngay trong lúc khẩn cấp sẽ giúp bạn chiếm được niềm tin của người khác, cho thấy bạn là người có năng lực thực sự, khó "xung động" và là chỗ dựa của mọi người xung quanh.  

 

 

Gặp chuyện gì cũng phải bình tĩnh, truyền đạt thông tin phải rõ ràng.

2. Những gì không chắc chắn cần thận trọng lời nói

Đối với những điều không nắm bắt rõ, nếu bạn không lên tiếng, đôi khi người ta nghĩ bạn đạo đức giả hoặc thiếu hiểu biết, không có chính kiến. Chi bằng diễn đạt một cách cẩn thận, mọi người sẽ cảm thấy rằng bạn là một người đáng tin cậy.

3. Nói một cách hài hước với những chuyện vặt

Đặc biệt là những lời nhắc nhở thiện ý, dùng một lời nói đùa để diễn đạt, như vậy người nghe sẽ không cảm thấy cứng nhắc. Họ không những hiểu được ý nhắc nhở của bạn mà còn quý mến bạn hơn.

4. Gặp chuyện buồn đừng gặp ai cũng nói

Khi đang buồn bã, có ý muốn chia sẻ, nhưng nếu gặp bất cứ ai cũng thổ lộ sẽ rất dễ làm cho người nghe bị áp lực tâm lý đồng thời nảy sinh nhiều mối nghi ngờ, cảm thấy nhàm chán. Ấn tượng trước đây của bạn trong mắt người khác cũng sẽ bị mai một, khiến người ta xa lánh vì sợ bạn lại trút khổ lên họ.

  

Đừng tiết lộ quá nhiều những chuyện của bản thân.

5. Điều vô căn cứ thì đừng nói hàm hồ

Trên đời tệ nhất là kẻ ngậm máu phun người, vì thế đừng nói những điều vô căn cứ hoặc thêu dệt. Hãy chứng tỏ mình là người trưởng thành, có nhân phẩm, có gì nói nấy, thành khẩn trong từng lời nói.

6. Đã không làm được thì đừng nói

Không được dễ dãi cam kết những việc ngoài tầm tay. Phải để cho người ta tin rằng bạn nói được thì sẽ làm được. 

7. Tránh nói lời tổn thương người khác

Chúng ta có thể không nóng nảy với người ngoài nhưng lại hay trút giận lên người thân, vì bạn cho rằng người nhà sẽ chấp nhận mọi khuyết điểm của mình. Đây là sai lầm lớn, đối với gia đình, bạn càng cần phải yêu thương và tiết chế những lời nói cay nghiệt, không đáng có. Nói lời tổn thương người khác thì mình sẽ bị khinh thường.

 

Hãy dùng lí trí để điều khiển lời nói của mình.

8. Chuyện của người khác cần cẩn thận khi nói

Cần giữ một khoảng cách an toàn giữa người với người, đừng bình phẩm hay đồn thổi chuyện của người khác mà tạo ra những hiểu lầm tai hại. 

9. Việc của mình cần lắng nghe lời khuyên của mọi người

Những việc của mình nên lắng nghe quan điểm của người ngoài cuộc, một mặt có thể tạo ấn tượng khiêm tốn, mặt khác mọi người sẽ nghĩ rằng bạn là người thấu tình đạt lý.


10. Việc của người lớn nói ít nghe nhiều

Người lớn tuổi hơn thường không thích những người trẻ bàn luận hay cho nhiều ý kiến về việc của họ. Vì thế, nếu không phải chuyện mà bạn hiểu tường tận thì tốt nhất là ít luận để tỏ sự tôn trọng trưởng bối, khiêm tốn và hiếu học.

11. Chuyện của vợ chồng, cùng nhau thương lượng

Giữa vợ chồng, sợ nhất một điều là xảy ra mâu thuẫn, cả hai đều ương bướng nên không thể giải quyết và mâu thuẫn càng chồng chất. Hãy cùng trò chuyện, đặt mình vào vị trí của đối phương mà tìm ra hướng hòa giải.

Trọng Nguyễn (Tổng hợp)

Nguồn: Gia đình Việt Nam