5 bí quyết lãnh đạo của “ông trùm” đế chế Amazon

45.9713

Tổng giám đốc Jeff Bezos của Amazon. Ảnh: Internet

Dự án Linh dương (Gazelle Project). Đó là cái tên mà Amazon đặt cho dự án họ để thuyết phục các nhà xuất bản đồng ý dâng cho họ những thương vụ béo bở. Theo báo The New Yorker, tổng giám đốc Jeff Bezos của Amazon đã từng nói: “Amazon nên tiếp cận những nhà xuất bản nhỏ này theo cách một con báo săn đuổi chú linh dương ốm yếu”.

Một con báo có thể chạy được 70 dặm mỗi giờ, tăng tốc nhanh hơn một chiếc xe Ferrari Enzo. Có thể dùng hình ảnh chú báo để miêu tả tốc độ phát triển chóng mặt của Amazon trong thập kỷ vừa qua. Amazon kiếm về gần 75 tỷ USD hồi năm ngoái, nhờ phong cách dám nói dám làm triệt để và độc đáo của nhà lãnh đạo Jeff Bezos. Dưới đây là 5 chiến lược Bezos đã sử dụng để xây dựng đế chế Amazon.

1. Hãy làm như “Bố già”: Đưa ra lời đề nghị không ai có thể từ chối

Năm 2004, Amazon để mắt tới Melville House, một nhà xuất bản có trụ sở tại Brooklyn, New York. So với Amazon, Melville House chỉ là một công ty non trẻ. Nhà đồng sở hữu của Melville House, ông Dennis Johnson, miêu tả lại các cuộc đàm phán với Amazon “giống như ăn tối với Bố già”.

Như báo The New Yorker đưa tin, Amazon “muốn kiếm tiền mà không phải tiết lộ số lượng sách của Melville House được rao bán trên trang của họ”. Dennis Johnson đã chỉ trích chính sách trong cuộc phỏng vấn với tạp chí thương mại văn học Publishers Weekly. Một ngày sau khi những lời chia sẻ của ông Johnson được đăng lên, nút “Buy” (mua) trên trang Amazon của Melville House bỗng nhiên biến mất.

Vì thế ông Johnson đã phải “trả tiền đút lót” để các cuốn sách xuất hiện trở lại.

2. Đừng cung cấp thông tin trừ khi thật cần thiết

Amazon không tiết lộ cho Melville House số lượng sách của họ được bán trên trang Amazon, cũng không hé răng về doanh số Kindle và số lượng nhân viên họ có ở Seattle. Hơn nữa, tầng nhà nơi các đội nghiên cứu Kindle làm việc tại trụ sở ở Seattle có tên gọi Area 51. Bạn không thể đặt chân tới đó nếu không trực tiếp tham gia phát triển sản phẩm. Tuy nhiên, ông Bezos cũng là người thích cung cấp thông tin, nhưng chỉ khi thực sự cần thiết. Ví dụ như xây dựng những câu chuyện về Amazon, theo cách riêng của ông, trong những bức thư mà ông soạn thảo cẩn thận để gửi các nhà đầu tư.

3. Chia nhỏ các đội làm việc tới mức chỉ cần 2 chiếc bánh pizza cho tất cả thành viên

Ở Amazon, ông Bezos nổi tiếng với quy tắc 2 chiếc pizza: Không nhóm nào có số lượng thành viên đông hơn số người ăn 2 chiếc bánh pizza là đủ. Điều đó có nghĩa mỗi nhóm chỉ nên có từ 5 tới 10 người tham gia, để các nhóm có thể tự thử nghiệm ý tưởng và hạn chế tối thiểu những người có thái độ bàng quan, chống lại lối suy nghĩ theo bè nhóm – một trong những thứ khiến ông Bezos ghét nhất.

Những đội làm việc nhỏ này đã đóng góp nhiều ý tưởng lớn, giống như Gold Box, chương trình khuyến mại được thực hiện trong khoảng thời gian có hạn.

4. Đừng nói quá nhiều

Đầu năm 2000, trước ý kiến các nhóm cần giao tiếp với nhau nhiều hơn, ông Bezos đã đứng bật dậy và nói: “Không, giao tiếp thật là thứ khủng khiếp”.

Tại sao giao tiếp nhiều lại không tốt? Theo ông Bezos, việc giao tiếp giữa các nhóm làm hạn chế sự độc lập giữa các nhóm và khiến mọi người đồng thuận với nhau quá nhiều. Những thứ này trái ngược với sự xung đột kích thích sáng tạo trong văn hóa của Amazon.

5. Gây thù nghịch

“Những nhân viên giỏi của Amazon thường là những người gây không khí thù địch và luôn tạo ra xung đột”, theo lời Brad Stone, tác giả “The Everything Store”, cuốn sách nói về sự tăng trưởng mạnh mẽ của Amazon. Tại sao thế? Vì ông Bezos không thể chịu được “sự gắn kết về mặt xã hội”, nơi mọi người thích thỏa hiệp với nhau để ai cũng được thoải mái.

Nghiên cứu chỉ ra rằng những doanh nghiệp mạnh nhất luôn có không khí làm việc khó chịu. Sự yêu thích tranh đấu buộc người ta phải bảo vệ quan điểm của mình, đã ăn sâu vào văn hóa của Amazon.

Các lãnh đạo phải có niềm tin và sự kiên trì. Họ không thỏa hiệp vì sự đoàn kết xã hội. Và họ luôn cam kết tuyệt đối với mỗi quyết định được đưa ra. 

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]