5 lý do Sacombank khó đạt kế hoạch

Tăng trưởng tín dụng thấp, tỷ lệ cho vay trên huy động giảm..., Sacombank có thể không hoàn thành các chỉ tiêu.

0

Trong kỳ đại hội cổ đông thường niên năm, Sacombank (mã STB) đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế là 3,400 tỷ đồng, tăng 24% so với năm 2011.

Trong 6 tháng đầu năm lợi nhuận trước thuế theo báo riêng lẻ mới chỉ đạt 1,490 tỷ đồng, bằng 43% kế hoạch của năm. Với xu thế của nền kinh tế hiện nay và hiện trạng của Sacombank thì khả năng đạt được kế hoạch của ngân hàng này là xa vời.

Có 5 lý do sau cho thấy Sacombank khó có thể đạt được kế hoạch đề ra.

Tăng trưởng tín dụng của công ty này thấp. Phần lớn lợi nhuận của Sacombank đến từ hoạt động tín dụng vì vậy tăng trưởng lợi nhuận phụ thuộc rất nhiều vào tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó tính đến ngày 30/6, dư nợ tín dụng cho vay khách hàng của Sacombank chỉ đạt 78,346 tỷ đồng, giảm 0,13% so với đầu năm. Đây là mức còn kém xa so với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% cả năm của công ty.

Trong thời gian qua Ngân hàng Nhà nước liên tục hạ các lãi suất chính sách để hạ lãi suất thị trường và đẩy mạnh tiền ra thị trường. Tuy nhiên, hiện tại có rất nhiều doanh nghiệp không đủ điều kiện để được ngân hàng cho vay nợ, còn những doanh nghiệp khỏe mạnh lại không dám vay để mở rộng sản xuất do tình trạng u ám của nền kinh tế.

Ủy ban giám sát tài chính quốc gia vừa đưa ra dự báo tăng trưởng tín dụng năm nay chỉ khoảng 7-8%. Với bối cảnh đó Sacombank rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 17% cho cả năm. Tăng trưởng tín dụng thấp đồng nghĩa với lợi nhuận ngân hàng cũng rất khó đạt được như kế hoạch.

Tỷ lệ cho vay trên huy động (LDR) của Sacombank giảm. Một trong những cách để ngân hàng tối đa hóa lợi nhuận là tăng LDR lên càng cao càng tốt. Tuy nhiên, điều này cũng tiềm ẩn rất nhiều rủi ro cho ngân hàng như mất khả năng thanh khoản…

Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm mới chỉ đạt 0,76%, trong khi đó huy động tăng 5,42%, tỷ lệ cho vay và huy động giảm từ mức 103,2% cuối năm 2011 xuống còn 90,33% vào ngày 30/6.

Đối với Sacombank tổng huy động (gồm những khoản tiền mà ngân hàng phải trả lãi) tính đến ngày 30/6 đạt 120,332 tỷ đồng, tăng 7,91% so với cuối năm. Tỷ lệ LDR của Sacombank từ mức 103,52 từ cuối năm 2011 đã giảm xuống chỉ còn 89,54% vào ngày 30/6.

Như vậy, với việc LDR giảm đồng nghĩa với việc Sacombank phải chịu nhiều chi phí hơn cho các khoản huy động và thu được ít tiền hơn từ các khoản cho vay. Đây là yếu tố cho thấy lợi nhuận của Sacombank trong năm khó tăng mạnh so với năm 2011.

5 lý do khiến Sacombank khó đạt kế hoạch năm. Ảnh minh họa

Hệ số NIM của công ty này khó được duy trì. Một trong những cách để các ngân hàng tăng lợi nhuận là tăng tỷ lệ lãi biên (NIM). Năm 2011, hệ số NIM của các ngân hàng tăng rất mạnh do chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động lớn. Đây là lý do chính khiến hầu hết các ngân hàng đều có lợi nhuận tăng mạnh trong năm vừa qua. Lãi suất huy động và cho vay đều giảm, đồng thời chênh lệch giữa lãi suất cho vay và lãi suất huy động cũng giảm. Lãi suất huy động đối với kỳ hạn 12 tháng bị áp trần 9%, còn lãi suất cho vay với 4 nhóm đối tượng ưu tiên bị áp trần 13%.

Theo tính toán, hệ số NIM năm 2011 của Sacombank đạt 5,11%, còn trong 6 tháng đầu năm đạt 2,52%. Như vậy, hệ số NIM 6 tháng đầu năm tương đương với cả năm 2011 tuy nhiên mức cao này khó được duy trì trong 6 tháng còn lại do chênh lệch lãi suất cho vay và huy động bị thu hẹp. Điều này đồng nghĩa với mức tăng trưởng lợi nhuận sẽ khó cao trong những tháng tới.

Dự phòng rủi ro của đơn vị này chưa đầy đủ. Dù không được đánh giá cao về khả năng kiểm soát rủi ro nhưng tỷ lệ nợ xấu của Sacombank luôn ở mức rất thấp. Tỷ lệ nợ xấu của Sacombank vào khoảng 0,56% vào năm 2011, đây là mức thấp hơn rất nhiều so với bình quân của hệ thống ngân hàng. Vào thời điểm 30/6, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank đạt 1,28%, tỷ lệ này cũng thấp hơn rất nhiều so với phần lớn các ngân hàng khác. Chẳng hạn, trong 6 tháng tỷ lệ này ở Vietcombank (VCB) là 3,47%, Vietinbank (CTG) là 2,47%. Tỷ lệ nợ của các ngân hàng theo báo cáo của chính ngân hàng gửi về cho Ngân hàng Nhà nước là 4,47%. Còn theo báo cáo giám sát của Ngân hàng Nhà nước thì tỷ lệ nợ xấu của hệ thống ngân hàng tính đến ngày 31/3 lên tới 8,6%.

Như vậy, tỷ lệ nợ xấu của Sacombank được xem là thấp một cách bất thường. Điều này cho thấy rất nhiều khả năng ngân hàng này chưa trích lập một cách đầy đủ tình trạng thực tế của ngân hàng. Tính đến ngày 30/6 tổng số tiền trích lập dự phòng của Sacombank mới chỉ là 939 tỷ đồng, trong đó hơn một nửa là dự phòng chung. Số tiền trích lập nợ xấu trong 6 tháng chỉ là 372 tỷ đồng.

Việc trích lập dự phòng nợ xấu khá thấp của Sacombank làm cho lợi nhuận của ngân hàng vẫn duy trì ở mức cao. Tuy nhiên, đây chính là con dao hai lưỡi vì khả năng Sacombank phải trích lập dự phòng ở mức cao hơn trong những tháng tới là rất lớn.

Dấu hỏi xung quanh dàn lãnh đạo mới của Sacombank. Vụ thâu tóm Sacombank gây chấn động hệ thống tài chính trong suốt thời gian qua. Người sáng lập Sacombank, ông Đặng Văn Thành phải chuyển giao hết quyền lực. Phần lớn thành viên hội đồng quản trị và ban giám đốc của của ngân hàng này đều được thay thế.

Điều này khiến không ít người quan ngại về khả năng thích ứng và năng lực thực sự của những nhân tố mới này. Thực tế những nhân vật mới vào hội đồng quản trị và ban giám đốc của Sacombank đều không phải là những tên tuổi lớn trong giới ngân hàng. 4 trong 8 thành viên với của hội đồng quản trị đến từ Ngân hàng Phương Nam, một ngân hàng nhỏ hơn rất nhiều so với Sacombank và đang có tình trạng tài chính đáng “báo động”.

Ngoài ra, người ta cũng đang đặt dấu hỏi về tính đoàn kết, mục tiêu thật sự của nhóm cổ đông lớn thâu tóm Sacombank. Ngân hàng này đi đâu về đâu vẫn còn là một câu hỏi chưa có lời giải rõ ràng.

Hệ thống ngân hàng nói chung và Sacombank nói riêng phải đối mặt với rất nhiều rủi phía trước. Với những lý do nêu trên khiến Sacombank rất khó đạt được kế hoạch kinh doanh và lợi nhuận trong năm 2012.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]