1. Chu toàn cho cái “gánh” của mình
Đó là điều bạn luôn phải nghĩ đến bởi vì bạn sẽ làm cho gia đình mình nặng nề thêm nếu chưa lo được gì cho vợ (chồng), con cái mà cứ phải gồng gánh hết chuyện này đến chuyện khác của người thân.
Bạn cần khéo léo gợi ý để những người thân hiểu được rằng, bạn còn có nhiều thứ phải lo cho gia đình riêng của mình, mà ở đó, nếu có xảy ra sự cố nào, sẽ không ai kề lưng xin gánh dùm cái "gánh" không phải của họ hoặc nếu muốn cũng không đủ khả năng vì họ còn cái "gánh” của bản thân.
2. Không công khai tài chính
Bạn sẽ có lúc phải hối tiếc khi buột miệng công khai với những người trong gia đình chồng (hoặc gia đình vợ) về những khoản tiền mà mình kiếm được.
Bạn sẽ bị buộc phải ôm đồm nhiều việc vượt khả năng chi tiêu của mình mà không biết xoay xở ra sao. Những lúc bạn rơi vào bế tắc, sẽ khó có ai tin, bởi vì “vợ chồng làm ra nhiều thế thì xài sao cho hết được”. Và rồi, nếu bạn không mở lòng với anh mình, chị mình, em mình, cháu mình… bạn sẽ bị giận hờn, trách móc.
Sẽ rất khó lý giải khi bạn không có khả năng chia sẻ tài chính vì sẽ không ai hiểu hoặc không ai cần hiểu. Đến lúc, khó khăn đè nặng hai vai, không lẽ bạn liệt kê ra một cái danh sách thật dài những khoản đã chi và bạn đã bội chi? Vô ích thôi vì trong mắt nhiều người họ hàng, đó là vấn đề của riêng bạn!
3. Chan hòa yêu thương
Người thân của chồng (vợ) là những người thuộc thành phần không thể tách rời, bởi thế, bạn nhất thiết phải nghĩ đến họ bằng yêu thương chân thật nhất. Có vẻ khó, nhưng nếu biết cách, bạn sẽ thấy yêu thương tự nhiên đến như cách bạn đã yêu thương những thành viên trong gia đình bé nhỏ của mình.
Nếu không thể yêu thương vô điều kiện, bạn hãy nghĩ một cách thật thấu đáo rằng, những người thân ấy ảnh hưởng trực tiếp đến chồng bạn, vợ bạn rất nhiều. Có thể bạn không lo lắng được nhiều cho họ nhưng mọi người sẽ thông cảm được nỗi khó khăn riêng tư của bạn, khi bạn luôn tỏ rõ được tình thân ái của mình trong đối đãi với người thân.
4. Tạo
Giữ cho hai vợ chồng một không gian riêng tư là điều bạn nên làm. Nếu không, ngoài gánh nặng cơm áo, bạn sẽ phải gánh thêm nhiều âu lo, bực dọc không đáng có nếu khoảng riêng của vợ chồng bạn luôn bị xâm phạm bởi những người thân. Hãy tìm cách tỏ rõ để mọi người hiểu rằng, một chốn riêng tư, dù nhỏ thôi cũng làm nên hạnh phúc cho vợ chồng bạn.
5. Cần phải bàn bạc các vấn đề trong gia đình
Một khi bị buộc vào thế phải ôm đồm, nhất định cần phải có sự đồng thuận giữa hai vợ chồng, dù bạn có yêu thương người thân của mình đến đâu. Bởi vì, bạn không thể gánh vác người thân nếu nếu bạn còn nhiệm vụ phải gánh vác gia đình riêng của mình.
6. Biết chính xác khả năng của gia đình
Có thể sự nhờ vả từ phía những người thân làm bạn khó xử, khiến bạn buộc lòng phải “ôm”, nhưng nếu không đủ khả năng để giúp đỡ, bạn sẽ làm cho gia đình mình lúng túng, khó xử hơn.
7. Thẳng thắn từ chối
Cuối cùng, nếu xét thấy bạn chỉ đủ khả năng trong một giới hạn nào đó, bạn có quyền từ chối giúp đỡ để bảo toàn chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của gia đình mình. Đó là điều hiển nhiên bởi ai cũng có cái "gánh" cuộc đời riêng của mình.
Mời quý độc giả theo dõi Truyền hình trực tuyến các kênh của Đài Truyền hình Việt Nam.