7 thói quen cho những nhà quản lý thành công

Để thành công trong công việc, bạn phải rèn luyện được 7 thói quen dưới đây. Thiếu một trong số chúng bạn có thể sẽ phải trả giá đắt bằng chính tương lai của doanh nghiệp.

15.5632

Một khi bạn đã trở nên có năng lực và có kinh nghiệm trong từng thói quen này, bạn sẽ đạt được những kết quả đặc biệt, nhanh hơn rất nhiều và dễ hơn rất nhiều so với những đối thủ cạnh tranh.

Quả thực, nếu bạn không hoạch định và chỉ làm việc theo thời thế đưa đẩy, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn
Hoạch định

Điều làm nên sự khác biệt giữa những nhà quản lý thành công với các đồng nghiệp, những người rất vất vả làm cho công việc trôi chảy là hoạch định. Hoạch định trước một cách có phương pháp và chi tiết mỗi hoạt động, bạn sẽ có nhiều cơ hội thực hiện nó, nhanh hơn và dễ dàng hơn, đồng thời bạn sẽ nhận được kết quả như mong đợi một khi bạn bắt tay vào áp dụng.

Quả thực, nếu bạn không hoạch định và chỉ làm việc theo thời thế đưa đẩy, bạn sẽ gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là vào thời điểm có nhiều biến động mà bạn không thể định trước được. Hoạch định tốt còn cho phép bạn khám phá thêm về lĩnh vực hoạt động của mình, xác định biến cố, xu hướng và chuẩn bị đối phó với chúng, hoặc thậm chí biến chúng thành công cụ có lợi cho mình. Hoạch định tốt giúp bạn tránh được những rủi ro bất ngờ.

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng việc hoạch định tiêu tốn rất nhiều thời gian tới mức nó được coi như cực hình. Nhưng thực tế là 20% thời gian được dành cho việc soạn thảo một kế hoạch cho phép bạn tiết kiệm hơn 80% thời gian thực hiện các mục tiêu mà bạn đã đặt ra.

Tuy vậy, việc hoạch định không phải là phương thuốc bách bệnh của tổng giám đốc các công ty lớn, đây là điều bạn cần phải ý thức được. Bạn có thể phát triển thói quen hoạch định tốt của chính bạn bằng cách tự đặt ra và tự trả lời các câu hỏi sau:

- Những sản phẩm và dịch vụ của tôi là gì?
- Ai là đang là khách hàng và khách hàng tiềm năng của tôi?
- Khách hàng của tôi mua gì?
- Họ nhận được giá trị gì?
 - Điều gì làm nên sự khác biệt giữa sản phẩm dịch vụ của tôi với đối thủ cạnh tranh?
- Tại sao tất cả các khách hàng tiềm năng lại không mua hàng của tôi?
- Tại sao một số trong những khách hàng của tôi lại thích mua hàng của những đối thủ cạnh tranh? - Giá trị nào họ nhận được khi mua hàng của những đối thủ này?
- Tôi có thể cân bằng xu hướng này và hướng khách hàng của đối thủ cạnh tranh sang mua hàng của tôi hay không?
- Đâu là lý do chính thúc đẩy khách hàng mua hàng của tôi hơn là mua của những đối thủ khác?

Rõ ràng là bằng cách đặt ra những câu hỏi khác nhau như vậy, bạn phải nghĩ ra các câu trả lời, những câu trả lời này không chỉ là tiền đề cho những việc bạn sẽ làm, bản thân nó đã là sự hoạch định. Sau đó có thể sẽ là xác định các mục tiêu cụ thể để bán tốt hơn, thu lợi nhuận nhiều hơn từ các hoạt động của bạn.

Bạn sẽ xác định nguồn lực con người và tài chính, chiến lược marketing, khuyếch trương và phân phối, các trang thiết bị cần thiết cho việc thực hiện những mục tiêu đó. Bạn sẽ thu được lợi nhuận nhiều hơn từ việc hoạch định chi tiết mỗi bước của tiến trình thay vì cứ thế nhảy xuống nước mà không biết bạn muốn gì, phải làm gì và những gì bạn cần để đạt được điều đó.

Tổ chức

Bạn đã hoạch định một kế hoạch. Bạn cũng đã xác định được các phương tiện để thực hiện nó. Để công đoạn tiếp theo được tiến hành hiệu quả, bạn cần phải biết cách tổ chức các phương tiện đã có. Tổ chức chủ yếu là kết hợp các nguồn lực khác nhau mà bạn đã xác định được và bạn cần trong việc điều hành các hoạt động của mình.

Đây chính là điểm làm nổi bật sự khác nhau giữa những người có khả năng đưa ra các ý kiến có giá trị nhưng không biết cách tổ chức sao cho có hiệu quả với những người có thể xuất phát từ ý tưởng bình thường mà lại xác định, tập hợp hiệu quả những yếu tố cần thiết cho việc thực hiện chiến lược đó.

Trước khi khởi động mọi hoạt động, cần phải biết các yếu tố cần thiết cho việc thu được kết quả. Vì nếu bạn dấn mình vào trong khi không chuẩn bị 1 trong những yếu tố cần nhất, bạn có thể bị thất bại, phá sản và tồi tệ nhất là bạn có thể không kịp nhận ra được điều gì đã đến với mình.

Tuyển dụng những người tài

Khi bạn định xây dựng tổ chức, điều luôn cần là yếu tố con người. Có ý tưởng, tài chính, trang thiết bị nhưng nếu không có nhân lực, mọi việc sẽ trở nên vô nghĩa. 95% thành công của bạn với tư cách là chủ doanh nghiệp phụ thuộc vào chất lượng nhân lực mà bạn tuyển dụng vào ê kíp của mình.

Các doanh nghiệp thành công nhất luôn tập trung những người tài nhất và điều này ngược lại với những doanh nghiệp kém cỏi. Nếu vì lý do tài chính hay xã hội bạn phải tuyển những người bình thường, hãy chú ý hơn tới việc lựa chọn. Giả thiết là một nhân viên được bạn tuyển lựa có năng lực thì tại sao bạn lại sợ phải chia sẻ với anh ta những thành quả từ việc cố gắng chung?

Uỷ nhiệm một cách khôn ngoan

Những nhà quản lý thành công biết cách uỷ nhiệm công việc cho đúng người và theo cách tốt nhất. Rõ ràng là bạn không đủ thời gian để có thể giải quyết tất cả mọi việc. Cần phải uỷ nhiệm và để uỷ nhiệm, cần tuyển dụng và đào tạo những người có khả năng lĩnh hội những thói quen khiến doanh nghiệp có thể thành công.

Quả thực khi bạn bắt đầu khởi động một doanh nghiệp mới hoặc ở mức trách nhiệm thấp, bạn có thể nhúng tay vào mọi công việc, đó là điều bình thường. Nhưng nếu sự phức tạp của mỗi công việc càng nhân lên theo sự phát triển của doanh nghiệp hay của vị trí trách nhiệm mới bạn càng không nên kiểm soát tất cả mọi hoạt động. Bạn có nguy cơ bị thời gian nhấn chìm và trở nên không có hiệu quả vì những công việc tầm thường và vì sức ép. Hãy lựa chọn 3 đến 4 nhiệm vụ chủ yếu thuộc đặc quyền của bạn và uỷ nhiệm những cái còn lại.

Giám sát, kiểm tra và kiểm soát

Bạn có những nhân viên giỏi, bạn uỷ nhiệm cho họ một phần công việc của bạn. Điều này không có nghĩa là bạn đã hết trách nhiệm với phần công việc ấy. Bạn phải có thói quen kiểm tra xem những gì bạn uỷ nhiệm đã được thực hiện như thế nào, có giống như bạn mong muốn không? Uỷ nhiệm không có nghĩa là khước từ trách nhiệm. Bạn vẫn phải là người chịu trách nhiệm cuối cùng cho từng công việc mà bạn đã uỷ nhiệm. Vì vậy bạn phải đảm bảo mọi mục tiêu đặt ra đã được thực hiện hoặc nếu không bạn cần giúp đỡ người được uỷ nhiệm hoàn thành những mục tiêu đó. Uỷ nhiệm tức là thay vì trực tiếp làm, bạn trở thành người giám sát, kiểm soát và kiểm tra.

Đo những thành tích đã thực hiện được

Mỗi thành tích đều phải được định lượng theo một khuôn khổ xác định từ trước. Bạn nên đưa ra khung tiêu chuẩn, những tiêu chí về chất lượng, thời hạn hoàn thành và công bố cho tất cả những người liên quan để họ hiểu rõ mục tiêu từ đó có ý thức hơn trong việc thực hiện. Bạn nên lồng mục tiêu cá nhân vào mục tiêu của doanh nghiệp để kích thích nhân viên.

Thông tin

Chúng ta đang ở thời đại mà thông tin có ý nghĩa quyết định hơn bao giờ hết trong mọi hoạt động, mọi quyết định, đặc biệt trong môi trường kinh doanh. Nếu bạn không nắm bắt được thông tin, rất có thể những quyết định bạn đưa ra sẽ khiến con tàu của bạn trật bánh. Giả thiết công ty của bạn gồm 2 phòng, bạn phải thiết lập một hệ thống báo cáo sao cho kết quả của những hoạt động khác nhau được tất cả mọi người trong cùng hệ thống biết.

Các đồng nghiệp rất cần nắm bắt được cái gì đang diễn ra trong tổ chức của mình. Càng được thông tin đầy đủ, họ càng phục vụ khách hàng tốt hơn. Chia sẻ thông tin tức là bạn đã giúp nhân viên có được cảm giác mình thực sự đứng trong hàng ngũ công ty và sẽ nỗ lực hơn cho việc hoàn thành những mục tiêu của tổ chức. 

Nguồn Gestion de l’Entreprise
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]