Trong thời gian qua, đã có tổng số 50 bệnh nhân từ 30-78 tuổi được áp dụng phương pháp này điều trị ung thư gan tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện 108 (Hà Nội) và Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.HCM).
Tại cuộc họp báo công bố kỹ thuật này tổ chức sáng 30-6 tại Hà Nội, ông Mai Trọng Khoa, phó giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho hay ung thư gan là loại ung thư đứng thứ hai ở nam giới (sau ung thư phổi) và đứng thứ ba ở nữ giới (sau ung thư vú và cổ tử cung).
Hiện có nhiều phương pháp điều trị ung thư gan, nhưng tỉ lệ bệnh nhân sống sau năm năm kể từ khi phát hiện bệnh ở VN là cực thấp, trong khi tại Nhật Bản lên tới 47%, châu Âu và Mỹ khoảng 11%.
Sàng lọc kỹ, phát hiện ung thư sớm là bí quyết của Nhật Bản. Thông thường họ khám sàng lọc mỗi ba tháng/lần.
Trong khi tại VN có đến 60% bệnh nhân đến viện khi bệnh đã ở giai đoạn trung gian và tiến triển, tức giai đoạn đã muộn.
Với kỹ thuật này, các bác sĩ sẽ đưa hạt vi cầu chứa phóng xạ qua mạch nuôi vào khối u, kỹ thuật này có tác động kép vừa gây tắc mạch cắt nguồn dinh dưỡng nuôi u, vừa phát ra bức xạ beta tiêu diệt khối u tại chỗ, giảm thiệt hại những mô lành xung quanh.
Theo ông Khoa, phương pháp này có thể chỉ định cho bệnh nhân ung thư gan giai đoạn muộn không còn khả năng phẫu thuật, hoặc đã thất bại với các phương pháp điều trị trước đó hay ung thư đại trực tràng di căn vào gan.
Những bệnh nhân thành công nhất sau áp dụng kỹ thuật này đều đã có thời gian sống thêm sau sáu tháng, có thể đi làm trở lại, khối u (người có khối u to nhất lên đến 7x8cm) đã giảm xuống 1/2 hoặc 2/3 so với trước điều trị.
Theo TS Nguyễn Tiến Thịnh, phó chủ nhiệm khoa nội tiêu hóa Bệnh viện 108, giá trị của phương pháp này so với các phương pháp khác đang áp dụng là khả năng kiểm soát khối u và cả bệnh nhân và thầy thuốc đều có thêm cơ hội lựa chọn.
Hiện bảo hiểm y tế đã chi trả phí chẩn đoán điều trị ung thư gan bằng hạt vi cầu phóng xạ, chỉ còn chi phí cho hạt vi cầu bảo hiểm chưa chi trả.