Bà bầu ăn dưa muối được không?

Bà bầu ăn dưa muối được không là thắc mắc của rất nhiều người. Có ý kiến cho rằng, bà bầu ăn dưa muối không tốt cho thai nhi.

0

Dưa muối là gì?

Theo phương pháp truyền thống, món dưa muối được làm từ khá nhiều loại rau, củ tùy theo sở thích của từng người và từng vùng miền chẳng hạn như cải bẹ, cải xanh, củ cải, cà rốt, su hào, ngó sen, cà tím, cà pháo, củ kiệu, tỏi, hành, hẹ, ớt, súp lơ, rau cần nước…

Dưới tác dụng của men vi sinh vật, gluxit, đạm biến đổi thành các axitcamin dễ hấp thu. Các chất xơ trong rau quả cũng được thuỷ phân, thành dạng dễ tiêu hoá hơn. Trong môi trường axit các chất khoáng như canxi, kẽm... cũng tăng khả năng hoà tan khiến cơ thể dễ hấp thu.

Bà bầu ăn dưa muối được không?

Theo các chuyên gia dinh dưỡng, bà bầu có thể ăn dưa muối bởi dưa muối không chỉ cung cấp những canxi cần thiết mà còn cung cấp chất xơ - một chất thiết yếu giúp bà bầu ngăn ngừa táo bón trong thai kỳ.

Bà bầu ăn dưa muối được không?

Tuy nhiên, các chuyên gia khuyên rằng, bà bầu không nên ăn nhiều dưa muối mà cần có chế độ ăn hợp lývà điều độ.

Bà bầu bị cao huyết áp, bệnh thận hoặc phải kiêng muối không nên ăn quá nhiều dưa muối vì có hàm lượng muối cao.

Ngoài ra, đối với các loại rau cải nếu sử dụng phân đạm urê để bón có thể vẫn còn tồn dư lượng nitrat. Nitrat trong rau bị khử thành nitrit, tăng cao trong vài ngày đầu và giảm khi dưa đã vàng. Nếu ăn dưa muối xổi, nitrit kết hợp với các gốc amin trong thịt, cá... để tạo thành nitrosamin, một trong những chất gây ung thư. Nếu bà bầu ăn nhiều sẽ không tốt cho thai nhi.

Đặc biệt, bà bầu phải tránh ăn các loại dưa đã quá chua, nổi váng đen, trắng hoặc có hiện tượng nhầy nhớt vì đây là giai đoạn bắt đầu xuất hiện nấm mốc. Quá trình lên men thực phẩm không đúng cách có thể không đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Các vi khuẩn gây thối phát triển mạnh, không tạo nên môi trường đủ tính axit để ức chế vi khuẩn và ký sinh trùng, không phân huỷ hết các độc tố...

Những loại rau củ quả dùng làm dưa muối thường có sẵn nhiều loại vi khuẩn, trong đó có vi khuẩn lên men lactic, vi khuẩn gây bệnh và ký sinh trùng. Vì thế, nếu quá trình làm không đảm bảo vệ sinh thì sẽ rất nguy hiểm cho sức khỏe.

Nếu quả cà, rau cải đã bị nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, dụng cụ muối bị nhiễm bẩn, hoặc có dùng chất phụ gia chống thối (chống tạp khuẩn lên men thối) quá liều lượng quy định khi muối… thì khi đó món cà muối, dưa muối sẽ trở thành món ăn vô cùng độc hại.

Bà bầu không nên ăn dưa còn xanh, cay

Để hạn chế quá trình hình thành nitrosamine trong cơ thể, tránh ăn các loại dưa muối xổi, hoặc những loại dưa muối chưa đủ thời gian, dưa chưa vàng, ăn hãy còn cay.

Chú ý để bà bầu ăn muối dưa an toàn

Để tránh hư hỏng, trước khi muối dưa, cà cần rửa sạch rau, củ, quả và dụng cụ để muối. Cần tạo môi trường lên men tốt: Cho đủ đường, muối, nhiệt độ phải đạt từ 20 - 45 độ C, nếu nhiệt độ thấp, quá trình lên men yếu không đủ ức chế vi khuẩn có hại phát triển. Giữ gìn vệ sinh trong quá trình muối, tránh sự xâm nhập của các vi khuẩn gây thối. Tốt nhất là nên mua rau sạch về muối tại nhà, nếu phải mua ngoài chợ thì nên chọn những hàng có uy tín.

Để có món dưa muối như vậy, tốt nhất nên tự mua nguyên liệu sạch về muối dưa tại nhà để đảm bảo vệ sinh thực phẩm. Trước khi muối dưa, phải rửa nguyên liệu và các dụng cụ để muối thật kỹ.

Cần tạo môi trường lên men tốt và giữ gìn vệ sinh trong quá trình muối dưa, tránh sự xâm nhập của vi khuẩn có hại.

Theo An Nguyên - Gia đình Việt Nam

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]