Những ngày này, nhiều gia đình ở Hà Nội đã rơi vào tình trạng cả nhà cùng bị đau mắt đỏ. Đối tượng phụ nữ mang thai đang cuống cuồng lo đau mắt đỏ. Chị Thủy Tiên (phường Hoàng Mai, quận Hoàng Mai) lo lắng: Tôi đang mang thai được 6 tháng, bị đau mắt đỏ không dám dùng bất cứ loại thuốc tây nào. Mẹ chồng thấy vậy mua nắm lá trầu về bắt xông cho đỡ. Không dám trái lời, xông mắt xong tôi thấy mắt đau rát hơn. Hôm sau vội đi khám, bác sĩ nói bị bỏng giác mạc do hơi nóng khi xông. 

Sau đó phải điều trị thuốc dài ngày mới đỡ. Còn chị Minh Khanh (quận Đống Đa) đang có bầu 3 tháng, sợ ảnh hưởng đến thai nhi cũng không dám dùng thuốc. Nghe mấy chị cơ quan mách mua lá cây bỏng về đắp sẽ khỏi. Đắp1 lần không thấy đỡ, đắp thêm vài lần nữa thì thấy mắt càng đỏ hơn, cộng thêm nhức mắt dữ dội. Hiện rất nhiều bà bầu đang rất lo sợ mắc bệnh đau mắt đỏ, và khi mắc thì luôn tìm đến các cách chữa dân gian.

BS Hoàng Cương - BV Mắt T.Ư - cho biết: Phụ nữ mang thai thường giảm sút khả năng miễn dịch, nên rất dễ bị lây bệnh. Bà bầu không cần phải lo lắng quá nếu bị lây đau mắt đỏ. Nhiễm virus trong thời kỳ thai nghén đều có thể có nguy cơ ảnh hưởng đến thai. Tuy nhiên, với các trường hợp đau mắt đỏ, khả năng gây ảnh hưởng đến thai rất thấp. Điều lo lắng nhất là bà bầu bị đau mắt đỏ lại không đi khám bác sĩ, mà tự ý dùng thuốc, khi đó có thể ảnh hưởng đến sự phát triển của thai nhi.

 Thuốc cho phụ nữ mang thai bị đau mắt đỏ không giống như thuốc của các đối tượng khác, mà phải tùy từng thời điểm mang thai, khám thực tế từng cá nhân để kê đơn thuốc điều trị. Bác sĩ Cương khuyến cáo, thai phụ xông lá trầu không hoặc đắp cây lá bỏng lên mắt để chữa bệnh đau mắt đỏ rất nguy hiểm, có thể gây bỏng giác mạc.

 Khi xông hoặc đắp xong, người bệnh có cảm giác dễ chịu, đỡ cộm, nghĩ nó có tác dụng chữa bệnh. Nhưng ngược lại, sau đó mắt sẽ càng sưng, phù nề, đau nhức, thậm chí là chảy máu. Lý do là vì các loại lá này chứa tinh dầu nóng, gây bỏng mắt. BV Mắt Trung ương đã từng tiếp nhận trường hợp người bị đau mắt đỏ lai rai đến tận 2 tháng vì chữa bệnh bằng các cách dân gian, thay vì dùng thuốc theo chỉ định của bác sĩ.

Các bác sĩ cho rằng, với đau mắt đỏ không nên quá nôn nóng điều trị, bởi cần có thời gian nhất định là 7 - 10 ngày để loại bỏ virus ra khỏi cơ thể.


Khi bị đau mắt đỏ, cần vệ sinh, rửa mắt hằng ngày bằng nước muối sinh lý 0,9% để rửa trôi mầm bệnh, rửa trôi chất tiết và dử mắt, làm êm dịu đôi mắt đang cộm rát khó chịu. Sau đó nhỏ thuốc theo sự hướng dẫn của thầy thuốc. Các loại thuốc nhỏ mắt dùng cho tới khi mắt trở lại bình thường, khoảng 7-10 ngày, không dùng kéo dài làm tăng nguy cơ nhờn thuốc. Không tùy tiện dùng các loại thuốc chống viêm, corticoid… vì dùng sai thuốc, đau mắt đỏ kéo dài có thể gây nhiều biến chứng như viêm giác mạc sợi, viêm giác mạc đốm, viêm giác mạc sâu... có thể gây sẹo, giảm thị lực hoặc mù lòa.