Quế chi tốt có vị cay the the, ngọt ngọt, mùi thơm, vỏ màu nâu và không bị vỡ vụn. Dùng để điều trị các chứng như tay chân lạnh, đau bụng, tả lị, bế kinh, giải nhiệt, hỗ trợ tiêu hóa, sát trùng. Vỏ quế có tác dụng giải nhiệt, giúp người bệnh có thể toát mồ hôi, giảm đau đầu, bụng, tăng tuyến nước bọt, kịch thích dịch vị giúp dễ tiêu hóa. Ngoài ra, trà quế chi có tác dụng phòng bệnh cảm cúm, chống lại các loại vi khuẩn gây nấm cơ thể. Tinh dầu quế có tác dụng sát trùng vết thương.

Dưới đây là một vài bài thuốc hay từ quế chi khi kết hợp với các thành phần khác:

Quế chi thang: Chữa cảm mạo, đau đầu, nhức toàn thân. Thành phần: Quế chi 12g, bạch thược 12g, chính thảo 6g, đại táo 4 quả, sinh khương 12g.

Tiểu kiến trung thang: Trị đau bụng do cảm hàn. Thành phần: Quế chi 8g, bạch thược 16g, chính thảo 4g, sinh khương 12g, đại táo 4 quả, đường phèn 30g.

 Quế chi phụ tử thang: Trị chứng đau thấp khớp nhưng không kèm sốt. Thành phần: Quế chi 12g, phụ tử 12g, cam thảo 8g, sinh khương 12g, đại táo 3 quả.

Quế chi phục linh: Trị đau bụng kinh, huyết ứ, tắc kinh, thai chết lưu.Thành phần: Quế chi 8g, phục linh 8g, đơn bì 8g, bạch thược 8g, đào nhân 8g.

Linh quế truật cam thang: Trị viêm phế quản, hen mạn tính. Thành phần:Bạch linh 12g, bạch truật 8g, quế chi 8g, cam thảo 4g.

Cách nấu thuốc: Dùng 3 chén nước nấu còn khoảng 1 chén lưng. Giữ lại bã, sắc lại để uống lần thứ 2 vào buổi chiều. Nên lưu ý, uống thuốc khi còn ấm. Phụ nữ đang mang thai, đang sốt cao, cường kinh, rong kinh không nên dùng quế chi để điều trị. Tối đa dùng khoảng 2-12g quế chi/ngày.

Vì cơ địa mỗi người khác nhau, bạn nên tham khảo ý kiến dược sĩ, không tự ý dùng dược liệu điều trị.

Theo DS.Châu Thị Hạnh Dân

Bệnh viện Y học Cổ truyền TP.HCM