Bạn bè quốc tế quan tâm đến bản đồ Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Đức/Vietnam+)
Trong gian triển lãm của Việt Nam tại Hội chợ ITB 2016, quầy giới thiệu
du lịch Việt Nam đã trưng bày những tấm bản đồ có in hình hai quần đảo
Hoàng Sa và
Trường Sa, trong đó viết rõ thuộc chủ quyền của Việt Nam; các ấn phẩm thông tin về những chứng cứ pháp lý khẳng định chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo này.
Đông đảo du khách quốc tế đã tới quầy trưng bày và đều lấy cho mình một tấm bản đồ Việt Nam. Nhiều du khách còn mở rộng tấm bản đồ và quan sát lâu từng khu vực địa lý trên bản đồ.
Các hướng dẫn viên đã nhiệt tình giới thiệu cho khách tham quan thông tin về các danh lam thắng cảnh nổi tiếng, những nét văn hóa truyền thống của Việt Nam và cả các khu vực địa lý thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền của Việt Nam.
Giời thiệu bản đồ du lịch Việt Nam tới bạn bè quốc tế. (Ảnh: Nguyên Đức/Vietnam+)
Bản đồ Việt Nam giới thệu tại ITB ghi rõ Hoàng Sa, Trường Sa là của Việt Nam. (Ảnh: Nguyên Đức/Vietnam+)
Hội chợ du lịch quốc tế Berlin 2016 ghi nhận sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam với nhiều hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch có hiệu quả của Tổng cục Du lịch và đông đảo các hãng lữ hành trong nước.
Những hình thức quảng bá phong phú về du lịch Việt Nam cũng góp phần tuyên truyền với quốc tế về chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong những ngày diễn ra Hội chợ, hàng nghìn tài liệu, ấn phẩm du lịch, bản đồ Việt Nam đã tới được với đông đảo bạn bè Đức và quốc tế.
Việc Trung Quốc đang tiếp tục có những hành động gây căng thẳng trên Biển Đông cũng thu hút được sự quan tâm của dư luận và chính giới Đức.
Cuối tháng Một vừa qua, tại buổi tiếp đoàn đại diện Liên hiệp người Việt tại Đức trao kiến nghị thư lần hai về tình hình Biển Đông, tiến sỹ Thomas Gambke, Ủy viên Ủy ban Tài chính và Kinh tế Quốc hội liên bang Đức, kiêm Chủ tịch Hội nghị sỹ hữu nghị liên bang Đức-ASEAN, đã nhất trí cho rằng những hành động của Trung Quốc đang tiếp tục làm gia tăng căng thẳng ở Biển Đông, nơi có vị trị trọng yếu đối với hàng hải quốc tế cũng như liên quan trực tiếp tới lợi ích của Đức, cường quốc xuất khẩu hàng đầu thế giới.
Theo ông Gambke, Đức ủng hộ một giải pháp hòa bình xử lý tranh chấp ở Biển Đông bởi nếu không có giải pháp hòa bình, vấn đề Biển Đông có thể biến thành khủng hoảng khu vực, thậm chí là khủng hoảng toàn cầu./.