Bé chảy máu cam, phải làm sao?

Con tôi 5 tuổi. Cháu rất hay bị chảy máu cam. Tôi không hiểu tại sao cháu lại bị như vậy, dù tôi vẫn thường xuyên cho cháu uống nước cam hoặc ăn các loại hoa quả giàu vitamin C. Những đợt cháu bị chảy máu cam, tôi có bổ sung thêm rutin vitamin C theo lời khuyên của bác sĩ nhưng sau đó một thời gian hiện tượng này lại tái phát. Mong quý báo tư vấn cách chữa trị.

15.6182

(SKDS) -  Con tôi 5 tuổi. Cháu rất hay bị chảy máu cam. Tôi không hiểu tại sao cháu lại bị như vậy, dù tôi vẫn thường xuyên cho cháu uống nước cam hoặc ăn các loại hoa quả giàu vitamin C. Những đợt cháu bị chảy máu cam, tôi có bổ sung thêm rutin vitamin C theo lời khuyên của bác sĩ nhưng sau đó một thời gian hiện tượng này lại tái phát. Mong quý báo tư vấn cách chữa trị.

Nguyễn Thùy Mai (Hà Nội)

Chảy máu cam là hiện tượng mạch máu nhỏ bị vỡ làm máu chảy ra ngoài. Chảy máu cam thường gặp ở trẻ nhỏ và mang yếu tố cơ địa tức là không rõ nguyên nhân ngoại trừ một số trường hợp có bất thường về mạch máu. Mặc dù chảy máu cam làm cha mẹ lo lắng nhưng ít ảnh hưởng đến sức khỏe của bé do lượng máu mất rất ít và máu tự cầm.

  Ảnh minh họa (nguồn Internet)

Chảy máu cam có thể tự phát nếu niêm mạc mũi bị khô, đóng vảy và bị rách, nhất là vào lúc khí hậu khô hanh, mùa đông... Do vậy, để hạn chế chảy máu cam ở trẻ, nhất là vào mùa hanh khô, bạn có thể nhỏ nước muối sinh lý hằng ngày cho cháu, vừa có tác dụng làm ẩm niêm mạc mũi, vừa có tác dụng rửa sạch các chất bụi bẩn và vi khuẩn giúp bé thở tốt hơn. Bên cạnh đó việc bổ sung các vitamin, đặc biệt là vitamin C như bạn đã làm là rất cần thiết, làm chắc thành mạch và tăng miễn dịch cho cơ thể bé.

Khi trẻ bị chảy máu cam cho trẻ cúi đầu về phía trước hoặc nằm xuống nghiêng đầu về một bên, dùng ngón cái và ngón trỏ bóp ép nhẹ 2 cánh mũi, giữ như vậy trong 5 phút. Tránh để trẻ ngửa đầu ra sau lúc đang chảy máu cam, vì như vậy khiến máu chảy xuống phía sau hốc mũi vào dạ dày có thể gây khó chịu và buồn nôn. Sau khi máu ngưng chảy, bạn cần chú ý nhắc nhở con không được ngoáy mũi, không xì mũi mạnh để tránh kích thích trở lại. Chảy máu cam không có thuốc điều trị đặc hiệu, khi trẻ lớn dần hiện tượng này sẽ giảm và tự khỏi.    
BS. Lê Thu Lan
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]