Bệnh cao huyết áp

Cao huyết áp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim và tai biến mạch máu não, gây tử vong hàng đầu.

15.5925

Theo Bách khoa toàn thư mở Wikipedia, cao huyết áp (hay còn được gọi là tăng huyết áp) là một bệnh mạn tính trong đó áp lực máu đo được ở động mạch tăng cao. Huyết áp thường được đo bằng hai chỉ số là: huyết áp tâm thu (systolic) và huyết áp tâm trương (diastolic), dựa trên 2 giai đoạn co bóp và giãn nghỉ của cơ tim, tương ứng với áp lực cao nhất và áp lực thấp nhất của dòng máu trong động mạch.

Có nhiều quy chuẩn khác nhau về khoảng bình thường của huyết áp. Huyết áp lúc nghỉ thông thường nằm trong khoảng 100-140mmHg huyết áp tâm thu và 60-90mmHg huyết áp tâm trương. Bệnh nhân bị cao huyết áp khi đo huyết áp của bệnh nhân thường xuyên thấy cao hơn hoặc bằng 140/90 mmHg.

Nguyên nhân cao huyết áp

PGS.TS bác sĩ Nguyễn Hoài Nam, Chủ tịch Hội tĩnh mạch học, Giảng viên Trường đại học Y dược TP HCM chia sẻ trên Vnexpress, phần lớn bệnh nhân mắc bệnh tăng huyết áp mà không tìm thấy nguyên nhân.

"Chỉ khoảng 5-10% bệnh nhân tìm được nguyên nhân, nhóm này gọi là tăng huyết áp thứ phát. Số còn lại không rõ nguyên nhân, gọi là tăng huyết áp nguyên phát hay tăng huyết áp vô căn", tiến sĩ Nam cho biết.

Theo bác sĩ Nam, các nguyên nhân thường gặp của tăng huyết áp thứ phát là do suy thận mạn tính, hẹp động mạch thận, cường aldosteron nguyên phát, u tủy thượng thận và do uống thuốc ngừa thai.

Hầu hết bệnh nhân tăng huyết áp trong giai đoạn đầu không có biểu hiện gì. Người bệnh chỉ phát hiện mình bị tăng huyết áp khi tình cờ đo huyết áp hoặc khám sức khỏe định kỳ. Do đó đa số bệnh nhân biết mình bị bệnh khi đã có biến chứng trên các cơ quan của cơ thể.

Triệu chứng cao huyết áp

Sức khỏe và đời sống đưa tin, có một quan điểm sai lầm phổ biến cho rằng người bị cao huyết áp sẽ luôn xuất hiện các triệu chứng, nhưng thực tế hầu hết người bị tăng huyết áp không có triệu chứng, một số trường hợp có thể xuất hiện một vài triệu chứng sau:

- Đau đầu: có thể đau vùng đỉnh đầu, 2 bên thái dương, có lúc đau lúc không. Trường hợp bị cơn tăng huyết áp ác tính (huyết áp đột ngột tăng quá cao) thì đau đầu dữ dội như muốn vỡ ra.

- Chóng mặt ù tai: Bệnh nhân thỉnh thoảng có chóng mặt, người choáng váng, mất thăng bằng. Có thể kèm theo ù tai hoa mắt.

- Mất ngủ: Tăng huyết áp làm cho bệnh nhân khó ngủ, ngủ không sâu giấc có thể hay mê sảng, nhiều trường hợp mất ngủ thường xuyên, không ngủ được.

- Suy giảm trí nhớ: Tăng huyết áp làm cản trở lưu thông máu lên nuôi dưỡng cho não bộ vì vậy lâu ngày làm suy giảm trí nhớ biểu hiện là bệnh nhân hay quên.

- Các triệu chứng cận lâm sàng: Thường là giai đoạn sau (huyết áp tăng cao thường xuyên không được điều trị) giai đoạn này đã có các biến chứng.

Chụp Xquang, siêu âm tim, điện tâm đồ có biểu hiện dày thất trái hoặc suy tim.

Soi đáy mắt: hẹp động mạch võng mạc mắt có thể xuất huyết đáy mắt hoặc phù gai thị.

Suy thận: Xét nghiệm máu thấy creatinin máu cao; Xét nghiệm nước tiểu có protein niệu.

Trường hợp tăng huyết áp gây nhồi máu cơ tim hay nhồi máu não thì chụp cắt lớp có hình ảnh ổ nhồi máu ở tim, não.

Các tai biến của cao huyết áp

Theo GS.BS Phạm Gia Khải - Chủ tịch Hội Tim mạch học Việt Nam, tăng huyết áp là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến bệnh tim và tai biến mạch máu não (đột quỵ) – hai căn bệnh này là nguyên nhân số 1 thế giới gây tử vong và tàn tật.

Điều này cũng đã được chứng minh bằng con số 7,1 triệu người tử vong do tăng huyết áp chỉ trong năm 2005 – theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới.Không chỉ dừng lại ở tim và não, tăng huyết áp còn gây ra biến chứng ở thận và mắt.

Tuy nhiên, tăng huyết áp gần như không có biểu hiện và nhiều trường hợp phát hiện bệnh khi đã nhập viện cấp cứu vì đột quỵ với những di chứng thần kinh như: liệt nửa người, méo mặt, sống thực vật hoặc thậm chí tử vong.

- Tăng huyết áp tạo ra áp lực lớn lên thành mạch máu làm thành mạch máu bị rạn nứt. Trong quá trình di chuyển trong lòng mạch, các thành phần như mỡ máu, bạch cầu rơi xuống các vết nứt khiến các vách này bị dày lên tạo thành mảng xơ vữa, mảng xơ vữa này làm hẹp thành mạch và cản trở sự di chuyển của các thành phần của máu. Ngay khi đó các sợi huyết sẽ có cơ hội gắn kết các thành phần của máu tạo thành cục máu đông, cùng với mảng xơ vữa gây bít tắc mạch máu.

- Cùng với cục máu đông, tăng huyết áp gây áp lực lên thành mạch cũng là nguyên nhân gây ra nứt động mạch, chiếm tỷ lệ khoảng 20% tai biến mạch máu não. Hiện tượng chảy máu do nứt, vỡ động mạch, có thể xảy ra ở nhiều mạch nhỏ, như hiện tượng chảy máu mũi (chảy máu cam), chảy máu ở củng mạc, chảy máu ở võng mạc, gây mờ mắt…

Trà Mi

Nên đọc

Theo GĐVN

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]