1. Chọn kiểu xe
Hiện nay trên thị trường có nhiều dòng xe khác nhau - sedan, hatchback, coupe, hai cầu, bán tải, xe “xanh”, xe thể thao hay xe thể thao đa dụng SUV - bạn phải xác định nhu cầu sử dụng của mình để có lựa chọn chính xác. Không có sự lựa chọn nào đúng hay sai với tất cả mọi người: kiểu xe bạn chọn phụ thuộc hoàn toàn vào nhu cầu cá nhân và túi tiền của chính bạn.
2. Chọn mua xe mới hay xe đã qua sử dụng?
Chúng ta luôn mơ ước sở hữu một chiếc xe mới coóng, cái mùi xe mới quả thật tuyệt vời, nhưng trên thực tế, mua một chiếc xe đã qua sử dụng lại là một quyết định chi tiêu hợp lý. Nếu bạn không đủ tiền mua một chiếc xe mới, bạn vẫn có thể mua một chiếc đã qua sử dụng nhưng chạy chưa nhiều.
Khi mua xe cũ, bạn phải chắc rằng đã nắm rõ thông tin bảo hành, bảo dưỡng (sổ bảo hành là một bảng ghi nhận toàn bộ những công tác sữa chữa, bảo trì, phụ tùng thay thế đã thực hiện trên chiếc xe). Bạn chỉ nên mua xe đã qua sử dụng từ những đại lý uy tín. Hãy tỉnh táo trước những lời đề nghị với giá rẻ không ngờ. Hãy nhớ rằng… nếu giá quá rẻ so với chiếc xe thì có thể bạn cần phải xem lại.
3. Đánh giá những giá trị cộng thêm trên xe
Tất cả các xe đều có gắn thêm một vài phụ tùng, phụ kiện. Chúng tôi không nói đến những viên xúc xắc treo trang trí hay bộ lông bọc ghế; chúng tôi đang nói đến những gói giá trị cộng thêm như các chương trình dịch vụ bảo dưỡng hay thời gian bảo hành.
Tùy từng loại xe mà những loại dịch vụ này sẽ thay đổi, khi có trục trặc xảy ra, bạn sẽ thấy sự khác biệt rất lớn. Chế độ bảo hành bao gồm toàn bộ các vấn đề về kỹ thuật trên chiếc xe - trong điều kiện lý tưởng thì bạn luôn mong muốn chế độ bảo hành được kéo dài càng lâu càng tốt. Điều này cũng tương tự như gói bảo dưỡng định kỳ trả trước dành cho xe - bạn luôn muốn hiệu lực của chương trình này càng lâu càng tốt, để bạn an tâm rằng không có một chí phí nào phát sinh ngoài dự kiến có thể thổi bay túi tiền của bạn.
4. Sử dụng Google
Internet là kho thông tin tuyệt vời về chiếc xe bạn muốn mua. Hãy tìm kiếm trên Google tất cả những loại xe mà bạn thích và xem bạn khám phá được gì ở nó. Nếu chiếc xe đó không đáng tin cậy, bạn sẽ thấy rất nhiều phàn nàn từ những ai đã từng sử dụng nó trên các trang thông tin dành cho người tiêu dùng. Bạn sẽ có thể đọc được những bài nhận xét từ các phóng viên độc lập từ các tờ báo về ôtô, từ đó có thể hướng bạn đến với sự lựa chọn đúng đắn.
5. Cân nhắc về màu sắc
Màu sắc quan trọng khi bạn muốn sang nhượng lại chiếc xe của mình. Màu xe phổ biến sẽ dễ bán hơn và bán được giá hơn. Khi quyết định chọn màu bạn phải luôn nhớ rằng ở các thị trường nhất định một số màu nhất định sẽ được ưa chuộng hơn những màu khác.
6. Lưu ý đến mức tiêu hao nhiên liệu
Trước khi quyết định ký hợp đồng mua xe, bạn cần phải tìm hiểu kỹ về những thông số và thực tế chiếc xe đó. Nạp đầy nhiên liệu cho xe là một việc rất tốn kém - vì vậy cần phải biết chiếc xe của bạn tiết kiệm xăng như thế nào? Xe thể thao có thể tăng tốc rất nhanh như tên lửa nhưng cũng cần phải nhớ rằng nó cũng ngốn xăng nhanh như độ tăng tốc của nó. Tương tự như thế, một chiếc xecó không gian nội thất rộng rãi hay một chiếc SUV sẽ hao xăng hơn một chiếc hatchback hay sedan.
Vì loại xe cồng kềnh hơn thường có trọng lượng lớn hơn, nên để đánh đổi sự tiện nghi, đa năng, nó uống xăng nhiều hơn. Mức độ khí thải CO2 cũng là một cái giá phải trả..
7. Các đặc tính an toàn của xe rất quan trọng
Bạn phải quyết định xem các đặc tính an toàn nào bạn quan tâm nhất và phải đảm bảo rằng chiếc xe có những tính năng đó trước khi bạn mua. Bạn có thể tham khảo rất nhiều những đánh giá về độ an toàn theo tiêu chuẩn quốc tế - chẳng hạn như đánh giá của Hiệp hội Đánh giá An toàn của xe mới (NCAP) tại Châu Âu. Các đánh giá này do các cơ quan độc lập tiến hành nên bạn có thể hoàn toàn yên tâm về độ tin cậy của chúng (không như các nhân viên kinh doanh ngoài miệng thì cứ hứa hẹn này nọ nhưng thực tâm họ chỉ quan tâm đến công việc buôn bán của mình).
8. Chọn thương hiệu
Bây giờ khi bạn đã chọn được kiểu mong muốn và đã quyết định nên mua xe mới hay xe cũ, đã đến lúc bạn chọn cho mình thương hiệu xe mà bạn thích. Đây sẽ là một quyết định khó khăn: những thương hiệu nhỏ hay những thương hiệu nước ngoài sẽ cám dỗ bạn bằng những bảng chào giá khá hấp dẫn.
Bạn cần phải hết sức tỉnh táo trong những trường hợp như thế. Hãy tìm mua xe tại một công ty có bề dày hoạt động đáng tự hào,một công ty đã xuất hiện trên thị trường trong một khoảng thời gian tương đối và có tiếng trong việc cho ra đời những sản phẩm chất lượng. Mua xe nghĩa là bạn đang đầu tư lâu dài, vì thế mà bạn chỉ nên tìm đến những công ty làm ăn uy tín mà thôi.
9. Lái thử
Khi bạn đã có trong tay một danh sách xe để lựa chọn, bạn cần lái thử từng chiếc. Bạn phải tự hỏi: mình sẽ thấy thoải mái và hài lòng khi hàng ngày ngồi trong chiếc xe này tronng một vài năm tới hay không? Việc chạy thử trên đoạn đường bạn hay đi sau này cũng hết sức quan trọng. Ví dụ, nếu bạn chủ yếu lái xe trong thành phố hoặc đoạn đường bạn đi hàng ngày đầy sỏi, bạn phải chắc rằng bạn sẽ chạy thử xe trên những đoạn đường có điều kiện tương tự như thế.
10. Chọn dòng xe và cân nhắc
Bạn đã quyết định sẽ mua loại xe nào. Điều cần cân nhắc sau cùng chính là bạn sẽ mua phiên bản nào trong dòng xe đó. Các mẫu xe thường xuất hiện theo dòng - các mẫu xe trong cùng một dòng sẽ khác nhau về dung tích động cơ và các tính năng khác.
Bạn hãy cẩn thận so sánh giữa các mẫu xe của dòng xe mà bạn muốn mua. Có cần phải mua động cơ lớn (thường cũng sẽ hao xăng hơn) hay không? Liệu bạn có cần những tính năng cao cấp hay không? Cửa sổ ở phía sau có cần phải là cửa tự động lên kính không (trong khi bạn chẳng bao giờ sử dụng ghế sau)? Các tính năng an toàn được trang bị trên từng mẫu xe như thế nào? Bạn hãy nhớ rằng: động cơ xe càng lớn và xe càng nhiều đồ chơi thì giá xe sẽ càng cao.
Theo TTTD