Bí quyết dưỡng sinh trường thọ của 3 danh nhân Trung Hoa

Con người không ai có thể “trường sinh bất tử”, nhưng bằng các phép dưỡng sinh trường thọ, con người có thể sống khoẻ và lâu hơn.

15.6051

Con người không ai có thể thoát khỏi quy luật “sinh, lão, bệnh, tử” của tạo hoá, cũng không có phép thuật hay phương thuốc bí truyền huyền diệu nào có thể giúp cho con người “trường sinh bất tử”, nhưng bằng sự hiểu biết quy luật và khả năng cải tạo tự nhiên tuyệt vời của mình, con người hoàn toàn có thể đạt được mục đích sống khoẻ hơn và sống lâu hơn.

Vua Càn Long (1710-1799)

Vua Càn Long thọ 89 tuổi, trị vì đất nước 60 năm và làm Thái Thượng Hoàng 3 năm. Nhà vua qua đời do tuổi già chứ không do ốm đau bệnh tật. Vào tuổi 87, nhà vua vẫn cưỡi ngựa đi săn, suốt đời không phải đeo kính. Ngay trước lúc qua đời, nhà vua vẫn đọc sách và viết bình thường. Tại sao nhà vua có thể sống lâu vầ mạnh khỏe như vậy?

 

Vua Càn Long

Theo lời quan ngự y hậu duệ đời Thanh (1644 – 1912) kể lại, nhà vua thường tập luyện theo phép dưỡng sinh trường thọ như sau : không ngủ muộn, dậy sớm, tập thở sâu trước khi ăn sáng, tập thể dục, đi bộ vận động cơ bắp. Hàng ngày tập đều 10 động tác: gõ răng, rung cuống họng, xoa tai, chà xát mũi, đảo mắt, xoa mặt, co duỗi chà xát 2 chân, xoay đảo bụng, co duỗi chà xát tay, co thót hậu môn và thực hiện nghiêm 4 không: khi ăn không nói nhiều; khi nằm không nghĩ vẩn vơ; không uống rượu quá chén; không đam mê sắc dục.

Trong bữa ăn nhà vua thường uống 1-2 ly rượu con thuốc bổ như “Quy Linh Tửu”, “Cố Bản Tiên Phương” có tác dụng dưỡng huyết kiện tỳ hành khí nhuận tràng, thông tiện, ôn thận, bổ dương.

Năm 1793, sứ thần của nữ hoàng Anh bệ kiến vua Càn Long, khi về sứ thần đã ghi nhật ký: “Nhà vua tuy đã 83 tuổi mà trông như người mới chừng 60 tuổi. Quả là một người nắm được bí quyết của phép cải lão hoàn đồng”.

Hoàng đế Võ Tắc Thiên

Trong lịch sử Trung Hoa, các vị vua sống lâu rất hiếm. Chỉ nói ở đời Đường (613 – 907) trước sau có 21 hoàng đế, tuổi thọ trung bình là 46,3 tuổi., trong số ấy chỉ có Võ Tắc Thiên là có tuổi thọ cao nhất: 82 tuổi.

 

Võ Tắc Thiên.

Năm 14 tuổi Võ Tắc Thiên được Đường Thái Tông tuyển vào cung làm “ tài nhân”. Năm 32 tuổi bà được lập làm hoàng hậu… Năm 690, Võ Tắc Thiên phế truất Duệ Tông, tự lên ngôi Hoàng đế, ở ngôi được 15 năm. Năm 705, bà mắc bệnh qua đời. Nếu tính từ lúc Võ Tắc Thiên tham dự triều chính năm 32 tuổi với tư cách Hoàng hậu cho tới lúc qua đời năm 82 tuổi, bà đã chấp chính trong suốt 50 năm trời. Bà là vị hoàng đế có tuổi thọ cao nhất của 21 vị vua chúa đời Đường. Bà có tuổi thọ cao là có nhiều nguyên nhân, song có 1 bí quyết mà ít người biết đến. Bà là người sùng tín đạo Phật, thường xuyên tụng kinh niệm Phật. Mẹ bà cũng là phật tử.

Sau khi Đường Thái Tông qua đời, Võ Tắc Thiên đến chùa Cảm Nghiệp làm ni cô. Ở đây hằng ngày bà ngồi kiết già. Tĩnh tọa, tham thiền nhập định, thân tâm bất động. Suốt 3 năm ở chùa, ngày nào Võ Tắc Thiên cũng ngồi thiền theo tư thế hoa sen, điều dưỡng thân tâm. Đặc biệt 14 năm làm “Tài nhân”, bà thường xuyên tập cưỡi ngựa, bắn cung, chèo thuyền, leo núi hái hoa rừng. Cách rèn luyện của Võ Tắc Thiên luôn luôn vừa có tĩnh vừa có động, động tĩnh kết hợp. Bà tuân thủ cách tập này rất nghiêm túc cho đến cuối đời. Khi đã 80 tuổi, người ta vẫn chưa thấy trên nét mặt bà những dấu vết của già nua.

Quách Mạt Nhược

Quách Mạt Nhược là nhà văn, nhà thơ, nhà soạn kinh Dịch, nhà sử học, dịch giả nổi tiếng Trung Quốc, thọ 86 tuổi. Vậy mà thời tuổi trẻ ông bị bệnh tật hành hạ đến khổ sở, ông rất bi quan. Tháng 6 năm 1914, ông sang Nhật du học, thi vào trường Cao đẳng số 1 Tokyo. Do làm việc căng thẳng, quá sức nên Quách Mạt Nhược bị suy nhược thần kinh nặng, ngực tức, tim loạn nhịp, ngủ không yên giấc, mỗi đêm chỉ ngủ 3-4 tiếng, hễ chợp mắt là mê sảng, mộng mị, trí nhớ giảm sút .

 

Quách Mạt Nhược

Theo ông kể lại, khi đọc sách đến hàng thứ 2 thì quên khuấy mất hàng thứ nhất, đầu óc choáng váng đau nhức khó chịu vô cùng. Vào trung tuần tháng 9 – 1915, ngẫu nhiên ông vào hiệu sách mua được bộ “Vương Văn Thành toàn thư”( Vương Văn Thành tức Vương Dương Minh, nhà triết học nổi tiếng đời Minh). Sách đã kể Vương Dương Minh đã dùng phép tĩnh tọa mà chữa được bệnh nặng. Quách Mạt Nhược liền bắt chước xem sao. Cứ mỗi sáng sau khi ngủ dậy, ông ngồi tĩnh tọa 30 phút, mỗi ngày đọc 10 trang sách, ngày nào cũng vậy, cứ đều đặn như thế. Chưa đầy 3 tuần lễ, giấc ngủ của Quách Mạt Nhược kéo dài hơn, ít mê sảng, tim bớt hồi hộp và ông có thể cưỡi ngựa được. Ông phấn chấn sống sinh động hẳn lên. Ông hoàn toàn tin tưởng vào phép tĩnh tọa. Sau này ông thường nói “Tĩnh tọa quả rất công hiệu. Tôi hoàn toàn tán thành các bạn tôi tập tĩnh tọa. Tôi xem tĩnh tọa như một phương tiện hữu ích cho sức khỏe, cho ý chí tiến thủ của mỗi người".

Ông đã đúc kết ra mấy nguyên tắc của phép tĩnh tọa như sau:

 

+ Thở, hít vào sâu và chậm. Thở ra ngắn và gấp. Tập trung tư tưởng lúc thở.

+ Tư thế: ngồi xếp bằng ngay ngắn, ngồi theo tư thế hoa sen càng tốt, mắt lim dim, môi hơi ngậm, hai hàm răng không chạm nhau, ngực hơi co lên không được ưỡn ra, hai tay đặt trên đùi. Toàn thân thả lỏng, thư giãn tận cùng từ tay đến mặt rồi toàn thân.

+ Tinh thần : tập trung chú ý vào 1 điểm dưới rốn 1 đốt ngón tay (huyệt đan điền), đầu óc thanh thản không vấn vương suy nghĩ điều gì, ban đầu chưa được sau quen dần.

+ Thời gian: sáng sau khi thức dậy, tối trước khi đi ngủ, tập tối thiểu khoảng 30 phút.

Các thiền sư Tây Tạng, Ấn Độ và các nhà nghiên cứu thiền học đã đúc kết tác dụng của thiền tọa như sau:

 

- Khi ngồi thiền: Mắt nhắm thì hồn về gan, sẽ ngủ ngon tăng dũng lực.

- Tai không nghe: tinh về thận, lưng không đau, không sợ hãi.

- Miệng ngậm : thần về tâm, huyết mạch lưu thông, thư thái, an lạc.

- Mũi bế : phách về phổi, khí phách đầy đủ, lạc quan yêu đời.

- Tâm định : ý về tỳ, tiêu hóa tốt ăn ngon ngủ kỹ, ý chí mạnh chẳng băn khoăn lo lắng gì.

- Khi ngồi thiền tĩnh tâm đạt đến trạng thái anpha : 4-10 héc/ giây hoặc trạng thái Teta : 3-4 héc/giây thì sóng não ta sẽ cộng hưởng với sóng địa từ trường ở tần số Shuman 4-5 hec/giây, gây phản ứng đặc biệt ở não, mở ra phép lạ cho con người như thiên nhĩ thông, thiên nhãn thông, thần giao cách cảm.

-Hai vị sư Vũ khắc Minh và Vũ khăc Trường ở chùa Đậu (Thường Tín, Hà Nội) đã thiền định khi sang thế giới bên kia, để lại 2 thân xác nguyên vẹn không bị hư thối tiêu tán…

Như vậy , nếu chúng ta tập ngồi thiền đều đặn thường xuyên, đúng phương pháp thì cơ thể sẽ khỏe mạnh, bênh tật không phát sinh, có khả năng sống trường thọ 100 tuổi, không phải là mơ ước viển vông.

Lương y Minh Chánh

 

 

 

L

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]