Bị thủy đậu 10 ngày rồi, có nguy cơ lây cho người khác không?

Mời bạn đọc AloBacsi theo dõi nội dung một vài câu tư vấn trong số rất nhiều câu được BS Lan Hương giải đáp qua email trong tối nay.

15.6013
BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - BV Trưng Vương

Nội dung buổi tư vấn của BS Lan Hương với bạn đọc AloBacsi:

- Nguyen Lam – nguyenlam…@gmail.com

BS ơi cho em hỏi,

Bạn em bị thủy đậu được mười mấy ngày rồi. Cách đó 2 - 3 ngày em có nói chuyện vài câu với bạn. Vậy cho em hỏi, lúc đó em có bị lây không? Nếu muốn biết có bị lây không phải làm sao ạ?

Hiện tại em bình thường. Cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Bệnh thủy đậu lây nhiễm mạnh trong giai đoạn khoảng 2 ngày trước khi các triệu chứng xuất hiện và kéo dài khoảng 7 ngày khi đã phát bệnh.

Hiện nay, không có cách nào nhận biết giai đoạn mới nhiễm virus (nếu có), do đó một số đối tượng đặc biệt sẽ được điều trị dự phòng luôn (phụ nữ có thai, đang cho con bú, người già, HIV/AIDS...) khi có tiếp xúc với người bệnh trong giai đoạn lây nhiễm cao.

- Văn Thị Diễm, 28 tuổi - Quảng Nam

Chào BS,

Em có dấu hiệu bị ho lẫn máu BS ạ. Tình trạng này đã kéo dài hơn 3 năm rồi. Nhưng thường xuất hiện vào mùa lạnh. Cứ đến mùa lạnh là em lại bị ho, cổ họng như có đờm và khi ho thì ra đờm lẫn máu tươi. Những lúc ho hay kéo dài thời gian lắm, và ho 1 lúc thì ói ra máu luôn. Đến nay em mới bị lại.

Khi đang ngủ, khoảng 2h sáng thì tự nhiên bị ho và khạc ra đờm có máu. Em phải kiềm chế cơn ho lại, chứ nếu cứ ho như thế sẽ ra máu nhiều khiến em rất sợ và lo lắng.

Vào mùa lạnh năm 2012, là lúc đầu tiên em bị ho ra máu, kèm theo nôn ói ra rất nhiều máu tươi. Em đã đi khám tại BV, BS kết luận rằng cổ họng em bị xước do ăn hạt hướng dương nên dẫn đến tình trạng đó và kê thuốc cho em uống. Nhưng em nghĩ rằng không đúng vì cứ đến mùa lạnh là em bị và năm nào cũng thế ạ. BS giúp em với. Em cảm ơn ạ!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Em Diễm thân mến,

“Xước vùng hầu họng do ăn hạt hướng dương gây ho ra máu”, nếu có thì chỉ gây ho ra máu 1 đợt thôi, sau điều trị thì vết xước sẽ hết, do đó, phải có 1 nguyên nhân khác gây ho ra máu vào mùa lạnh lặp đi lặp lại. Nguyên nhân này ít nghĩ đến nhóm bệnh lý nguy hiểm như ung thư, áp xe phổi, lao phổi... vì bệnh không tiến triển tăng dần liên tục. Nguyên nhân nghĩ đến nhiều nhất là nhóm bệnh lý có liên quan đến mạch máu nằm dọc theo đường dẫn khí, vì khi trời lạnh sẽ làm mạch máu khô hơn, dễ viêm và dễ vỡ dưới áp lực ho.

Nếu em từng bị lao phổi và có xẹo do lao thì có thể đây là nguyên nhân, vì hang lao thường làm tổn thương mạch máu của phổi. Nếu em có thêm tiểu máu hay xuất huyết tiêu hóa (đi cầu phân đen, đi cầu ra máu), ban bất thường trên da thì coi chừng là bệnh lý mạch máu toàn thân.

Nhìn chung, em nên khám ở BV chuyên khoa hô hấp để được kiểm tra toàn diện và điều trị tương ứng với chẩn đoán. Tôi chỉ có thể khuyên em là nên giữ ấm vùng hầu họng vào trời lạnh, đi ra đường nhớ đeo khẩu trang, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào đầu mặt cổ, uống nước ấm thay vì nước lạnh, hạn chế thức ăn dễ gây ho như các sản phẩm từ gà, dầu mỡ, không tiếp xúc với khói thuốc lá.

- Bạn đọc giấu tên

Kính chào BS,

Cách đây 3 tháng tôi bị mẩn ngứa ở háng và sau mông. Lúc đầu tôi nghĩ đơn giản là do trời nóng và mình gãi nhiều nên bị bóc da, càng ngày bệnh càng tăng. Vì ngại nên tôi chỉ bôi oxy già và thuốc đỏ, rồi bôi thuốc cockin hay cocxin gì đó.

Xin nói thêm, hồi lớp 9 tôi cũng từng bị nhưng đi khám uống thuốc và bôi lên thì hết. Tôi sinh hoạt lành mạnh, vệ sinh tốt. Tôi đã có gia đình và cũng không bậy bạ bên ngoài, nhưng tôi không hiểu tại sao mình lại bị như thế. Mong BS xem giúp và cho tôi lời khuyên về cách điều trị, loại thuốc, và bệnh này có lành hẳn không?

Vì công việc nên tôi cũng bị áp lực và hay sử dụng rượu bia, nhiều khi tôi suy nghĩ có lẽ do tôi hay uống nên người cứ ngứa ngáy, da đôi khi cũng có nhiều mẩn ngứa. Nhiều khi tôi sợ bệnh xã hội, nghĩ mình có lối sống lành mạnh nhưng tôi vẫn sợ lây cho vợ con. Kính mong BS tư vấn giúp tôi.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn,

Đây là tình trạng hăm da, hay viêm da do ma sát, viêm da do mồ hôi. Nếu bạn không “bậy bạ bên ngoài” thì không lo nhiễm các bệnh lây lan qua đường tình dục. Hăm da không lây cho người khác, nhưng nếu bội nhiễm vi nấm thì có thể lây khi tiếp xúc nhiều. Khi hăm da có bội nhiễm vi khuẩn thì sẽ có mụn mủ.

Yếu tố thuận lợi chính cho sự phát triển của bệnh là mặc quần áo chật, dư cân, đổ mồi hôi nhiều (công việc, thể dục thể thao), khí hậu nóng ẩm. Căng thẳng đầu óc và rượu bia cũng là yếu tố thúc đẩy của bệnh ở những cơ địa dễ dị ứng. 

Về cách điều trị thì bạn nên đến khám chuyên khoa da liễu để được BS kê thuốc phù hợp với cơ địa và tiền căn dị ứng thuốc. Theo quy định của bộ Y tế, BS không kê toa khi không thăm khám trực tiếp cho người bệnh. Bệnh này không phải bệnh nan y, có thể chữa khỏi nhưng phải đảm bảo loại trừ tất cả các yếu tố thúc đẩy bệnh (đã đề cập ở trên).

Về việc phòng ngừa, bạn nên:

- Mặc quần áo rộng thoáng

- Ở trong môi trường mát mẻ, thông thoáng

- Thay đổi thường xuyên quần áo ít nhất mỗi ngày.

- Nên tắm rửa cơ thể nhanh sau hoạt động đổ nhiều mồ hôi.

- Sử dụng phấn để hạn chế sự ẩm ướt cho những vùng tiết nhiều mồ hôi.

- Khi hăm rát nhiều có thể thoa vaseline để làm mát và bôi trơn.

- Nếu dư cân thì phải giảm cân

- Dị ứng với bia rượu thì không nên uống bia rượu nữa, cũng nên kiêng các thực phẩm dễ gây dị ứng như đồ biển, thịt bò, thịt rừng.

- Hạn chế tối đa căng thẳng đầu óc.

- Hồng –[email protected]

Thưa BS,

Tay em bị gãy do tai nạn giao thông, được chẩn đoán gãy kín đầu dưới xương quay, đã nắn và bó bột. Sau hơn 3 tuần em tháo bột và tập vận động thấy tay còn sưng và có phần hơi lệch. Đến nay đã 5 tuần chỗ xương ở ngón út (nghe bảo là xương trụ) thấy bị lệch, xoay còn đau nhiều và chưa xoay được như trước.

Em lên BV Chấn thương Chỉnh hình khám BS bảo là tay đã lành nhưng bị lệch. Nếu muốn lành như lúc đầu phải mổ lắp lại xương, không thì để vậy và tay vẫn lệch. Cho em hỏi, BS nói vậy đúng không và em có nên phẫu thuật không? Sau phẫu thuật bao lâu em làm lại được và có di chứng gì không?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Điều BS chỉnh hình tư vấn cho em là phù hợp. Nếu muốn không bị lệch xấu, em nên phẫu thuật chỉnh hình, vì bây giờ can xương đã tạo ra, không thể bẻ hay nắn như lúc mới gãy được.

Sau phẫu thuật, trung bình 1 tháng là xương lành, có thể sinh hoạt bình thường nhưng để dùng tay làm việc nặng thì nên để thêm ít nhất là 6 tháng nữa. Nếu phẫu thuật êm xuôi thì chỉ để lại sẹo ngoài da, không để lại di chứng gì.

- Đào Văn Hữu, 28 tuổi – Bắc Giang

Chào BS,

Tôi bị ho 3 năm nay, đi chữa ở rất nhiều nơi nhưng không khỏi. Các lần khám BS bảo tôi bị viêm phế quản và viêm họng mãn tính nhưng chữa mãi không thuyên giảm mà còn nặng thêm.

Lần khám mới nhất ở BV Bạch Mai, BS bảo tôi bị trào ngược dịch mật, viêm họng mãn tính. Tôi uống thuốc 2 tháng liền nhưng không thấy bệnh tình thuyên giảm.

Tôi có đi chụp chiếu: phổi hồng đẹp không có vấn đề, dạ dày viêm và có nhiều dịch, viêm họng mãn tính ...

Mong BS tư vấn giúp tôi!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Bạn Hữu thân mến,

Vấn đề của bạn quả là gây khó chịu rất nhiều, nhưng không phải hiếm gặp. Bạn đã đi nội soi hầu họng, nội soi dạ dày thực quản, chụp phim phổi... đều ghi nhận có viêm họng mạn, viêm dạ dày, trào ngược dịch mật, thì yên tâm là không có bệnh lý ác tính gây ra ho kéo dài.

Nguyên nhân gây ra tình trạng ho khó chữa chính là tồn tại 1 vòng xoáy bệnh lý. Trào ngược dạ dày thực quản vừa là hậu quả của các thuốc điều trị viêm họng mạn, vừa là nguyên nhân gây viêm họng mạn. Dịch acid từ dạ dày trào lên làm viêm niêm mạc vùng họng miệng, gây kích thích ho, gây loạn cảm họng; ngược lại thuốc trị viêm họng mạn thì có thể làm nặng hơn viêm dạ dày. Vậy điều trị chính là đánh vào trào ngược dạ dày thực quản trước kèm giảm ho.

Việc điều trị bệnh lý dạ dày lại cần kiên trì, vì không phải ngày 1 ngày 2 là hết, mà phải khám BS chuyên khoa tiêu hóa nhiều kinh nghiệm và chỉnh thuốc vài lần mới phù hợp với cơ địa được.

Song song đó cần kiểm tra xem có nhiễm Hp hay không, và tuân thủ lối sống sinh hoạt phù hợp, gồm hạn chế ăn đồ chua cay, nước có gas, nhiều dầu mỡ nhiều gia vị, cafe bia rượu, không hút thuốc lá và tránh căng thẳng đầu óc, ăn uống đúng giờ và nghỉ ngơi hợp lý, không nằm sau khi ăn trong vòng 2 giờ, ngủ nên nằm đầu cao, giữ ấm vùng hầu họng đặc biệt là trời lạnh, đi ra đường nhớ đeo khẩu trang, không để quạt hay điều hòa chiếu thẳng vào đầu mặt cổ, uống nước ấm thay vì nước lạnh.

- Hoàng Mạnh Quân - Hà Nội

Chào BS, 

Hôm qua, vợ chồng em có ăn bún đậu mắm tôm buổi trưa. Ăn xong thì uống nước dừa, đến chiều cả hai bị ngứa râm ran, vợ em thì mặt ngứa kinh khủng và ban đỏ lên do cơ địa dễ dị ứng, đến tối thì mặt nổi rất nhiều mụn li ti đầu trắng. Em thì sáng hôm nay cũng nổi ít mụn như vậy dù trước đấy không bị dị ứng bao giờ.

Em rất lo lắng vì vợ em đang bầu 5 tháng. Xin BS tư vấn em nên làm thế nào? Cám ơn các BS.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Em đừng hốt hoảng quá, 2 vợ chồng em đã bị viêm da dị ứng, giờ đưa vợ đến khám sản khoa ngay để BS kê thuốc cho phù hợp.

Riêng cá nhân em thì tình trạng viêm da cũng nhẹ hơn, lại là nam nên em có thể uống thuốc giảm dị ứng như Telfast 180mg 1 viên/ ngày (không gây buồn ngủ) hay Chlorpheniramine 4mg 2- 3 viên/ ngày (có thể gây buồn ngủ) thì sẽ bớt ngứa, chỉ có vài mụn thì không cần thuốc bôi ngoài da làm gì. Những lần sau chú ý đừng ăn món này nữa, em nhé.

- Hà Văn Tấn - TPHCM

Chào BS,

Em đi khám ở BV, kết quả là bị lao phổi. Em tìm hiểu thì trị lao có tiêm Streptomycin và uống thuốc. Nhưng khi đến phường trị thì em không được tiêm gì hết mà chỉ cho thuốc về uống, 1 viên thuốc có 4 thành phần là: Ethambutol, Pyrazinamide, Isoniazide, Rifampicine. Mỗi buổi sáng uống 3 viên trong 2 tháng đầu. Cách trị như vậy có được không ạ? Em bị lao lần đầu.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em Tấn,

Thuốc chống lao hàng 1 gồm có 5 loại thuốc (streptomycin, rifampicin, pyrazinamid, ethambutol và isoniazid) được chỉ định điều trị bệnh lao thông thường và mới bị lần đầu. Tuy nhiên, không phải lúc nào cũng sử dụng cùng lúc 5 thuốc trên, vì thuốc lao cũng rất nhiều tác dụng phụ.

Hiện nay, với lao phổi mắc lần đầu thì điều trị phác đồ I trong 6 tháng, trong đó có 2 tháng tấn công với 4 thứ thuốc lao và 4 tháng duy trì với 2 thứ thuốc lao. Như vậy, theo đánh giá của BS phòng chống lao ở phường thì em được điều trị theo phác đồ I.

- Men Nguyen – ngmen…@gmail.com

Thưa BS,

2 ngày đầu tôi bị đau một bên má, có triệu chứng sưng bên trong, mở quai hàm khá đau, khi ăn cũng đau. Nhưng 2 hàm răng của tôi không có hiện tượng đau, chỉ bị phần thịt bên má trái. Tôi cũng không sốt, đến ngày thứ 3 có triệu chứng nhức mỏi vai và hông bên phải. Mong BS tư vấn giúp. Chân thành cám ơn BS!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Đau một bên má có thể gặp trong nhiều bệnh lý khác nhau, như quai bị, mọc răng khôn, viêm khớp thái dương hàm... Khi có hiện tượng viêm thì cơ thể cũng sẽ nhức mỏi, tùy thể trạng mà sốt nhẹ đến sốt cao, có khi chỉ hâm hấp nóng.

Để chẩn đoán bệnh chắc chắn, bạn cần đến BV để BS khám, tùy theo bệnh mới có hướng điều trị thích hợp.

- Ton Chanh, 26 tuổi – Gia Lai

Chào BS,

Cách đây gần 2 tháng em bị viêm đại tràng và tự uống Đại Tràng Hoàng PH thì đã giảm hẳn. Nhưng gần đây em thấy mình đánh rắm liên tục. Em có tham khảo thông tin trên mạng thì nhận thấy mình có những triệu chứng rất giống hội chứng ruột kích thích IBS.

Tức là do tính chất công việc nên em cũng hay dùng rượu bia rồi ngay sáng hôm sau thường đi ngoài vài lần và đánh rắm liên tục. Thậm chí hiện giờ em đã không uống bia rượu trong 2 tuần rồi nhưng vẫn còn đánh rắm khoảng 10-20 lần/ngày. Mong BS hướng dẫn cách khắc phục, em xin cảm ơn.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Hội chứng ruột kích thích là tên gọi của tình trạng đường ruột dễ bị nhạy cảm bởi 1 số loại thức ăn, bia rượu, stress... nhưng đường ruột không bị viêm nhiễm hay bệnh lý nào cả. Em có tiền căn viêm đại tràng, dù đã điều trị giảm hẳn nhưng bệnh rất dễ tái phát khi ăn uống không kiêng cử.

Hiện tượng đánh rắm nhiều cho thấy đường ruột không được ổn, tạo hơi liên tục, nhưng em không có đau bụng liên tục, hay đi cầu phân nhày máu thì mức độ viêm cũng nhẹ thôi.

Em có thể uống lại Đại Tràng Hoàng PH thêm 1 thời gian nếu hạp thuốc này, và hoàn toàn kiêng bia rượu, không hút thuốc lá, không cafe, trà (chè) đặc, không ăn thực phẩm chua cay, nhiều dầu mỡ, nhiều gia vị, giảm căng thẳng đầu óc.

- Vũ - Phú Yên

BS ơi, Mình bị hội chứng thận hư có làm được việc nặng không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Vũ thân mến,

Em bị hội chứng thận hư và đang điều trị hay đã bị lúc nhỏ? Nếu đang trong tiến trình điều trị bệnh, đặc biệt là thời gian điều trị tấn công (dùng thuốc nhiều, liều cao) thì nên nghỉ ngơi, vẫn sinh hoạt bình thường nhưng không làm việc nặng. Còn nếu đã bị lúc nhỏ, nay hoàn toàn khỏi thì làm việc như người bình thường, tùy khả năng gắng sức của mình, em nhé.

- Hoàng Thạch – Hà Nội

Xin chào BS,

Mẹ tôi 60 tuổi, bà bị bệnh về tuyến giáp, cường giáp nên huyết áp tăng cao, mỗi khi mỏi mệt huyết áp đo được 190/90, tay chân run, khó ngủ và bị sụt cân.

Tôi nghe nói bệnh này rất nguy hiểm đến hệ tim mạch và điều trị lâu dài. Không biết bệnh này phẫu thuật được không? Mong BS tư vấn giúp. Xin chân thành cảm ơn!

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào bạn Thạch,

Bệnh cường giáp là một trong những nguyên nhân góp phần làm tăng huyết áp. Và cả cường giáp, cũng như tăng huyết áp nếu không điều trị sẽ gây nhiều biến chứng nguy hiểm, không chỉ lên tim mạch mà còn các hệ cơ quan khác, có những biến chứng cấp nặng có thể dẫn đến đột tử, và những biến chứng xuất hiện từ từ trong nhiều năm sau. Càng để lâu thì càng khó trị.

Riêng cường giáp, đã có thể dẫn đến rối loạn nhịp tim (thường gặp là rung nhĩ, có thể gây tai biến mạch máu não trong cơn rung nhĩ), suy tim sung huyết, loãng xương dẫn đến gãy xương, vấn đề về mắt, liệt chu kỳ do hạ Kali máu, cơn bão giáp...

Với tăng huyết áp, khi huyết áp lên cao có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, nhồi máu cơ tim cấp, về lâu về dài có thể gây biến chứng lên tim (suy tim), thận (suy thận), mắt (nặng nhất là mù mắt), não, mạch máu toàn thân...

Tùy vào tình trạng cường giáp và bướu giáp mà BS sẽ quyết định phẫu thuật, xạ trị hay dùng thuốc. Bạn nên đưa mẹ đến khám cơ sở y tế có chuyên khoa nội tiết để được điều trị thích hợp.

- Hoài Nam - Đồng Nai

Thưa BS,

Cách đây 1 tuần, em có bị nổi các vết ban màu đỏ, dạng rằn dọc, mỗi vết dài khoảng 1cm. Các vết mọc tập trung ở hai bên bắp đùi và hai bên mông, không ngứa cũng không phát triển thêm. BS cho em hỏi em bị bệnh gì ạ?   

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào Hoài Nam,

Đó có thể là vết hằn da do quần áo hay vết rạn da (tập thể dục quá sức, tăng cân nhanh, do bôi thuốc...). Để chẩn đoán chắc chắn, em cần khám chuyên khoa da liễu. Nhưng nhìn chung, các vết trên không ngứa, không bong da, không mụn nước hay lan ra thì không nguy hiểm.

- nhiboo…@gmail.com, 17 tuổi

BS ơi,

3 hôm nay em cảm thấy mình rất khó nuốt thức ăn, lúc nhai thì vẫn bình thường nhưng khi tới gần cổ họng thì mất hết vị và rất khó nuốt. Em soi gương thì thấy lưỡi phía trong gần cổ họng có nổi mấy cục hạch nhỏ và ở cổ họng cũng vậy. Hạch không có màu trắng chỉ to bằng móng tay em bé.

Em đã đọc qua dấu hiệu của ung thư vòm họng cách đây 1 tháng. Em có nghẹt mũi, chảy nước mũi một bên và bị đau tai nữa nhưng giờ thì hết rồi. Em không hút thuốc uống rượu, không bị sụt cân và lâu lâu thì mới nhức đầu. Có phải em bị ung thư vòm họng không ạ? Nếu đúng thì phải làm sao chữa dứt được bệnh? Xin BS tư vấn. Hiện em rất lo lắng.

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Ung thư họng miệng là một bệnh lý ác tính, rất hiếm gặp ở người trẻ tuổi, đặc biệt ở người không có tiền căn hút thuốc lá hay gia đình bị ung thư họng miệng.

Bệnh lý thường gặp hơn cũng có thể gây đau họng, khó nuốt mới xuất hiện gần đây là viêm họng cấp. Khi viêm, cổ họng có thể thấy “hạch đỏ”, đó chính là các nang bạch huyết thành sau họng phản ứng với tình trạng viêm. Để phân biệt với ung thư họng miệng thì BS cần khám tai mũi họng, có thể nội soi vùng hầu họng khi cần, xét nghiệm tìm tế bào ung thư nếu thấy sang thương nghi ngờ.

Để chẩn đoán bệnh chắc chắn, loại trừ lo lắng mắc bệnh ác tính, em nên đến khám chuyên khoa tai mũi họng để được BS kiểm tra toàn diện và điều trị thích hợp.

- Nam Tien – namngo…@gmail.com

Chào BS,

Em khám tại BV Da liễu TPHCM, BS cho xét nghiệm da tìm nấm nhưng không thấy. BS hỏi em có đang dùng thuốc gì hay không thì em trả lời là có dùng thuốc bôi và khám ở phòng khám tư, BS dặn đúng 15 ngày sau quay lại xét nghiệm lần nữa và trong khoảng thời gian này không bôi hay uống thuốc gì. Nhưng 15 ngày không trị em sợ bệnh lan hết mặt. Vậy BS dặn em nên làm theo không ạ?

BS Nội tổng quát Cao Thị Lan Hương - AloBacsi.com

Chào em,

Tôi nghĩ là em đã điều trị ở BS tư không khỏi nên mới khám BV da liễu, đúng không? Hơn nữa, ít khi BS da liễu cho chỉ định tìm nấm da, có lẽ tổn thương trên mặt em cũng khá phức tạp. Phải xác định rõ chẩn đoán thì mới điều trị trúng đích được, nếu điều trị mò có thể làm tổn thương da phức tạp hơn.

Có một số thuốc trị không đúng bệnh thì thời gian đầu có thể giúp giảm bệnh nhưng thời gian sau bệnh còn bùng nặng hơn và lúc này cũng khó trị hơn. Do đó, theo tôi em nên tuân thủ hướng dẫn của BS da liễu, khi em đã tin tưởng đến khám nơi đây, hơn nữa, BV Da liễu cũng là BV đầu ngành về điều trị các bệnh lý của da mà.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]