Biếng ăn do đâu, cần làm gì?

Một nguyên nhân quan trọng cũng là hậu quả của quá trình biếng ăn kéo dài làm thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể, đặc biệt là các chất dinh dưỡng thuộc nhóm 2 như protein, lysin, kẽm, kali, magiê...

0

(SKDS) -  Trong những năm gần đây, bên cạnh sự gia tăng thu nhập của nhiều tầng lớp trong xã hội là sự phát triển của thị trường thực phẩm ngày càng phong phú với nhiều chủng loại, nhiều mẫu mã đa dạng trình bày rất bắt mắt, vậy mà vấn đề biếng ăn ở cả trẻ em lẫn người lớn lại nổi trội hơn bao giờ hết. Thật ra biếng ăn không phải là vấn đề mới, nhưng hiện nay, để hiểu và giải quyết lĩnh vực này cần phải có sự phối hợp không chỉ của y học mà còn liên quan đến tâm lý, xã hội, khoa học hành vi...

Thế nào là biếng ăn?

Đây là một nhóm các rối loạn về ăn uống rất đa dạng, phức tạp thường được biểu hiện như:

Chỉ ăn được số lượng ít thức ăn; Kén chọn thức ăn: khảnh ăn, chỉ ăn được một số loại thức ăn, không thích ăn những món ăn mới...; Phản kháng khi ăn: Không chịu há miệng, mím môi, lắc đầu, bỏ chạy, thậm chí hất đổ...; Dễ nhợn, nôn ói khi ăn; Ăn quá chậm, bữa ăn kéo dài hàng giờ, ăn ngậm không chịu nhai, không chịu nuốt; Cấu trúc thức ăn không phù hợp: Thích ăn lỏng, xay, tán nhuyễn... không chịu ăn lợn cợn, thức ăn đặc, thô...; Không thích thú trong ăn uống, không chịu tự xúc thức ăn dù đã lớn, chẳng bao giờ đòi ăn, thậm chí sợ việc ăn uống, sợ thực phẩm.

 Phụ nữ thường bị ám ảnh sợ béo gây biếng ăn tâm lý (ảnh minh họa).

Các nguyên nhân gây biếng ăn

Liên quan đến bệnh lý:

Cơ thể khi bị bệnh sẽ giảm lượng ăn vào. Cổ họng đau, lở miệng lưỡi, ho đàm, nghẹt mũi, nóng sốt, nhức đầu, đau răng, bệnh lý nhiễm trùng gây dơ lưỡi, dơ miệng... sẽ làm cho việc ăn uống bị hạn chế từ trước, trong và cả sau khi bệnh.

Ở trẻ nhỏ, bệnh lý trào ngược dạ dày thực quản là một trong những nguyên nhân gây ói ọc thường gặp nhất. Trẻ ăn xong khoảng 5 - 15 phút thì ọc ra một phần hoặc toàn bộ lượng thức ăn trong dạ dày, là do bất thường bẩm sinh về mặt giải phẫu hoặc chức năng ở vùng cơ thắt tâm vị giữa dạ dày và thực quản.

Một nguyên nhân quan trọng cũng là hậu quả của quá trình biếng ăn kéo dài làm thiếu hụt các chất dinh dưỡng trong cơ thể, đặc biệt là các chất dinh dưỡng thuộc nhóm 2 như protein, lysin, kẽm, kali, magiê... làm cho tình trạng biếng ăn càng nặng nề thêm. Đây là một vòng luẩn quẩn vì biếng ăn gây ra thiếu chất, mà thiếu chất thì càng biếng ăn và cơ thể càng bị thiếu chất hơn nữa.

Biếng ăn tâm lý: Đây là nguyên nhân biếng ăn thường gặp ở người lớn, đặc biệt ở nhóm trẻ vị thành niên, còn đối với trẻ em là do người lớn gây ra.

Ở nhóm người có ý tưởng “làm đẹp” rất nổi trội, hay bị ám ảnh “sợ mập” làm cho tinh thần căng thẳng, đâm ra sợ thức ăn đến nỗi không ăn vào được hoặc nuốt vào rồi vẫn bị nôn ra. Điều này thường gặp ở trẻ gái tuổi vị thành niên đã biết chú ý đến hình thức bên ngoài, đôi khi cũng thấy ở những thiếu nữ trưởng thành mà khi tuổi càng lớn thì xuất hiện rối loạn càng nặng.

trẻ con, khi có một nguyên nhân nào làm cho việc ăn uống của trẻ không được như mong muốn của người lớn thì thường là trẻ sẽ bị ép ăn với nhiều hình thức tăng dần từ dụ dỗ cho đến la mắng, hăm dọa và dùng cả bạo lực. Dù là hình thức nào, dù đúng hay sai, cuối cùng đều dẫn đến việc trẻ không thích ăn uống nữa vì cứ hễ thấy cái chén, cái muỗng là biết sắp bị la mắng, đánh đòn (trong khi ngoài giờ ăn thì mẹ luôn tươi cười và  đùa chơi vui vẻ với con).

 Bộ máy tiêu hóa.

Sai lầm về chế độ ăn:

Thời điểm tập cho em bé ăn đặc thuận lợi nhất là khoảng từ 4 - 6 tháng tuổi. Nếu bạn cho bé ăn bột trễ sau 7 - 8 tháng tuổi sẽ rất khó làm cho bé quen với những loại thức ăn mới. Tuổi càng lớn bạn tập dần cho ăn thức ăn lợn cợn và thô dần, không nên phụ thuộc vào máy xay sinh tố. Tuy nhiên, cũng không được cho bé ăn cơm quá sớm khi chưa mọc đủ 20 răng sữa, tức là có đủ răng hàm để nhai cơm.

Số lượng thức ăn của mỗi thời điểm tùy thuộc vào tốc độ tăng trưởng do sự đòi hỏi của cơ thể. Trẻ có thể ăn ít bữa này nhưng sẽ ăn bù vào bữa sau. Người lớn cũng có khi tự dưng ăn ngon miệng, rồi cũng có lúc không muốn ăn, ăn ít đi... Người lớn thì như vậy, nhưng trẻ con thì không được! Bữa nào trẻ cũng phải hết chén và phải tăng thêm chứ không được giảm bớt đi! Và thế là ép ăn gây ra biếng ăn tâm lý.

Ăn vặt là một thủ phạm thường gây ra biếng ăn khi vào bữa chính do gây “no ngang”. Vì vậy, trước bữa ăn chính trong vòng 1,5 - 2 giờ, bạn không nên ăn gì cả, thậm chí một cây kẹo hay vài ngụm nước ngọt cũng làm tăng đường huyết của bạn và đặc biệt phải chú ý điều này ở trẻ con.

Mời  các bạn xem tiếp số sau

BS.Đào Thị Yến Thủy (Trung tâm Dinh dưỡng trẻ em TP.HCM)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]