Cách chăm sóc khi trẻ bị trái rạ

Con tôi 4 tuổi, bị lây trái rạ từ bạn học cùng lớp. Xin hỏi cách chăm sóc cho bé khi mắc bệnh như thế nào? Có cần kiêng khem gì không?

31.2085
(Mai Loan, TP.HCM)

Chăm sóc cơ bản cho trẻ bị trái rạ bao gồm chăm sóc da kỹ lưỡng, làm dịu triệu chứng ngứa, cho uống nhiều nước và dinh dưỡng hợp lý.

Cho trẻ chơi, ngủ ở nơi thoáng mát; mặc quần áo mỏng, rộng rãi; chọn vải thấm mồ hôi để trẻ không bị đọng mồ hôi, gây ẩm ướt làm trẻ ngứa và tạo cơ hội cho vi trùng xâm nhập, gây tổn thương da.

Tắm trẻ bằng nước sạch, ấm, lau rửa nhẹ nhàng tránh làm vỡ mụn nước hoặc trầy xước da. Vệ sinh cá nhân, thay quần áo sạch hằng ngày.

Cắt ngắn móng tay cho trẻ để tránh tổn thương da do gãi ngứa. Quan sát da trẻ mỗi ngày để phát hiện và điều trị kịp thời tình trạng các bóng nước bị vỡ, vết trầy xước, nốt mủ.

Bôi tại chỗ dung dịch sát khuẩn có tác dụng làm khô da như dung dịch xanh methylène hoặc thuốc tím Milian 0,25%. Không bôi phấn rôm vì phấn sẽ bám lên vùng da tổn thương gây kích thích, không đắp gốc rạ trên nốt trái rạ vì có thể gây tình trạng nhiễm trùng bội nhiễm.

Đảm bảo cho trẻ ăn đủ chất, chọn thức ăn mềm, dễ tiêu và cho uống nhiều nước (nước trái cây, nước đun sôi để nguội, nước canh, nước cháo… đặc  biệt là những loại dịch uống giàu vitamin C giúp da thải độc nhanh và tăng khả năng hấp thu các dưỡng chất cần thiết. Tránh những thức ăn có thể gây ngứa cho trẻ như trứng, thịt bò, hải sản; hạn chế ăn uống đồ ngọt như bánh quy, kẹo ngậm, nước ngọt…

Bệnh trái rạ có đặc tính rất dễ lây, nên hằng năm bệnh hay bùng phát thành dịch trong cộng đồng nhất là vào thời điểm từ tháng 2 đến tháng 6. Khi bị trái rạ, trẻ sẽ bị ngứa ngáy khó chịu, phải nghỉ học dài ngày, thậm chí biến chứng từ trái rạ như nhiễm trùng da có thể để lại sẹo xấu, ảnh hưởng đến thẩm mỹ khi trẻ lớn lên hoặc gây ảnh hưởng nghiêm trọng hơn nếu trẻ bị viêm phổi, viêm não, nhiễm trùng huyết... Hiện nay đã có vắc-xin giúp chủ động phòng ngừa bệnh, để bảo vệ trẻ khỏi bị lây nhiễm và tránh tạo thành dịch trong cộng đồng, nên tiêm 2 liều cho cả trẻ em và người lớn để tối ưu hóa hiệu quả bảo vệ phòng bệnh, 2 liều vắc-xin tiêm cách nhau tối thiểu là 6 tuần.

 
Theo ThS.BS Đinh Thạc (CV tư vấn nhi khoa - BV Nhi Đồng I, TP.HCM) - Tuổi Trẻ
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]