Mâm cỗ trung thu cho tết trung thu. Ảnh: T. A
Theo văn hóa của người Việt Nam, Tết Trung thu là dịp để cả nhà sum họp, quây quần bên nhau cùng thưởng trăng. Các gia đình bày biện mâm hoa quả dâng lên bàn thờ tổ tiên với những loại quả đậm sắc hương mùa thu để cầu mong sự may mắn và thịnh vượng. Trung thu còn thể hiện ý nghĩa của chăm sóc, báo hiếu, biết ơn, tình thân hữu, đoàn tụ và của yêu thương.
Theo phong tục người Việt, vào dịp Trung thu, cha mẹ bày cỗ cho các con để vui Tết Trung thu, sắm đủ thứ lồng đèn lung linh ánh nến để treo trong nhà và để các con rước đèn. Cỗ mừng Trung thu gồm bánh trung thu, kẹo, mía, bưởi, dưa hấu, na... và các thứ hoa quả khác nữa.
Cách bày mâm cỗ Trung thu đầy đủ, ý nghĩa tùy thuộc vào mỗi vùng miền mà có các loại quả như: bưởi xanh, na dai, hồng đỏ, hồng ngâm, lựu, ổi, cam, mía tím, chuối tiêu, dưa hấu, quả thị thơm vàng... Trong đó, quả bưởi là thứ không thể thiếu được ở bất cứ đâu. Đặc biệt, người Hà Nội lại ưa thích món chuối tiêu ăn cùng với cốm gói lá sen. Ý nghĩa của các loại quả cũng rất thú vị. Quả hồng đỏ thể hiện cho niềm hy vọng. Quả na mang ước nguyện lộc ở, sinh sôi. Quả bưởi tượng trưng điều tốt lành. Quả lựu lại mang tới ngọt ngào, may mắn. Dưa hấu, dưa vàng với ý nghĩa mong cầu bình an…
Muốn mâm cỗ Trung thu được đẹp mắt nhất, phải chú ý đến màu sắc của các loại quả. Cho dù muốn bày loại quả nào thì cũng nên có quả xanh, quả chín. Bởi màu xanh mang tính âm, quả chín mang tính dương, tượng trưng cho luật cân bằng âm dương của vũ trụ.
Bánh trung thu trong mâm cỗ trung thu. Ảnh: T. A
Mâm cỗ Trung thu thông thường có trọng tâm là con chó được làm bằng tép bưởi, được gắn 2 hạt đậu đen hoặc hạt nhãn làm mắt. Xung quanh có bày thêm hoa quả và những loại bánh nướng, bánh dẻo thập cẩm hoặc là loại bánh chay có hình lợn mẹ với đàn lợn con béo múp míp, hoặc hình cá chép là những hình phổ biến.
Bánh Trung thu có sức cuốn hút mãnh liệt bởi hương vị bánh là sự hội tụ của cả tinh hoa đất trời mùa thu. Hạt bưởi thường được bóc vỏ và xiên vào những dây thép, phơi khô từ 2-3 tuần trước khi đến hôm rằm, và đến đêm Trung thu, những sợi dây bằng hạt bưởi được đem ra đốt sáng.
Đến khi trăng lên tới đỉnh đầu chính là giây phút phá cỗ, mọi người sẽ cùng thưởng thức hương vị của Tết Trung thu. Phong tục trông trăng cũng liên quan đến sự tích Chú Cuội trên cung trăng, do một hôm Cuội đi vắng, cây đa quý bị bật gốc bay lên trời, chú Cuội bèn bám vào rễ cây níu kéo lại nhưng không được và đã bị bay lên cung trăng với cả cây của mình. Nhìn lên Mặt Trăng, có thể thấy một vết đen rõ hình một cây cổ thụ có người ngồi dưới gốc, và trẻ em tin rằng, đó là hình chú Cuội ngồi gốc cây đa.
Phá cỗ xong sẽ đến tiết mục rước đèn. Trong ánh sáng lung linh đa sắc của những chiếc đèn ông sao, đèn kéo quân loang loáng, xoay tròn... những đứa trẻ thi nhau hát những bài hát về trung thu, về rước đèn... sẽ ghi dấu trong thời tuổi thơ của trẻ nhỏ những ký ức trung thu, mùa thu và trăng rằm ấm áp, quây quần bên gia đình và bạn bè trang lứa.
Tuyết Anh