Mụn nhọt hay các vết chốc lở thông thường thường xuất hiện nhanh chóng, đột ngột. Vùng da có mụn thường sưng nóng đỏ, hóa mủ nhanh và sau 1-2 tuần nó có thể tự vỡ mủ hoặc chích tháo mủ, sau đó khỏi hoàn toàn. Đây là trường hợp không đáng lo ngại.
Tuy nhiên với những nhọt tồn tại lâu (hàng tháng) không thể tự vỡ, nằm sâu dưới lớp da, khối nhọt này mềm ở giữa xung quanh có nền xâm nhập cứng thì nên cảnh giác. Bởi vì ung thư da xuất hiện từ từ, kèm theo các dấu hiệu cảnh báo: thay đổi màu sắc bất thường ở da, nổi sần và hình thành u cục.
Mụn nhọt thông thường có hình dạng đầu tương đối tròn và cân đối, ngoại trừ các trường hợp có mụn mọc thành cụm liền nhau. Mụn nhọt thường có sung huyết màu đỏ hồng, ranh giới giữa chúng là vùng da bình thường không rõ mà chúng chuyển màu một cách dần dần. Còn vết mụn dấu hiệu ung thư da thì có thể có hình dạng bất kỳ, không tròn, không cân đối và chúng thường có ranh giới rõ ràng. Giữa các vùng da bình thường và vùng da bị ung thư, đặc biệt là các ung thư da hắc tố thường có màu đen hoặc màu đỏ sẫm...
Mụn nhọt thường có thể mọc ở bất kỳ vùng nào trên cơ thể. Còn vết mụn ung thư da thường ở vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời.
Mụn nhọt thường làm cho người bệnh cảm giác đau nhức, có thể kèm theo sốt. Trong khi đó, ung thư da hầu như không đau, chỉ khi bóp mạnh sẽ thấy cảm giác đau tức.
Biện pháp phòng ngừa
Tránh làm việc và tiếp xúc ánh nắng mặt trời quá lâu (tia cực tím thường mạnh nhất vào khoảng từ 10 giờ sáng đến 3 giờ chiều mỗi ngày). Nên dùng kem chống nắng có chứa các chất ngăn chặn tác hại của tia UVA và UVB trước khi ra ngoài trời nắng. Dùng kem chống nắng cho tất cả những vùng phơi sáng, kể cả môi, 30 phút trước khi ra nắng, rồi thoa lại sau vài giờ. Hạn chế tiếp xúc với các loại hóa chất, tia phóng xạ, chất phóng xạ, môi trường độc hại. Kiểm tra sức khỏe da thường xuyên, phát hiện sớm những vùng da phát triển bất thường, các nốt ruồi thay đổi kích thước, tính chất,... để ngừa ung thư da.
Theo Sức khỏe & Đời sống