Cách ứng xử khó hiểu với đền Voi Phục

GiadinhNet - Một ngôi đền di sản chưa có nguy cơ đổ sập với nhiều hạng mục còn tốt thì lại được dành 17 tỷ đồng để trùng tu. Trong khi chỉ cần 70 triệu cho việc chữa trị Cây di sản ở chính nơi này lại không được các đơn vị chức năng thực sự quan tâm.

29.4065

Cây muỗm đang chết dần vì không có kinh phí trong ngôi đền được trùng tu bằng nhiều tỷ đồng. Ảnh: P.H

 
Như chúng tôi đã thông tin, ngày 15/11 tới, đền Voi Phục (Thụy Khuê, Hà Nội) sẽ bị hạ giải xây mới trong khi ngôi đền vẫn còn khá vững chãi. Dường như dự án đã được thông qua một cách vội vã.
 
Không phải việc của nhà báo (!?)

Tiếc nuối cho số phận của đền Voi Phục, chúng tôi đã liên hệ với ông Nguyễn Quốc Hùng, Phó Cục trưởng Cục Di sản (Bộ VH,TT&DL) thông báo về sự việc. Sau khi kiểm tra lại các văn bản, ông Hùng cho biết dự án đã được Cục thông qua từ lâu.

Tìm lại các thông tin về đợt trùng tu tổng thể đền Voi Phục, chúng tôi hoàn toàn không tìm được thông tin nào là sẽ hạ giải đền chính. Các thông tin chỉ cho biết “trùng tu đền chính” và xây mới một số hạng mục khác.

Để tìm hiểu kỹ hơn về việc trùng tu đền có bắt buộc phải hạ giải hay không, chúng tôi đã liên hệ qua điện thoại với ông Vũ Hoài Phương, Trưởng phòng VH,TT&DL quận Tây Hồ. Ông Phương tỏ ra không mấy vui vẻ khi chúng tôi hỏi đến vấn đề này: “Có hạ giải chứ! Không hạ giải thì trùng tu làm sao được. Hạ giải rồi mới xây sửa được chứ. Nói tóm lại em quan tâm đến cái gì nào?”.
Khi phóng viên đưa ra thắc mắc vì sao chất lượng ngôi đền còn khá tốt nhưng dự án vẫn chọn phương án hạ giải để trùng tu, trong khi đây là một di sản quốc gia có từ hàng nghìn năm, ông Phương nói như quát: “Cái đấy không  phải là việc của em nhé!”. Ông Phương tiếp lời: “Cái này là di tích quốc gia, phải xin thỏa thuận từ Thành phố đến Bộ rồi mới làm. Cục Di sản đã khảo sát thì mới ra văn bản thỏa thuận được. Tất cả các di tích trên địa bàn quận Tây Hồ đều làm đúng các quy trình một cách chặt chẽ ”.
Về vấn đề đền còn tương đối tốt, chưa cần hạ giải, ông Phương nói: “Như thế nào là tương đối tốt? Mấy trăm năm nay chưa trùng tu lần nào mà bảo là tương đối tốt à?”.
 
Hai Cây di sản sắp chết bị bỏ mặc

Chất lượng công trình đền Voi Phục cũng như các hạng mục của đền chưa đến mức phải trùng tu thì công việc này lại được triển khai một cách khá tích cực. Trong khi đó, 2 trong số 9 cây muỗm có tuổi thọ khoảng 700 năm tại ngôi đền này đang bị sâu bệnh, có nguy cơ bị chết lại không được quan tâm đúng mức.

Đây chính là những cây cổ thụ đầu tiên được vinh danh Cây di sản nhân dịp Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội do Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường trao tặng. Trong lễ vinh danh 9 cây muỗm này, đại diện tổ chức nói trên đã khẳng định: “Khi được công nhận, Cây di sản sẽ được bảo vệ, chăm sóc với khả năng cao nhất có thể. Cây đó sẽ không bị chặt hạ, bán, được cắm bia ghi danh, có chuyên gia chăm sóc...”.

Vào thời điểm được vinh danh, cây còn khỏe mạnh. Tuy nhiên thời gian gần đây, cây trở nên héo hon, rỗng ruột… Ban quản lý đền cho biết đã báo cáo sự việc lên Hội bảo vệ thiên nhiên và môi trường tìm cách cứu cây nhưng Hội không vào cuộc vì thiếu kinh phí.

Sự việc cũng được gửi tới Viện Lâm nghiệp; đơn vị này đã khảo sát và đưa ra phương án bảo vệ cả 9 cây với kinh phí gần 70 triệu đồng. Ban Quản lý di tích thấy số tiền lớn nên đề nghị Viện xem xét phương án chữa cho những bệnh nặng trước. Đến nay, đã vài lần có chuyên gia xuống tìm hiểu, nhưng các cây muỗm tiếp tục chết dần mà chưa một lần chạy chữa.
 
Hoàng Phương
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]