Cách xin lỗi đáng yêu của chồng

Thấy vợ giận mặt lạnh te, anh Bằng lục tung tủ quần áo, bới được cái quần đùi sứt chỉ, anh mang tới chỗ vợ, cười hề hề: "Giúp tớ khâu lại với".

15.599
Sau đó, khi được vợ khâu quần cho, anh lăng xăng xung quanh, nói cười hỉ hả, khen cái số mình sướng thật vì lấy được cô vợ đảm đang, tháo vát... Đấy là “độc chiêu” làm lành của anh.

Mỗi khi làm vợ giận Anh Toàn (Sóc Sơn, Hà Nội) tìm ngay tới “chuyên gia hòa giải tý hon” – cu Sò (2 tuổi, nhà anh). Bước chân về tới nhà, để ý thấy vợ đang lụi cụi lau cầu thang, anh Toàn hỏi thật to (cố ý cho vợ nghe thấy): “Sò ơi, mẹ đâu rồi? Bố có quà cho mẹ đây”. Xong, hai bố con hớn hở bóc sữa chua ra ăn. Anh xúc đưa cu Sò một thìa sữa chua, bảo: “Mang cho mẹ đi con”. Cu cậu lon ton chạy tới chỗ mẹ, giơ giơ thìa sữa chua gọi mẹ ăn. Vợ anh sợ con làm rơi sữa chua ra nhà nên vội cúi xuống, há miệng thật to. Được thể, anh hồ hởi: “Hai bố con phần mẹ sữa chua trong tủ lạnh nhé”.

Còn anh Đồng (Đà Nẵng) mỗi khi muốn xin lỗi, anh đợi đến khi đi làm, “nhảy” vào cửa số chat của vợ: “He he, xin vợ tha cho anh nhá” kèm theo một icon khóc lóc “tơi tả”. Cách này, theo anh Đồng là vừa đơn giản, nhanh gọn lại “hiệu nghiệm”. Hoặc cũng có khi “chơi sang”, anh gửi tặng vợ một bài hát qua điện thoại với nội dung yêu thương thay cho lời “tạ tội”. Nếu ngày vợ giận dỗi trùng với một dịp nào đó, anh Đồng “đầu tư” luôn một bó hoa, kèm tấm thiệp có dòng chữ hối lỗi.

Anh Dũng (Long Biên, Hà Nội) chọn cách tự giác mua đồ ăn sáng cho vợ để làm lành. Sáng, anh dậy sớm, “nhe răng” cười hỏi vợ: “Hôm nay, em muốn ăn gì để anh mua? Xôi, phở hay bánh mỳ, bánh cuốn?”. Nếu vợ anh còn giận, không buồn trả lời thì anh độc thoại một mình: “Xôi đi nhé. Hôm nay, hai vợ chồng mình ăn xôi”. Xong, anh vui vẻ đi mua xôi ăn sáng. Tuy vợ anh ăn sáng lặng lẽ nhưng anh biết, chỉ chiều tối nay thôi là mọi việc sẽ đâu lại vào đó.

Anh Trung (Hà Đông, Hà Nội) “đặc trị” cách nhiệt tình làm việc nhà thay cho lời xin lỗi. Mỗi lần làm vợ giận, anh Trung nhanh nhẹn đổ rác, cất và gấp quần áo, loăng quăng giúp vợ cơm nước... Canh lúc tình hình “giãn ra”, anh Trung bước tới nhẹ nhàng, ôm vợ từ phía sau và nói vài lời yêu thương. Cách này bao giờ cũng khiến vợ anh “sướng” mà chẳng dỗi được chồng lâu.

Các chuyên gia tâm lý cho rằng, gợi chuyện trước hoặc nhiệt tình làm việc nhà là cách cầu hòa được nhiều đàn ông yêu thích. Bởi đây là cách đơn giản, dễ thực hiện lại ít chạm tới cái tôi tự ái của nam giới (nhiều anh không thích nói xin lỗi mà gửi gắm qua hành động cụ thể). Khi có con thì trò chuyện cùng con rồi lựa lúc “đá” sang vợ cũng là “binh pháp” hữu ích với nhiều anh chồng. Ngoài ra, mỗi người chồng còn có cách xin lỗi vợ sáng tạo và riêng biệt.

Vợ chồng căng thẳng và làm hòa là giai đoạn nhạy cảm, vì ai cũng sẵn tự ái và lý lẽ cho rằng mình đúng. Do đó, nếu thấy đối phương có ý xin lỗi (hành động, lời nói) thì người trong cuộc nên nắm lấy. Đừng cố chấp, “già néo đứt dây” khiến tình hình tệ hại hơn. Cũng đừng thử thách lòng kiên trì của người xin lỗi. Thông thường, nếu “phát tín hiệu” mà không được tiếp nhận, người xin lỗi sẽ tự ái, bất cần và co mình lại. Khi ấy, hành trình tìm lại “hòa bình” càng gian nan hơn.
Theo Ngọc Bình
Mẹ&Bé
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]