CôngThương - Cụ thể, các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài tự tổ chức tour đến Việt Nam, tự kinh doanh nhà hàng, có xe vận chuyển khách, khách sạn, đáng báo động là công ty lữ hành nước ngoài đưa cả hướng dẫn viên sang Việt Nam làm thuyết minh cho khách. Sỡ dĩ tình trạng kinh doanh chui này tồn tại là vì các công ty lữ hành nước ngoài thường nhờ người quen đứng tên một công ty ở Việt Nam rồi núp bóng thành chi nhánh của các công ty nước ngoài, và rồi để cho các công ty ở nước ngoài điều hành trọn gói các dịch vụ. Mặt khác, cũng bởi vì công tác kiểm soát,
quản lý của cơ quan nhà nước hiện còn lỏng lẻo nên dẫn đến tình trạng này.
Với việc kinh doanh chui, các doanh nghiệp lữ hành nước ngoài đã ngang nhiên vi phạm Luật Du lịch về người được cấp thẻ HDV quốc tế phải hội đủ nhiều điều kiện, trong đó buộc phải có quốc tịch Việt Nam, thường trú tại Việt Nam. Đồng thời chưa thực hiện điều kiện kinh doanh lữ hành theo quy định của Luật Du lịch và chưa có
giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế do Tổng cục Du lịch cấp.
Hậu quả của kinh doanh du lịch chui của lữ hành nước ngoài đó là làm cho du lịch Việt Nam mất thị trường khách lớn ngay tại “sân nhà”, các giá trị văn hóa, tự nhiên của Việt Nam ngành du lịch cũng như người dân không được thụ hưởng. Đặc biệt, việc hướng dẫn người nước ngoài để thuyết minh sẽ không tránh khỏi những sai lệch về văn hóa, lịch sử của Việt Nam và có thể dẫn đến hậu quả lâu dài.
Trước thực trạng này, lãnh đạo Bộ VHTT&DL nhấn mạnh là phải lập tức chấn chính và dẹp bỏ kinh doanh du lịch chui của các hãng lữ hành nước ngoài tại Việt Nam. Biện pháp thực hiện đó là liên kết với các địa phương cùng thực hiện, nhằm tránh tình trạng có địa phương làm chặt nhưng địa phương khác lại buông lỏng quản lý. Theo đó, thời gian tới lãnh đạo ngành du lịch chỉ đạo sẽ tập trung chấn chỉnh quản lý lữ hành Nga ở Bình Thuận và lữ hành Trung Quốc ở Quảng Ninh ngay trong quý IV, do có nhiều dấu hiệu tiêu cực.
Ngoài việc chấn chỉnh, dẹp bỏ kinh doanh chui của doanh nghiệp nước ngoài, tình trạng công tác quản lý hoạt động của các doanh nghiệp lữ hành trong nước còn lỏng lẻo, chưa được kiểm tra, giám sát thường xuyên, dẫn đến có doanh nghiệp không có giấy phép kinh doanh lữ hành quốc tế nhưng vẫn tổ chức đưa khách Việt Nam ra nước ngoài, điển hình là vụ Công ty Travel Life bỏ rơi gần 700 khách Việt trên đất Thái Lan vừa qua... sẽ là vấn đề trọng tâm và cần tăng tốc chấn chỉnh của ngành du lịch trong thời gian tới.
Bên cạnh đó, một số nhiệm vụ “nóng” khác của 3 tháng cuối năm của ngành du lịch theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn đó là tiếp tục nâng cao và chấn chỉnh hiệu lực quản lý nhà nước về du lịch, duy trì các biện pháp để đảm bảo tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch trong quý IV đảm bảo thực hiện mục tiêu của năm đề ra.