Đà Nẵng: Thiếu trầm trọng nhân lực ngành du lịch

Ước tính đến năm 2015, du lịch Đà Nẵng cần trên 30.000 lao động nhưng các cơ sở đào tạo hiện mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu.

15.5776

Đó là thực trạng được nêu ra tại hội thảo "Nhân lực ngành du lịch: Thực trạng và giải pháp" do Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng tổ chức ngày 21/6.

Theo Giám đốc Sở VH-TT- DL Đà Nẵng Ngô Quang Vinh, năm 2012, tổng lượng khách du lịch đến TP đạt 2,65 triệu lượt, tăng 12% so với cùng kỳ năm ngoái; trong đó khách quốc tế tăng 18%. Hiện Đà Nẵng đang nổi lên như một điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Mục tiêu đến năm 2015, Đà Nẵng đón 4 triệu lượt khách du lịch và con số này sẽ tăng lên 8,1 triệu lượt vào năm 2020.

Đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chỉ mới chiếm 4,2% trong tổng nguồn nhân lực của ngành du lịch Đà Nẵng (Ảnh: HC)

Mặc dù lượng khách du lịch đến Đà Nẵng đang tăng nhanh qua các năm nhưng nguồn nhân lực để phục vụ cho sự phát triển này vẫn chưa tương xứng và mang tính chắp vá. Hiện tổng lượng lao động ngành du lịch trên địa bàn TP Đà Nẵng gần 14.000 người song tỉ lệ lao động được đào tạo đúng chuyên môn về du lịch chỉ chiếm 40,6%.

Sự thiếu thốn về nhân lực càng thể hiện rõ với đội ngũ lao động trong hoạt động lữ hành chỉ có 796 người (chiếm 5,7%), đội ngũ hướng dẫn viên du lịch chiếm 4,2% nguồn nhân lực du lịch. Đáng lưu ý hơn, số lao động có trình độ ngoại ngữ chỉ chiếm 38% trong tổng số lao động du lịch trên toàn TP. Ước tính đến năm 2015, du lịch Đà Nẵng cần trên 30.000 lao động nhưng các cơ sở đào tạo hiện mới chỉ đáp ứng được 1/5 nhu cầu.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Đà Nẵng Huỳnh Tân Vinh, cùng với sự bùng nổ các dự án du lịch trên địa bàn thì việc nhân lực du lịch thiếu hụt về số lượng, hạn chế về chuyên môn nghiệp vụ đang dẫn tới sự cạnh tranh thu hút ngày càng gay gắt.

Từ đó không chỉ tạo sức ép chi phí lên doanh nghiệp mà còn khiến người lao động còn thiếu gắn bó lâu dài với doanh nghiệp. Hậu quả là chất lượng phục vụ du lịch giảm sút, lượng khách sụt giảm khiến việc đầu tư cho các dự án du lịch thiếu hiệu quả.

Trước tình hình đó, giải pháp căn cơ được nhiều đại biểu đưa ra tại hội thảo là các doanh nghiệp du lịch và cơ sở đào tạo cần liên kết chặt chẽ trong việc xây dựng các mô hình đào tạo ngắn hạn, trung hạn.

Cùng với nhân rộng việc ứng dụng mô hình đào tạo thực nghiệm để rút ngắn thời gian, chi phí đào tạo và tạo điều kiện cho học viên được cọ xát thực tế, cần có chính sách bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho nguồn nhân lực trong lĩnh vực lữ hành, khách sạn, hướng dẫn viên...

HẢI CHÂU

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]