Nguyễn Hải Anh (4 tháng tuổi, ở tỉnh Hải Dương) được đưa vào khoa Truyền nhiễm (BV Nhi TƯ) ngày 4.6 với tình trạng viêm phổi biến chứng sau sởi, trên người hiện vẫn còn những nốt thâm - dấu tích của hơn 10 ngày điều trị sởi tại BV tỉnh và đã khỏi. Cháu về nhà chưa được 1 tuần thì lại có biểu hiện sốt, ho, khó thở, nên gia đình đưa bé vào BV ngay. Được biết, tại BV Nhi TƯ còn có 4 cháu dưới 1 tuổi cũng điều trị viêm phổi sau sởi.
Theo TS Trần Minh Điển - PGĐ BV Nhi TƯ: Hiện số bệnh nhân (BN) nhập viện vì sởi đã giảm nhiều, thay vào đó là BN tay-chân-miệng, viêm não, thủy đậu... Tuy nhiên, các cháu bị hậu sởi cũng chiếm tỉ lệ đáng kể, bởi dù đã khỏi bệnh, nhưng từ 7-10 ngày sau, cơ thể trẻ còn yếu, sức đề kháng giảm, nên khả năng nhiễm bệnh tăng thêm. Nhiều trường hợp bà mẹ thấy con đã khỏi bệnh, chủ quan, cho đi chơi đã vô tình gây bệnh mới cho trẻ. Vì thế, khi con bị sởi, các bà mẹ nên chăm sóc con cẩn thận. Phòng ở của các cháu nên thoáng mát. Tùy theo cơ địa của trẻ, mà phải 1-3 tháng sau khi khỏi bệnh, cả miễn dịch và thể trạng của trẻ mới có thể phục hồi như trước.

Về hiện tượng biến chứng sau bệnh sởi, theo PGS-TS Nguyễn Tiến Dũng - Trưởng khoa Nhi (BV Bạch Mai) - cho biết: Tỉ lệ này ở khoa khoảng 10-20%, thấy nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi. Hiện khoa còn 10 BN sởi đang điều trị thì có 1 cháu viêm phổi sau sởi khá nặng, phải thở máy. Biến chứng sau sởi thì có viêm phổi, tiêu chảy, viêm não, viêm màng não, viêm tai... Vì thế, với các trường hợp sởi đã khỏi bệnh, BS đều dặn gia đình theo dõi trẻ sát sao, khi ho, sốt, khó thở, cần tái khám để phát hiện biến chứng kịp thời.

 

Chế độ ăn nhằm nâng cao sức đề kháng cho người bệnh

 Ăn đủ nhu cầu dinh dưỡng, đa dạng thực phẩm (đủ 4 nhóm thực phẩm: Chất đạm, chất béo, chất bột đường, vitamin và chất khoáng), không quá kiêng khem để bù các chất dinh dưỡng bị mất khi bệnh. Thức ăn chế biến lỏng, mềm. Bổ sung vitamin, khoáng chất (dưới dạng siro, cốm, viên uống... có chứa các vitamin A, E, C, kẽm, selen..., trong đó quan trọng nhất là vitamin A, vitamin C và kẽm). 

Nếu trẻ còn bú mẹ, tiếp tục cho con bú nhiều lần hơn, kết hợp với ăn bổ sung hợp lý. Cho trẻ ăn đủ các thức ăn giàu đạm như thịt, cá (cá chép, cá quả, cá ba sa, cá bông lau, cá hồi, cá trích...), trứng, sữa, hải sản. Trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm theo hướng dẫn của cán bộ y tế bằng đường uống. 

Cho trẻ ăn tăng rau, quả có màu vàng, đỏ (cà rốt, cà chua, bí đỏ, cam, xoài, đu đủ, dưa hấu...) và các loại rau có lá xanh sẫm (muống, ngót, giền đỏ, cải bó xôi, xúp-lơ xanh...) vì có nhiều vitamin và khoáng chất, đặc biệt là vitamin A, vitamin C... giúp tăng miễn dịch, chống nhiễm trùng và nhanh làm lành các tổn thương, nhất là tổn thương ở mắt. Các loại quả giàu vitamin C như bưởi, táo, lê... cũng rất tốt.

 Khi bị sởi, không dùng gia vị cay nóng (ớt, hạt tiêu, quế, hành tây, tỏi, cà ri....), hạn chế thức ăn chứa nhiều chất béo no, nội tạng động vật. Tuyệt đối tránh thức ăn đã bị dị ứng, thức ăn lạ. Uống đủ nước, nhất là trong giai đoạn đang sốt, nôn. Có thể uống nước hoa quả (cam, bưởi, chanh)... Sau khi đã khỏi bệnh, cần ăn nhiều hơn, ít nhất là 2 tuần, để cơ thể nhanh trở về bình thường.

(Nguồn: Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế)