Đánh gió, sinh bệnh ngoài da

Một bữa, chị Liên (Thanh Nhàn, Hà Nội) bị cảm, mẹ chị liền đánh gió cho. Mấy ngày sau, chị bị mẩn ngứa hết cả người.

15.5804
Đánh gió để trị cảm mạo vẫn được nhiều người dân ưa chuộng. Tuy nhiên, nếu đánh gió sai cách không chỉ gây đau đớn mà còn khiến người bệnh có thể mắc các bệnh ngoài da.

Mạnh quá hóa… đau rát

Nhiều người vẫn nghĩ đánh gió phải cạo, miết mạnh thì “gió” thoát ra ngoài càng nhanh, càng nhiều. Suy nghĩ như vậy là hoàn toàn sai lầm.

Mấy ngày trở trời, lạnh về tối và sáng, đi ra đường quần áo phong phanh nên vô tình anh Nam (Ba Đình, Hà Nội) bị “trúng gió”. Về đến nhà thấy người xây xẩm, chóng mặt, buồn nôn. Thương chồng, vợ anh Nam vội vã “lôi” ngay ra đánh gió. Tay vừa đưa đồng bạc miết “cật lực” lên lưng chồng, vợ anh vừa động viên: “Cố lên, chỉ một lát là khỏi. Phải đánh mạnh thì gió mới tan”. Đúng là chỉ ngày hôm sau, anh Nam đỡ hẳn nhưng người ngợm thì đau rát vì những vết đánh gió của vợ.
 
Không nên đánh gió cho trẻ nhỏ. Ảnh: Kim Anh.

Chuộng đánh gió vì “từ bé đến giờ các cụ đều làm thế”, mẹ chị Liên (Thanh Nhàn, Hà Nội) cũng thường sử dụng cách này mỗi khi có ai bị cảm mạo. Một bữa, chị Liên bị cảm, mẹ chị liền đánh gió cho. Thế nhưng, mấy ngày sau, chị bị mẩn ngứa hết cả người. Thì ra, trước đó chị Liên đang bị dị ứng ở cánh tay, trong lúc đánh gió, mẹ chị đã vô tình “đưa” dị ứng đi khắp người chị.

Người bị bệnh ngoài da nên tránh

Theo lương y Vũ Quốc Trung, đánh gió là là một kinh nghiệm của dân gian, đồng thời cũng là một phương pháp chữa bệnh của y học cổ truyền khi bị cảm mạo. Đánh gió thường dùng một vật liệu bằng kim loại (thông thường dùng miếng bạc), dựa trên nguyên tắc tác động cơ học, chà xát trên da làm giãn nở các lỗ chân lông, sinh ra nhiệt giúp khí độc thoát ra ngoài. Nhiều nơi đánh gió bằng cách giã gừng, trộn với cồn hoặc rượu đốt nóng, cho vào miếng vải mỏng rồi xoa xát lên cơ thể.

Mặc dù phương pháp đánh gió khá đơn giản và quen thuộc nhưng cũng phải có bài bản, ví dụ chà sát vừa phải, nhẹ nhàng không làm trầy xước da. Nếu chà sát một chỗ quá lâu hoặc quá mạnh làm trầy xước da thì sẽ làm cho người bệnh đau đớn. Việc trầy xước da tiềm ẩn nguy cơ viêm, nhiễm trùng da.

Bên cạnh đó, tà khí trong người đi ra theo các huyệt đạo chứ không phải đi ra theo bất kỳ vị trí nào nên người đánh gió cũng phải biết cách đánh tập trung dọc sống lưng và đánh xuôi từ trên xuống dưới; rồi đánh bên trái sang bên phải, lần lượt mỗi bả vai; cuối cùng là đánh 2 bên thái dương

Lương y Vũ Quốc Trung cũng khuyến cáo, đối với những người có cơ địa da mẫn cảm thì không nên đánh gió, vì khi chà sát sẽ gây dị ứng. Trẻ em quá nhỏ, da còn mỏng, các tế bào còn non cũng không được đánh gió. Bên cạnh đó, những người bị bệnh ngoài da cũng lưu ý không nên dùng phương pháp đánh gió vì khi da đang bị lở, ngứa nếu đưa rượu, gừng vào dễ bị nhiễm trùng hoặc bệnh sẽ lây lan từ chỗ này sang chỗ khác.
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]