Dạy trẻ cách phòng tránh bị xâm hại

Để trẻ không bị xâm hại tình dục, các chuyên gia khuyến cáo cha mẹ coi "phòng hơn chữa". Cách phòng tốt nhất là cha mẹ cần dạy trẻ cách tự bảo vệ mình ở mọi lúc mọi nơi.

15.5962
Theo các chuyên gia tâm lý, thông thường những vụ xâm hại tình dục trẻ em, thủ phạm đều có mối quan hệ thân thiết với nạn nhân, được phụ huynh và nạn nhân tin tưởng. Đây chính là sự chủ quan của phụ huynh, không lường trước được các nguy cơ nguy hiểm đối với con mình.

Chuyên gia Nguyễn Thị Tâm cho rằng, trách nhiệm của người mẹ trong vấn đề con cái bị xâm hại tình dục là rất lớn. Bởi trong vấn đề trẻ bị xâm hại tình dục, người mẹ có thể là bức tường thành kiên cố bảo vệ cho con gái hoặc vô tình trở thành nhịp cầu cho tội ác, điều này tùy thuộc rất nhiều vào sự nhạy cảm, cảnh giác và trách nhiệm của người mẹ.

Theo hướng dẫn của Cục Bảo vệ, chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), các bậc cha mẹ cần nói cho con biết những thông tin đúng đắn, chính xác về khi nào, ở đâu trẻ dễ bị xâm hại tình dục và ai là người có thể xâm hại trẻ.
 
Cha mẹ cần giúp trẻ cảm thấy thoải mái, tự tin khi bước vào tuổi dậy thì.
 
Ngay từ nhỏ, cha mẹ nên cung cấp những kiến thức về giới tính cho con. Dạy trẻ biết tôn trọng bản thân, không để ai xâm phạm. Cần hướng dẫn cho trẻ biết ai là người có thể chạm vào cơ thể, vào những khu vực nhạy cảm. Hãy hướng dẫn trẻ cách phản ứng khi người khác động chạm vào "vùng cấm", nếu ai nhìn hay đụng vào thì đó là hành động rất xấu xa. Lúc đó, phải kiên quyết phản đối, thậm chí có thể la hét, kêu khóc, cắn và kêu cứu hoặc tìm cách để chạy trốn tới nơi đông người.

Đồng thời, cha mẹ cũng nên dạy các bé trai không được xâm phạm các bạn nữ. Một điều quan trọng là cha mẹ cần giúp trẻ cảm thấy thoải mái, tự tin khi bước vào tuổi dậy thì. Bởi việc trẻ em cảm thấy bỡ ngỡ, lúng túng và tò mò trước những thay đổi ấy cũng là nguyên nhân của nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em.

Trẻ thường được dạy là phải biết nghe lời người lớn mới là đứa trẻ ngoan. Chính vì sự dạy dỗ đó mà trẻ em rất tin cậy ở người lớn, do đó dễ bị lừa gạt, mua chuộc, dễ bị trấn áp về tinh thần và thể lực. Vì vậy, cha mẹ cần dạy nhận biết những dấu hiệu không an toàn từ người lạ như mắt láo liên, cố đưa trẻ ra chỗ vắng, cho tiền, đồ chơi rồi rủ đi đâu đó...

Dạy trẻ biết tìm người giúp đỡ. Trẻ cần được chỉ dân cách tìm người giúp đỡ nếu trẻ bị sờ mó thô lỗ. Bạn cần nói với trẻ rằng mọi người luôn sẵn sàng bảo vệ khi trẻ bị đe dọa. Dạy cháu nhớ số điện thoại của bố, mẹ và những người thân khác trong gia đình cùng các số điện thoại khẩn cấp như 115, 113...

Dạy trẻ biết hoạch định giờ giấc, không la cà, kiểm soát quỹ thời gian của mình. Trẻ phải biết mình đang đi đến đâu và dự kiến bao giờ về.

Ngoài ra, bạn cũng nên nhớ rằng nếu những cháu bé nhút nhát, tự ti, ít bạn bè thường dễ bị kẻ xấu tấn công. Vì vậy, bạn hãy dạy cháu vui vẻ, tự tin, quý trọng bản thân, không dễ bị cám dỗ bởi đồ chơi hay bánh kẹo.

Cha mẹ nên lắng nghe trẻ tâm sự, quan sát những biểu hiện. Hãy nói với trẻ nếu sự việc đã xảy ra thì đó không phải là lỗi của trẻ và không nên sợ kẻ kia bởi đã có bố mẹ bảo vệ, kẻ làm việc xấu luôn sợ người tốt. Bên cạnh việc dạy con biết tự bảo vệ mình, cha mẹ cũng phải luôn biết rõ con đang ở đâu, với ai. Hãy thường xuyên nói chuyện với con để biết điều gì diễn ra khi con ở một mình với người được gửi gắm, với người trông trẻ...
 
Theo Tuổi trẻ Thủ đô
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]