Để hàng Việt xuất ngoại thành công

0

Tại Việt Nam hiếm người biết tới thương hiệu Crestylla dù hãng thành lập chính tại nơi này năm 1998. Tuy nhiên, sản phẩm nữ trang của Crestylla đã có mặt tại các khách sạn, nhà hàng 5 sao ở New York.

Là một thương hiệu chưa nổi tiếng, trong khi không có nhiều tiền để làm maketing, vậy Crestylla làm cách nào để quảng bá thương hiệu tại New York và để các cửa hàng tại đây chịu bán hàng của mình?

Cách làm của Crestylla là tạo dấu ấn với các khách hàng mục tiêu, từ đó ghi điểm với các nhà phân phối. Crestylla thường đặt mua khoảng vài chục suất buffet trưa tại các nhà hàng 5 sao ở New York, với chi phí chưa tới 500 USD. Và yêu cầu của Crestylla là trong vòng 1-2 tiếng để cho người mẫu đeo nữ trang của mình trình diễn một vòng qua các bàn ăn. Những nhà hàng này nhận lời ngay và tỏ ra khá thoải mái với lời nhắc đừng làm gì ảnh hưởng đến khách hàng của họ.

Có không ít khách hàng VIP ăn trưa tại đó tỏ ra thích thú và tò mò về sản phẩm. Với cách làm này, Crestylla đã có những thành công bước đầu, những nhà phân phối bản địa bắt đầu đặt hàng của Crestylla.

Trong 6 tháng cuối năm 2012, doanh số cửa hàng tại New York của Crestylla là khoảng 100.000 USD. Tuy nhiên, lợi nhuận của Công ty dự kiến không bó hẹp trong khoản thu ở dạng cửa hàng mà tham vọng lớn hơn là gia công cho các hãng thời trang lớn của New York và Ý.

2 cách tiếp cận nhà phân phối

Câu chuyện của Crestylla nói lên điều gì? Đó là muốn ra nước ngoài thành công, hãy bắt đầu từ khâu phân phối. Tuy nhiên vấn đề đặt ra ở đây là làm sao tìm, tiếp cận được nhà phân phối bản địa.

Theo ông Robert Trần, Tổng Giám đốc Tập đoàn Tư vấn Chiến lược Robeny (Canada), để kết nối được với nhà phân phối bản địa, hãy tìm đến những nhà phân phối nước ngoài đã có văn phòng đại diện tại Việt Nam. Có thể tiếp cận và làm việc với họ ngay tại Việt Nam để họ kết nối mình với văn phòng của họ ở những nước khác. Ông Trần cho rằng nếu không tự kết nối được, hãy thông qua một công ty tư vấn. Đây chính là cách đã giúp Crestylla tiếp cận được với những nhà phân phối nữ trang tại New York.

Thực tế, có nhiều nhà phân phối nhỏ rất cần sản phẩm và đó là nơi doanh nghiệp Việt có thể tìm đến và hợp tác.

Tránh các sai lầm thường gặp

Tiếp cận được nhà phân phối chỉ là một bước đầu tiên để sản phẩm Việt Nam có thể ra nước ngoài. Để thành công ở thị trường nước ngoài doanh nghiệp Việt còn cần đến rất nhiều yếu tố.

Doanh nghiệp Việt Nam không phải không làm được hàng có chất lượng mà chỉ chưa biết cách làm. Điều này giải thích vì sao nhiều doanh nghiệp Việt thường gia công được cho các tập đoàn lớn trên thế giới nhưng khi tự mình đưa thương hiệu ra thị trường quốc tế lại không thành công.

Do đó, theo ông Trần, đầu tiên là cần xây dựng thương hiệu với chi phí tiết kiệm như chọn nhà phân phối nổi tiếng, thương hiệu của nhà phân phối sẽ giúp thương hiệu Việt nâng tầm lên. Hoặc nếu tự làm thì hãy để dịch vụ bên ngoài làm bớt những khâu mình không chuyên. Thất bại của nhiều sản phẩm Việt khi ra nước ngoài là do họ muốn làm hết tất cả mọi thứ.

Một vấn đề trong việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của các doanh nghiệp Việt là họ hay hay bị nhầm lẫn rằng, cứ phải đưa tên doanh nghiệp lên trước sản phẩm. Tuy nhiên, điều này rất tai hại, nếu sản phẩm này thất bại thì doanh nghiệp bị ảnh hưởng ngay. Trong khi đó nếu đưa thương hiệu sản phẩm lên trước khi thất bại cũng không sao, nó cũng không ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp.

Và nếu thương hiệu một sản phẩm tốt thì người tiêu dùng cũng chẳng quan tâm công ty đó là ai. Ví dụ rất nhiều người tiêu dùng Việt Nam đang sử dụng sản phẩm như kem đánh rằng P/S, bột giặt OMO, Tide, dầu gội Sunsilk hay Clear nhưng chắc chắn rất ít người biết được những sản phẩm họ sử dụng của Unilever hay P&G.

“Rất nhiều doanh nghiệp Việt có suy nghĩ rằng, họ cần phải xác lập thị trường trong nước rồi mới tiến ra nước ngoài, thế nhưng điều này theo các nhà kinh doanh là không cần thiết. Hãy học theo cách kinh doanh của người Mỹ”, ông Trần nói. Theo ông, có thể công ty mẹ tại Mỹ chuyên về một phần gì đó nhưng khi kinh doanh nước khác, cơ hội sẽ đến ở lĩnh vực khác. Abbott chẳng hạn. Ở châu Á và Việt Nam ai cũng biết họ là công ty sữa, nhưng tại Mỹ Abbott họ được biết đến là công ty dược.

Một sai lầm nữa là doanh nghiệp Việt ra nước ngoài hay tìm đến cộng đồng người Việt và cuối cùng chỉ kinh doanh với nhóm người này. “Hãy nhớ rằng, đó chỉ là một bước đệm. Thị trường của doanh nghiệp bạn là ngoài kia, không phải là một cộng đồng nhỏ”, ông nói.

Theo ông Trần, một vấn đề nữa là các doanh nghiệp Việt chưa mạnh dạn thuê người bản địa làm việc. Doanh nghiệp Việt Nam khi qua Campuchia, Lào hay Myanmar thường kinh doanh rất tốt vì dám thuê người địa phương làm việc. Nhưng khi sang Mỹ, Canada hay các nước châu Âu lại tự ti không dám thuê Tây làm việc.

“Một chiến lược sai lầm mà nhiều doanh nghiệp Việt hay gặp nữa là giảm giá. Đừng bao giờ dùng chiến lược giảm giá, vì nếu không trong suy nghĩ của khách hàng, sản phẩm đến từ Việt Nam là giá rẻ”, ông Trần cho biết.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]