Để trị nám, tàn nhang hiệu quả

Điều trị nám, tàn nhang phải kiên trì vì phải mất thời gian khá dài, ít nhất là 6 tháng

31.2013

Nám, tàn nhang không phải là căn bệnh nguy hiểm nhưng làm mất thẩm mỹ, làm cho người bệnh không tự tin khi tiếp xúc với những người xung quanh. Người bệnh nên tránh tự ý mua thuốc hoặc tin theo quảng cáo mà mất tiền, lại tự chuốc lấy những biến chứng nguy hiểm.


Bệnh nhân điều trị nám bằng phương pháp laser tại Bệnh viện Da liễu (TP HCM)

Yếu tố di truyền chiếm hơn 30%

Nám, tàn nhang là tình trạng tăng sắc tố da, trên da xuất hiện những đốm nâu sậm màu hơn những vùng da khác. Xuất hiện chủ yếu ở mặt (khoảng 64%-70%), mũi, gò má, cằm, trán và đôi khi ở cổ, lưng trên, cánh tay - những vùng da tiếp xúc nhiều với ánh nắng mặt trời. Tỉ lệ mắc ở nữ nhiều hơn nam.

Theo BS Ngô Quốc Hưng, Trưởng đơn vị Thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu (TP HCM), có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến nám, tàn nhang nhưng nguyên nhân cơ bản và thường gặp nhất là do tiếp xúc quá nhiều với ánh nắng mặt trời hay thay đổi nội tiết tố (tới tuổi mãn kinh), uống thuốc điều trị các bệnh (lao, bướu cổ, thuốc ngừa thai…), thần kinh căng thẳng (stress, lo lắng, mất ngủ…); mắc các bệnh như tuyến thượng thận; một số bệnh về nội tiết tố cũng có thể dẫn tới nám, tàn nhang; sử dụng hóa chất (nước hoa, mỹ phẩm không phù hợp, chăm sóc da không đúng cách, không an toàn…) cũng tạo điều kiện cho nám, tàn nhang xuất hiện. Một yếu tố cũng rất thường gặp ở bệnh nhân nám, tàn nhang đó là yếu tố di truyền, trên 30% bệnh nhân tiền sử gia đình có thành viên bị nám, tàn nhang.

Phải hiểu rõ nguyên nhân

Theo BS Hưng, nám da, tàn nhang, đồi mồi… là tình trạng tăng sắc tố da, xuất hiện những đốm nâu rất giống nhau, vì thế người bệnh rất dễ nhầm lẫn. Thấy những đốm nâu xuất hiện cứ tưởng bị tàn nhang nhưng đến khi đi khám thì không phải tàn nhang mà là nám. Vì thế, không nên tự ý điều trị mà nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa để được chẩn đoán chính xác và có phương pháp điều trị phù hợp, tránh làm cho bệnh nặng hơn do điều trị không đúng cách. Nguy hiểm hơn là tình trạng bệnh trở nên nặng hơn và có các biến chứng đáng tiếc xảy ra.

Có rất nhiều chị em ngại tới bệnh viện vì thời gian điều trị lâu, thủ tục lại nhiêu khê nên thường tin những lời quảng cáo, nghe bạn bè giới thiệu hoặc tự ý mua thuốc về uống, làm cho bệnh càng trầm trọng hơn. Chị C.T.M.N, ngụ quận 7, TP HCM, sau khi sinh con thứ hai không lâu, chị thấy da trở nên sạm màu hơn, có những đốm nâu xuất hiện trên mặt. Qua bạn bè giới thiệu, chị mua mỹ phẩm về sử dụng. Dùng được khoảng 2 tuần thì thấy các đốm nâu bớt dần, da trắng lên…; tiếp tục sử dụng được hơn 1 tháng, chị thấy tạm hài lòng. Do công việc bận rộn và thấy những đốm nâu đã không còn nên chị không dùng thuốc nữa. Tuy nhiên, chỉ sau một thời gian ngắn, các đốm nâu đó lại xuất hiện và còn sậm màu hơn trước…

Theo BS Nguyễn Hữu Hà, Phòng Thẩm mỹ Bệnh viện Da liễu, điều trị nám, tàn nhang, trước tiên cần hiểu rõ nguyên nhân (do ánh nắng mặt trời hay do uống thuốc…), tìm hiểu rõ nguyên nhân để có phương pháp điều trị thích hợp.

Hiện nay có rất nhiều phương pháp điều trị như dùng thuốc bôi, thuốc uống hay dùng máy chiếu ánh sáng (IPL), máy laser, Ni, YAG... Mỗi phương pháp đều có ưu, nhược điểm riêng. Chẳng hạn, phương pháp laser ứng dụng chữa nám và tăng sắc tố sau viêm đứng hàng thứ yếu sau các thuốc bôi tại chỗ. Bên cạnh đó còn có những tác dụng phụ như đau, sưng, tăng sắc tố sau viêm, sẹo, nhiễm trùng thứ phát… Chính vì thế, việc điều trị lại càng phải cẩn trọng hơn.

Điều trị nám, tàn nhang phải kiên trì vì phải mất thời gian khá dài, ít nhất là 6 tháng. Trong thời gian này, bệnh nhân cần tuân thủ theo chỉ định của bác sĩ, phải khám định kỳ để bác sĩ theo dõi bệnh trạng và có phương pháp điều trị thích hợp, không nên tự ý đi khám chỉ một lần rồi lấy đơn thuốc mua uống hoặc chữa trị bằng cách nghe theo bạn bè…, làm như thế thì bệnh khó mà cải thiện được bởi việc điều trị còn tùy thuộc cơ địa và bệnh trạng của mỗi người.

Theo các bác sĩ da liễu, nám, tàn nhang có thể điều trị dứt điểm. Tuy nhiên, phải tránh các yếu tố nguy cơ, đặc biệt là ánh nắng mặt trời, nên thoa kem hoặc uống thuốc chống nắng trước khi ra ngoài nắng 30 phút. Ngoài ra, cần phải có một chế độ ăn uống, thể dục, ngủ nghỉ, chăm sóc da hợp lý. Nếu không, bệnh rất dễ tái phát.

Những biến chứng

Theo các bác sĩ da liễu, điều trị nám, tàn nhang không đúng cách sẽ làm cho tình trạng sạm trở nên nặng hơn, mất sắc tố của da (như trắng bệt ở chỗ điều trị), cũng có thể để lại sẹo ở vùng sạm.

Bôi thuốc không phù hợp dễ bị dị ứng, dẫn đến nhiễm trùng vùng da điều trị nặng hơn có thể dẫn đến nhiễm trùng huyết, viêm màng não...

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]