Điểm danh bệnh mùa nắng

Dẫu không thể “chạy trời cho khỏi nắng”, nhưng hiểu rõ các bệnh lý thường xảy ra trong mùa nắng nóng sẽ biết được cách phòng ngừa sức khoẻ chính mình và người thân.

15.5976
>>

 
Tình trạng nắng nóng, oi bức mấy ngày qua đã khiến số bệnh nhân nhập viện, đặc biệt là trẻ em tăng cao. Trung tâm Dự báo khí tượng thuỷ văn trung ương nhận định từ nay đến hết tháng 7, còn có khả năng xảy ra vài đợt nắng nóng trên diện rộng, mỗi đợt kéo dài 5 – 7 ngày.
Say nắng

Khi nhiệt độ lên đến 38 – 39oC, hiện tượng thường hay gặp nhất là say nắng ở cả người lớn và trẻ em, do cơ thể mất nước nhiều vì tiết mồ hôi, rối loạn nghiêm trọng về điều hoà thân nhiệt khi bị ánh nắng mặt trời gay gắt chiếu vào người. Ở người lớn thường có sốt, chóng mặt, dễ dẫn đến ngất xỉu. Đối với trẻ em, triệu chứng thường gặp là quấy khóc, lờ đờ, biếng ăn, nóng toàn thân, đôi khi co giật, thân nhiệt lên đến 40 – 42oC.

Với người bị say nắng, phải nhanh chóng đưa vào chỗ râm mát, cởi bớt quần áo cho thoáng, quạt và lau mát cho nạn nhân. Cho uống nhiều nước, nếu có thể hãy chườm hoặc tắm nước mát. Trẻ em nếu có co giật hãy nhanh chóng hạ sốt và đưa đến bệnh viện ngay.

Các bệnh lý đường tiêu hoá

Nắng nóng là điều kiện rất tốt để vi trùng sinh sôi nảy nở trong thức ăn, nước uống, dẫn đến ngộ độc thức ăn, nhiễm trùng tiêu hoá. Triệu chứng thường là đau bụng kèm buồn nôn, sau đó nôn ói nhiều lần, kế đến là tiêu chảy, phân lúc đầu lợn cợn, sau đó đi toàn là nước.

Trẻ em khi bị nôn ói, tiêu chảy nhiều lần sẽ mất nước và muối, đặc biệt với trời nắng nóng càng dễ dẫn đến rối loạn điện giải gây rối loạn tri giác, co giật rất nguy hiểm. Khi trẻ có những dấu hiệu rối loạn tiêu hoá, nên cho uống bù nước ngay. Có thể cho uống nước bất cứ khi nào trẻ muốn, càng nhiều càng tốt, tất cả các loại như nước đun sôi để nguội, nước suối, nước cháo, nước lọc, hay nước giải khát đóng chai hợp vệ sinh.
 
Đặc biệt, Oresol là dung dịch bù nước rất hiệu quả, một gói Oresol pha với 1 lít nước sôi để nguội dùng trong 24 giờ. Sau mỗi lần tiêu chảy, trẻ dưới hai tuổi cho uống 100 – 200ml, trẻ lớn hơn cho uống chậm. Nếu trẻ nôn, có thể chờ 15 phút rồi mới cho trẻ uống từng muỗng.

Cho trẻ ăn như thường ngày, không kiêng, nhưng thực phẩm phải bảo đảm vệ sinh, ăn thành nhiều bữa để dễ tiêu. Lưu ý, không tự động dùng các thuốc chống ói, thuốc cầm tiêu chảy, kháng sinh cho trẻ em nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Các bệnh lý đường hô hấp

Khi thời tiết quá nóng, các gia đình thường mở quạt lớn, dẫn đến khô vùng hầu họng, làm các chất nhầy bảo vệ đường hô hấp bị khô, tạo điều kiện thuận lợi cho vi trùng xâm nhập gây bệnh. Đối với trẻ em, triệu chứng thường là chảy nước mũi, ho, sốt, thở khò khè, đau họng, viêm đường hô hấp trên… Ngoài ra ở giới nhân viên văn phòng, do ngồi lâu trong môi trường máy lạnh, khi ra ngoài nắng nóng, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột rất dễ gây viêm mũi họng, viêm xoang. Uống nước đá lạnh cũng là nguyên nhân gây viêm họng, đặc biệt là trẻ em.

Cách xử trí ban đầu: thường xuyên làm ẩm đường hô hấp bằng nước muối sinh lý dạng nhỏ vào mũi hay chai xịt. Nếu trẻ viêm đường hô hấp trên, không nên dùng kháng sinh tuỳ tiện mà phải theo chỉ định của bác sĩ, cho mặc quần áo thoáng mát, uống nhiều nước, làm thông thoáng đường thở bằng cách lau sạch hoặc hút mũi cho trẻ. Nếu trẻ ho nhiều, kèm sốt hoặc khó thở, biếng ăn, nên nhanh chóng đưa đến bệnh viện.

Các bệnh lan truyền bởi virút

Khi thời tiết khô hạn, bệnh lây truyền qua đường hô hấp dễ phát triển và lây lan trong cộng đồng, đặc biệt là bệnh tay chân miệng và thuỷ đậu.

Các bệnh tay, chân, miệng: thường gặp ở nhũ nhi và trẻ em do virút thuộc nhóm Enterovirus gây nên, với dấu hiệu đặc trưng là sốt, đau họng và nổi ban có bóng nước. Triệu chứng đầu tiên thường là sốt nhẹ, biếng ăn, mệt mỏi và đau họng. Một đến hai ngày sau khi xuất hiện sốt, trẻ bắt đầu đau miệng. Khám họng trẻ có thể phát hiện các chấm đỏ nhỏ, sau đó biến thành các bóng nước và thường tiến triển đến loét.
 
Các tổn thương này có thể thấy ở lưỡi, nướu và bên trong má. Hồng ban xuất hiện trong vòng 1 – 2 ngày với các tổn thương phẳng trên da hoặc có thể gồ lên, màu đỏ và một số hình thành bọng nước. Ban này không ngứa và thường khu trú ở lòng bàn tay, lòng bàn chân, mông. Đây là bệnh dễ lây qua tiếp xúc với các dịch tiết mũi họng, nước bọt, chất dịch từ các bóng nước hoặc phân của người bệnh. Bệnh thường tự khỏi, nhưng có trường hợp dẫn đến biến chứng thần kinh gây tử vong. Người nhà nên lưu ý các dấu hiệu nặng của bệnh như khó ngủ, giật mình, sốt cao liên tục, chới với, run chân tay, co giật để đưa trẻ đến bệnh viện ngay.

Bệnh thuỷ đậu (trái rạ): biểu hiện bằng những nốt phồng nước trên da, lan rộng toàn thân, ngứa ngáy. Khi trẻ mắc bệnh, nên cho trẻ nghỉ ngơi. Không nên chích vỡ các mụn phồng gây bội nhiễm. Có thể dùng dung dịch sát trùng như xanh méthylène chấm vào các mụn nước.

AloBacsi.vn(Theo Sài Gòn Tiếp Thị)

Phòng bệnh: dùng thuỷ trị hoả

Trong mùa nắng gay gắt thế này, người lớn cũng như trẻ em nên uống nước thật nhiều. Người lớn tránh đi bộ hay phơi mình quá lâu dưới nắng nóng. Các bậc cha mẹ không nên cho trẻ chơi, chạy nhảy ngoài nắng, ra đường nên đội nón, uống nhiều nước, ăn uống đủ chất và hợp vệ sinh, mặc quần áo thoáng mát, thấm hút mồ hôi, không mở quạt lớn và thổi trực tiếp vào trẻ.

Để phòng bệnh tay chân miệng cho con, cha mẹ nên vệ sinh kỹ sàn nhà, đồ chơi, rửa sạch tay trước khi chăm sóc trẻ.

Tủ thuốc gia đình nên trang bị sẵn các loại thuốc dùng trong mùa nắng như hạ sốt, Oserol, một số dung dịch sát khuẩn.

 
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]