Điều trị cao huyết áp

Tôi được chẩn đoán cao huyết áp vô căn và được kê thuốc điều trị nhưng chưa được ổn lắm. Người hàng xóm của tôi cũng bị giống như vậy và tôi thử dùng toa thuốc này uống thử thì thấy huyết áp ổn. Điều trị như vậy có được không ?

15.6051

Tôi được chẩn đoán cao huyết áp vô căn và được kê thuốc điều trị nhưng chưa được ổn lắm. Người hàng xóm của tôi cũng bị giống như vậy và tôi thử dùng toa thuốc này uống thử thì thấy huyết áp ổn. Điều trị như vậy có được không ?

(Tôn Thất Tường - TP.HCM)

Chúng ta biết rằng có hai nhóm bệnh tăng huyết áp: nhóm bệnh tăng huyết áp có nguyên nhân và nhóm chưa xác định được nguyên nhân (hay được gọi là tăng huyết áp vô căn, tăng huyết áp không có nguyên nhân). Thật ra bệnh gì cũng có nguyên nhân của nó, có điều là xác định được nguyên nhân hay chưa. Trong đó, nhóm không xác định được nguyên nhân chiếm trên 90%, vì vậy cũng dễ hiểu là phải điều trị suốt đời ở nhóm này.

Ở đây xuất hiện quan điểm sai lầm của người bệnh: khi thấy huyết áp tăng thì uống thuốc, bình thường thì không, thật ra hạ huyết áp không quan trọng bằng việc ngừa không cho nó tăng (vì sẽ gây biến chứng không hồi phục được). Phần lớn tăng huyết áp là không có triệu chứng nên người bệnh sẽ không biết được mình bị tăng huyết áp và như vậy là biến chứng sẽ xảy ra, huyết áp tăng sẽ làm tổn thương các cơ quan: tim, não, thận, mắt, động mạch ngoại vi. Đối với nhóm không xác định nguyên nhân thì bệnh nhân phải điều trị suốt đời: thay đổi lối sống và thuốc hạ huyết áp. Áp dụng thay đổi lối sống bằng cách giảm cân nặng nếu thừa cân, hạn chế rượu bia, tăng cường tập thể dục, ăn giảm muối natri, hạn chế ăn mỡ động vật bão hòa, thức ăn giàu cholesterol, bỏ hẳn hút thuốc lá…

Thuốc điều trị tăng huyết áp có nhiều nhóm khác nhau: ức chế men chuyển, lợi tiểu, ức chế beta, ức chế canxi, giãn mạch trực tiếp,… lựa chọn thuốc nào, kết hợp thuốc nào với nhau tùy thuộc đặc điểm của từng bệnh nhân (tuổi tác, bệnh kèm theo, biến chứng, công việc…). Chỉ có bác sĩ chuyên khoa sau khi đánh giá hết mọi yếu tố trên từng bệnh nhân sẽ có quyết định điều trị phù hợp. Nhiều người mắc sai lầm khi bắt chước toa điều trị của bệnh nhân tăng huyết áp khác để điều trị cho mình, điều này thật sự nguy hiểm vì có thể không đạt hiệu quả điều trị và không ngăn ngừa được biến chứng. Người bệnh tăng huyết áp cần phải theo dõi điều trị định kỳ theo chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa, phải điều trị suốt đời.

BS.CKII. ĐẶNG MINH TRÍ

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]