Doanh nghiệp tìm cách "tự cứu mình" thoát "bão"

0
Kinh tế vĩ mô ba tháng đầu năm 2013 vẫn còn rất nhiều khó khăn, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tiếp tục đối mặt với không ít thách thức.

Trong hoàn cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã áp dụng các chính sách mang hơi hướng chiến lược "Đại dương xanh" nhằm nỗ lực duy trì thị phần đồng thời không ngừng nỗ lực cải thiện quy trình quản lý và tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với thực tế của nền kinh tế.

Tạo cầu cho thị trường

Trước khó khăn về nhu cầu tiêu thụ trên thị trường ngày càng hạn hẹp, nhiều doanh nghiệp đã sử dụng biện pháp phổ biến là cắt giảm công suất của dây chuyền sản xuất.

Tuy nhiên, một số doanh nghiệp khác lại quyết định sử dụng chiến lược ngược lại. Nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, cắt giảm triệt để những chi phí đầu tư kém hiệu quả, duy trì công ăn việc nhằm giảm giá thành sản phẩm.

Ông Đỗ Hải Triều, Phó trưởng Phòng Thị trường, Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông (RAL) chia sẻ, RAL quyết tâm duy trì chạy hết công suất các dây chuyền sản xuất. Bởi có như vậy mới đảm bảo chi phí trên đầu sản phẩm rẻ, qua đó tăng được ngân sách hỗ trợ công tác bán hàng, để bộ phận phát triển thị trường ra sức đẩy hàng, duy trì và  chiến lĩnh thị trường.

Chia sẻ kinh nghiệm vượt “bão” của RAL, ông Triều cho biết đó là một quá trình hai giai đoạn "dài hơi," bắt đầu từ giai đoạn 2006-2010 cho tới giai đoạn 2010-2015. Công ty thực hiện tái cấu trúc thông qua rất nhiều hình thức. Tái cấu trúc về quản lý, khoán hai cấp (cấp xưởng, cấp công ty) đồng thời tái cấu trúc sản phẩm hướng vào phát triển công nghệ. Hội đồng quản trị Công ty đã thông qua khoản ngân sách tương đương 2% trên doanh thu cho hoạt động đầu tư nghiên cứu.

“Nhiều công trình, đề tài được đưa ra giúp Công ty có nhiều cải tiến trong sản xuất kinh doanh, từ đó giảm được nhiều chi phí, đem lại nguồn tài chính hỗ trợ khách hàng, giảm chi phí giá thành sản phẩm, giành được nhiều ngân sách hơn cho công tác bán hàng, phát triển thị trường.

Đặc biệt, việc nghiên cứu phát triển nguồn sáng LED (Diode phát quang), mở ra một nhu cầu mới cho thị trường, thay thế cho các sản phẩm truyền thống đang dần bị thu hẹp như đèn sợi đốt," ông Triều nói.

Đồng tình với quan điểm đó, ông Đặng Minh Quang, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Quốc tế Sơn Hà cũng cho biết, ba tháng đầu năm 2013, doanh số bán hàng của Sơn Hà tăng mạnh đạt, khoảng 600 tỷ đồng (vượt 10% so với kế hoạch).

Với Công ty Sơn Hà, mục tiêu chiếm lĩnh thị trường, duy trì sản xuất, giải quyết việc làm cho công nhân đã được đặt lên hàng đầu.

“Năm nay, Công ty không mở rộng đầu tư, chỉ củng cố về mặt chiều sâu, cân nhắc và đáp ứng nhu cầu của thị trường. Dây chuyền sản xuất hiện chạy khoảng 80% công suất và chỉ tiêu tăng trưởng đặt khoảng 30%. Chúng tôi không đặt chỉ tiêu quá nhiều vào lợi nhuận sau thuế mà hướng vào tăng trưởng đảm bảo thị phần," ông Quang nói

Kế hoạch linh hoạt theo quý

Bên cạnh đó, ông Đặng Minh Quang cũng cho biết, hầu hết doanh nghiệp hiện nay rất khó có thể đặt ra kế hoạch dài hạn như trước đây, khi các điều kiện trong môi trường kinh doanh biến đổi khá nhanh. 

“Do đó, chúng tôi phải bám sát kế hoạch theo từng quý. Mặc dù Công ty đã xây dựng kế hoạch của cả năm, song Ban lãnh đạo, Hội đồng cổ đông vẫn phải chuẩn bị tinh thần để điều chỉnh. Như năm ngoái, môi trường kinh doanh từ đầu năm so với cuối năm khác xa quá nhiều. Vì vậy, năm nay chúng tôi không dám mạo hiểm, việc đề ra kế hoạch cả năm chỉ là dự kiến thôi, cụ thể thực hiện phải theo từng quý một,’’ ông Quang nói.

Tiến sỹ Nguyễn Đức Thành, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR) nhấn mạnh, việc doanh nghiệp “chạy" kế hoạch theo quý cho thấy hoạt động sản xuất cầm chừng đồng thời phản ánh tâm lý của họ vẫn còn hoang mang, chưa xác định được tương lai. Hy vọng và thất vọng đan xen không rõ ràng, thể hiện qua quá trình sản xuất mang tính chờ đợi, các quyết định dứt khoát là chưa có.

Ông Thành phân tích thêm, “về điều hành vĩ mô, các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp cũng ngắn hạn tương tự, do đó doanh nghiệp vẫn phải tiếp tục chờ đợi tín hiệu. Thị trường hiện còn rất phức tạp, một mặt nội lực doanh nghiệp không còn nhiều, trong khi các hoạt động đầu tư lại nghiêng về lo lắng mất nhiều hơn là được."

Một số chuyên gia kinh tế quan ngại, hiện tượng trên cho thấy áp lực khó khăn tăng lên rõ rệt. Hoạt động sản xuất theo quý sẽ tạo ra sự mất ổn định trong quá trình tổ chức nguồn vốn, nguồn hàng, công ăn việc làm, ký kết hợp đồng... Tuy nhiên, họ cũng phải công nhận rằng, các doanh nghiệp đang rất chủ động, linh hoạt và năng động hơn thay vì bị động như trước đó.

Chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong đưa ra quan điểm, các doanh nghiệp đang cố gắng thích ứng với thị trường và đưa ra kế hoạch mang tính chất tiết kiệm nhất, thay vì lập cứng kế hoạch một năm, sản xuất ùn ùn mà không bán được thì cũng chết hơn.

“Thực sự thì đây là phản ứng cần thiết trong bối cảnh toàn cầu hiện nay, nó cho thấy sự nhạy bén của doanh nghiệp, phải tự cứu mình trước khi ‘trời cứu',” ông Phong thừa nhận./.

"Chiến lược Đại dương xanh" là tên gọi cuốn sách của đồng tác giả Chan Kim và Renée Mauborgne, xuất bản năm 2005, theo đó đề cập tới chiến lược phát triển và mở rộng một thị trường trong đó không có cạnh tranh hoặc sự cạnh tranh là không cần thiết mà các công ty có thể khám phá và khai thác.

Bản chất của “Chiến lược đại dương xanh” là nâng cao về giá trị đi kèm với sự tiện lợi, giá cả thấp và giảm chi phí. Cụ thể, các công ty phải có bước nhảy vọt về giá trị, mang lại sự gia tăng mạnh mẽ về giá trị cho cả người mua và chính doanh nghiệp.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]