Cứ mỗi độ xuân về, khắp các nơi trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) lại tổ chức các hội chọi dê, tạo ra những sân chơi vô cùng thú vị cho đồng bào miền núi. Tuy nhiên, để hoạt động độc đáo này trở nên quy mô, qua đó thu hút du khách đến tham dự thì vẫn chưa được quan tâm đúng hướng.

Chính vì vậy, năm nay huyện Đồng Văn quyết định tổ chức lễ hội chọi dê lần thứ nhất, được tổ chức vào ngày 16.3 tại xã Ma Lé. Đây cũng là hoạt động gắn với lễ Gầu Tào - một phong tục truyền thống ở đây.

Tham gia hội năm nay có 24 chú dê, được tuyển chọn từ nhiều đàn dê khác nhau trong huyện, nhưng tập trung tại các địa phương có truyền thống nuôi dê như xã Lũng Cú, Lũng Táo, Sính Lủng, Ma Lé…

Các chủ dê bốc thăm để phân cặp thi đấu ở 3 hạng cân khác nhau: Hạng thứ nhất từ 25-30kg; hạng thứ hai từ 31-35kg và hạng cân từ 40-45kg.

Các “đấu sĩ” dê phải vượt qua những yêu cầu khá chặt chẽ của BTC: Dê có tuổi đời từ 3 tuổi trở lên, vóc dáng nhanh nhẹn, khỏe mạnh; dê có nguồn gốc rõ ràng, sống tại địa phương và được cán bộ thú y xã thẩm định kỹ lưỡng, tuyệt đối không mang dịch bệnh.

Dê là loài vật rất quen thuộc với đồng bào miền núi Đồng Văn, hằng ngày theo bà con lên nương kiếm lá rừng, cỏ dại với những tiếng kêu quen thuộc, hiền lành. Thế nhưng khi lên sới chọi, chú dê nào cũng thể hiện sự dũng mãnh của mình, với những màn đánh đầy kịch tính rất hấp dẫn.

Tuy phải thi đấu dưới “sức ép” của hàng ngàn khán giả, các đấu sĩ dê vẫn không tỏ ra sợ hãi mà bản lĩnh thi triển những đòn thế của mình. Trực tiếp xem các đấu sĩ dê thi đấu mới cảm nhận sự thú vị, không hề thua kém chọi trâu, đấu ngựa, chọi gà.

Trao giải cho các chủ dê. 

 

 Những miếng đánh kịch liệt.

Trong các trận đấu, dê chọi cũng tung rất nhiều ngón đòn hiểm hóc nhắm vào đối phương, những đòn truyền thống thường được các đấu sĩ dê sử dụng là đòn hổ lao; đòn tung vó hổ vồ uy lực; đòn khóa sừng đối thủ...

Nhưng ở một số trận đấu, khán giải được nhiều phen cười nghiêng ngả bởi thay vì những miếng đánh uy dũng, có chú dê lại chọn cho mình cách luồn ra sau để nhảy lên lưng đối thủ, theo đúng bản năng của mình...

Không giống như chọi trâu ở miền xuôi hay chọi bò, ngựa của các dân tộc khác, ở hội chọi dê, các trận đấu dù có căng thẳng, kéo dài đến mấy nhưng dê đều không hề bị thương.

Điều đặc biệt tại lễ hội chọi dê Đồng Văn, dù thắng hay thua các chú dê đều không bị giết thịt mà trở về đàn tiếp tục sinh sống. Cũng chính nhờ đó, người dân sẽ có ý thức chăm sóc bảo vệ vật nuôi trong gia đình, phát hiện và bảo tồn nguồn gene dê quý để nhân rộng.

Đông đảo bà con nhân dân tham gia lễ hội. 
 Dù thắng hay thua, dê chọi đều không bị xẻ thịt bán.

Sau một ngày diễn ra lễ hội với những trận đấu căng thẳng, dê của xã Tà Phìn đoạt giải nhất ở hạng cân 40-45kg; xã Ma Lé giải nhất hạng 30-35kg và hạng 25-30kg thuộc về xã Lũng Cú.

Ngoài việc trao cờ lưu niệm cùng tiền thưởng cho các chủ dê đoạt giải nhất, nhì và ba, BTC còn hỗ trợ 100 ngàn đồng để động viên, khuyến khích cho mỗi chủ dê thua cuộc ở vòng loại.

Anh Ly Mí Pó - chủ dê xã Ma Lé, vừa đoạt giải nhất - phấn khởi cho biết: “Đàn dê nhà mình có trên 50 con, năm nào mình cũng mang dê đi đấu ở các bản trong xã. Con dê này được mình hơn 3 năm, nó khỏe lắm, chẳng con nào trong đàn húc lại được nên mình chọn đi thi. Năm tới chắc chắn mình sẽ tiếp tục tham gia hội chọi dê của xã”.

Cân tài, cân sức. 

Hội chọi dê huyện Đồng Văn – 2014 đã tạo ra không khí sôi nổi, vui tươi và để lại ấn tượng tốt đẹp trong lòng đông đảo bà con nhân dân. Ông Phạm Hồng Việt – Bí thư Đảng ủy xã Ma Lé, thành viên BTC - cho biết: “Hội thi chọi dê được huyện Đồng Văn tổ chức lần đầu tiên đã thành công và sẽ được diễn ra hằng năm vào dịp đầu xuân.

Qua hội chọi dê lần này sẽ khuyến khích bà con phát triển chăn nuôi gia súc, sản xuất nông nghiệp, thúc đẩy xóa đói, giảm nghèo.

Đặc biệt, từ thành công của lễ hội sẽ tạo bước đột phá trong các hoạt động văn hóa thể thao, góp phần phát huy các giá trị truyền thống của đồng bào các dân tộc, góp phần thu hút khách du lịch đến địa phương”.