Mới đây, lần đầu tiên tại Việt Nam, Hội Những người bạn thực dưỡng đã tổ chức sự kiện “Ngày hội thực dưỡng” nhân dịp ra mắt seri sách kỹ năng sống “Những chàng trai huyền thoại” của Ohsawa với sự tham gia của nhiều chuyên gia thực dưỡng đến từ Nhật Bản, Australia và Đại học Y Hà Nội. Nhân sự kiện này, Báo Lao Động đã có cuộc phỏng vấn ông Ando Yosuhiro - chuyên gia thực dưỡng của Hiệp hội Nippon CI Nhật Bản, người đã tiếp thu triệt để phương pháp thực dưỡng Ohsawa và trực tiếp tham gia sự kiện này.
Thưa ông Ando, ông đã bay từ Nhật sang để tham dự cuộc tọa đàm, cơ duyên nào khiến ông biết tới sự kiện này và phong trào thực dưỡng ở Việt Nam?
- Tôi có cô em vợ làm việc cho Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội nên tháng 10 năm ngoái vợ chồng tôi đã sang thăm và nhân tiện cô ấy giới thiệu cho chúng tôi cửa hàng thực dưỡng của chị Ngọc Trâm. Ở đó tôi thấy trưng bày rất nhiều sách của Ohsawa, trong đó có cuốn quan trọng nhất của ông là “Vô song nguyên lý của nền triết lý và khoa học cực Đông” dịch từ tiếng Pháp. Lúc ấy chúng tôi thực sự ngạc nhiên là người Việt Nam cũng theo thực dưỡng nhiều đến thế. 
Tôi đoán có lẽ do thực phẩm và môi trường bây giờ đã bị ảnh hưởng và hủy hoại bởi nhiều hóa chất. Năm 1930, Ohsawa lần đầu tiên sang Việt Nam, khi đó đất nước các bạn vẫn còn nằm trong ách thống trị của thực dân Pháp và Ohsawa là một trong số những nhân vật chống chiến tranh tích cực nhất. 
Đất nước Nhật Bản cũng từng trải qua chiến tranh nên ông cũng rất muốn truyền bá tư tưởng triết học thực dưỡng ở Nhật Bản và cả Việt Nam nữa. Tôi cũng vậy, vì người Nhật đã từng tham gia chiến tranh ở Việt Nam nên dù thế nào tôi cũng cảm thấy dân tộc tôi có lỗi trong đó và rất muốn góp phần chuộc lỗi bằng cách mong muốn tất cả người dân Việt Nam khỏe mạnh. Vì thế tôi mong mình cũng được góp phần phát triển phong trào thực dưỡng ở Việt Nam.
Thực ra đa phần người Việt vẫn chưa hiểu rõ khái niệm này. Thậm chí họ còn nhầm thực dưỡng là thực phẩm chức năng. Vậy ông có thể nói rõ thực dưỡng khác ăn chay theo cách nhà Phật và ăn kiêng ở điểm nào?
- Thực dưỡng ở Nhật còn được gọi là Y đạo, cũng giống như Trà đạo, Hoa đạo và Thư đạo vậy. Gọi Thực dưỡng đạo cũng đúng. Ohsawa đã nói sứ mệnh của Thực dưỡng đạo không phải chỉ để chữa bệnh mà là tạo ra nỗ lực từng giờ từng phút để bảo vệ sức khỏe. Ngày nay người Nhật không dùng khái niệm “Thực dưỡng” mà sử dụng từ Macrobiotics du nhập từ Mỹ. Từ gốc ở Nhật là “Ăn đúng cách”, nhưng vì trước đây Ohsawa từng viết những cuốn sách về thực dưỡng đầu tiên bằng tiếng Pháp và thoạt đầu truyền bá nó cho người phương Tây nên ông cũng dùng luôn từ Macrobiotics cho thuận tiện. 
Tôi thấy mặc dù ở nhiều nước người dân đã áp dụng thực dưỡng nhưng chỉ ở Việt Nam là truyền đạt đúng nhất từ này. Thực dưỡng chỉ đơn giản là “ăn đúng cách” vì Ohsawa cho rằng, nguồn gốc của con người chính là thức ăn. Thực dưỡng không chỉ đơn thuần là ăn thứ gì để tốt cho sức khỏe, mà phải hiểu tư tưởng triết học của nó. Và Ohsawa đã viết tới hơn 300 cuốn sách không phải chỉ để đưa ra vài công thức thực phẩm.
Thực dưỡng khác ăn kiêng ở chỗ khi người ta muốn giảm cân thì sẽ ăn kiêng, trong đó có nhiều cách như chỉ ăn thịt động vật mà không ăn rau, không ăn trái cây, ngũ cốc, hoặc chỉ uống nước mía và ớt xay, có người nhịn ăn mà uống giấm, có người chỉ ăn trái cây. Những cách ăn kiêng đó đương nhiên có thể giảm cân nhưng không hề tốt cho sức khỏe. Trong đạo Phật thì có trường phái ăn thịt và trường phái ăn chay, còn thực dưỡng thì được xếp theo 10 thang thức ăn tùy theo từng giai đoạn của sức khỏe và cách ăn cao nhất trong thực dưỡng là ăn theo số 7, thì hoàn toàn không có thịt động vật. 
Bây giờ những người Nhật theo thực dưỡng vẫn ăn tôm cua cá. Ohsawa cho rằng ăn uống là phải cân bằng âm dương, nói theo khoa học hiện đại thì là cân bằng kiềm và axit. Vì vậy, khi ăn uống nên chọn những món ăn đúng cho cân bằng hoạt chất trong cơ thể. Người Việt Nam giống người Nhật ở chỗ là ăn rất nhiều thịt và đồ ngọt. Tôi sang Việt Nam thấy ở đâu cũng bán thịt, mặc dù đây là một đất nước lúa gạo. Thật đáng tiếc vì các bạn vẫn chưa khai thác hết tiềm năng của ngũ cốc vào trong thực đơn hằng ngày của mình.
Ông vừa nhắc đến Y đạo và tính triết học trong thực dưỡng, vậy thực dưỡng đã được coi là một phần của văn hóa Nhật Bản?
- Hiện tại ở Nhật có rất nhiều nhà hàng nấu những đồ ăn thực dưỡng cho khách. Còn về tính triết học của phương pháp Ohsawa thì có nhiều khía cạnh. Trong đó để đạt được trình độ cao nhất của thực dưỡng thì sự kiên trì và chính xác về mặt thời gian luôn là điều quan trọng. Vụ thảm họa hạt nhân của Nhật Bản cũng là kết quả của những sai lầm về thời gian. Và tôi nghe nói Việt Nam cũng chuẩn bị xây dựng nhà máy điện hạt nhân. 
Tôi cũng quan ngại về vấn đề này khi mà người Nhật có tiếng về chính xác thời gian mà còn như vậy, trong khi đối với người Việt thì tôi biết rằng chưa được quá chặt chẽ về thời gian. Lúc sinh thời George Ohsawa luôn có ý thức đảm bảo thời gian và từ đó tinh thần của Thực dưỡng học là “Thời gian chính là sự sống của vũ trụ và của chính các bạn, lãng phí thời gian hay sử dụng thời gian không hợp lý đồng nghĩa với việc giết những người xung quanh và giết chết chính mình.”
Ông thấy gì qua sự kiện Ngày hội thực dưỡng vừa rồi?
- Tôi không ngờ người Việt Nam quan tâm nhiều đến thực dưỡng như vậy. Tôi đến Việt Nam lần này là lần thứ ba, cũng tiếp xúc với nhiều người theo phương pháp Ohsawa và thấy họ có nhiều kiến thức về thực dưỡng. Sau khi Việt Nam thống nhất thì những người theo thực dưỡng Việt Nam vẫn gửi thư đến trung tâm Macrobicotics ở Nhật Bản (Hiệp hội Nippon CI) vào ngày sinh, ngày mất của Ohsawa. Phong trào thực dưỡng Việt Nam cũng được nhắc nhiều trên báo Nhật. Ở Nhật Bản thì những người theo vẫn còn duy trì những thực phẩm mang lại sự ngon miệng, nhưng người Việt thì chủ yếu chỉ ăn gạo lứt nên tôi thấy các bạn rất có cái tâm đối với thực dưỡng.
Tôi thấy thật tuyệt vời khi người Việt Nam có thể nỗ lực tổ chức một chương trình thực dưỡng với hơn 500 người tham gia, trong khi ở Nhật thì chưa bao giờ có một sự kiện như thế. Các diễn giả rất tuyệt vời, họ đã giải thích thực dưỡng theo cách khoa học. Nhưng phần lớn những người đến dự sự kiện chỉ quan tâm đến chủ đề duy nhất là làm thế nào để chữa được ung thư. Thường người bệnh khi không chữa được theo y học hiện đại thì họ tìm đến thực dưỡng để có thể kéo dài thêm tuổi thọ. 
Đây là tâm lý thông thường. Nhưng lý tưởng nhất là có thể theo đuổi thực dưỡng ngay từ lúc còn khỏe mạnh. Ohsawa đã nói rằng, con người muốn có hạnh phúc thì cần phải có sức khỏe và muốn có sức khỏe cần phải ăn đúng cách ngay từ khi còn trẻ chứ không phải chờ đến lúc có bệnh. Tuy nhiên sẽ không bao giờ là muộn khi ăn đúng, vì tôi đã chứng kiến nhiều người đã khỏi bệnh nan y hoàn toàn nhờ ăn theo thực dưỡng. 
Tinh thần của Ohsawa là “Thực dưỡng là y học tự nhiên”, luôn tôn trọng giữ gìn tối đa những gì đến từ tự nhiên, mà y học tự nhiên phải là nguồn tri thức, trí tuệ của những trải nghiệm trong tất cả mọi gian truân của đời sống. Vì thế người theo thực dưỡng không nên hỏi người khác rằng ăn cái này hay cái kia là tốt, mà nên đọc sách để tự học và tự thực hành, đó cũng là nguyên lý của thực dưỡng.
- Xin cảm ơn ông!
Di Li/ Theo Lao động