Forbes vinh danh 2 nữ CEO Việt

Theo bảng xếp hạng 50 nữ doanh nhân có thành tích tốt nhất châu Á năm 2013 của Forbes, Việt Nam có hai đại diện góp mặt. Đó là bà Mai Kiều Liên - Chủ tịch kiêm CEO Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk), xếp thứ 27 và bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang, xếp thứ 31.

46.8058

Forbes bình luận Vinamilk là một trong những thương hiệu có lợi nhuận cao nhất Việt Nam, đồng thời là blue-chip trên sàn chứng khoán. Kể từ khi niêm yết năm 2006, Vinamilk đã tăng trưởng đều đặn cả về doanh thu và lợi nhuận.

Tuy 2012 là năm khó khăn với hầu hết các công ty Việt Nam, doanh thu Vinamilk vẫn tăng 23% lên 1,3 tỷ USD. Trong khi đó, lợi nhuận ròng tăng gần 40% lên 280 triệu USD. Bà Mai Kiều Liên đang nỗ lực đưa sản phẩm của Vinamilk ra thị trường quốc tế và đã xuất khẩu sang 23 nước. 

Bà Mai Kiều Liên - CEO Vinamilk

Bà Mai Kiều Liên khởi nghiệp với tấm bằng kỹ sư công nghệ chế biến sữa từ năm 1976 và đảm nhiệm vị trí Tổng giám đốc Vinamilk từ năm 1992 đến nay.

Vinamilk là doanh nghiệp nhà nước đầu tiên cổ phần hóa, thuộc top công ty có doanh thu, lợi nhuận và vốn hóa lớn nhất Việt Nam. Bà Liên được biết đến là người phụ nữ quyết đoán và có suy nghĩ cấp tiến.

Bà thực hiện việc đầu tư vùng nguyên liệu từ sớm, tiến hành tái cấu trúc công ty và đặt mục tiêu đưa Vinamilk lọt top 50 doanh nghiệp sản xuất sữa lớn nhất thế giới trong 5 năm tới với doanh thu 3 tỷ USD.

Năm 2012, bà được Forbes bầu chọn là một trong 50 nữ doanh nhân quyền lực nhất châu Á.

Bà Phạm Thị Việt Nga - Chủ tịch Công ty Dược Hậu Giang
Forbes cũng khen ngợi kể từ khi gia nhập Dược Hậu Giang năm 1988, bà Phạm Thị Việt Nga đã biến một xí nghiệp bên bờ vực phá sản thành công ty dược lớn nhất sàn chứng khoán Việt.

Dược Hậu Giang hiện sản xuất và kinh doanh hơn 300 loại dược phẩm. Năm 2012, công ty này đạt doanh thu 140 triệu USD. Lợi nhuận ròng tăng 18% lên 24 triệu USD.

Doanh nhân Phạm Thị Việt Nga được bổ nhiệm làm Giám đốc Xí nghiệp Dược Hậu Giang năm 1988. Bà được được mệnh danh là người phụ nữ của thời đại mới, đưa Dược Hậu Giang trở thành thương hiệu dược số một Việt Nam và giành lại thị trường nội địa từ các hãng nước ngoài.

Sinh ra và lớn lên trong kháng chiến, lại chịu tiếng thiệt thòi là ít học, bằng nỗ lực bản thân, bà đã bảo vệ thành công luận án tiến sĩ năm 2003 với đề tài nâng cao khả năng cạnh tranh của công nghiệp dược Việt Nam.

Bà Nga đã được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng thời kỳ đổi mới, nhờ những thành công vượt bậc trong kinh doanh cũng như hoạt động xã hội.

P.V (tổng hợp)
0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]