Nhằm phát huy vai trò đầu tàu, năm 2016 và những năm tới, Hà Nội sẽ chú trọng kiện toàn tổ chức bộ máy và đào tạo nguồn nhân lực. Trước hết, Sở Du lịch sẽ tạo điều kiện xã hội hóa trong đầu tư nâng cao chất lượng nguồn nhân lực ngành du lịch. Đồng thời, thực hiện chuẩn hóa nhân lực du lịch theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề du lịch Việt Nam, đáp ứng các yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đỗ Đình Hồng
Hiện có rất nhiều trường đào tạo nhân lực, cán bộ cho ngành du lịch, nhưng đến nay, ở Việt Nam vẫn chưa có một trường đại học du lịch riêng. Nên chăng, Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có thể nâng cấp trường Cao đẳng Du lịch lên thành đại học để đào tạo cán bộ có kỹ năng bài bản, trình độ chuyên sâu, tư duy quản lý tốt, có tầm nhìn… để du lịch phát triển ngày càng chuyên nghiệp.
Phó Giám đốc Sở VHTT&DL tỉnh An Giang Phạm Thế Triều
Để phát triển và tăng khả năng cạnh tranh, Tập đoàn Mường Thanh đã tự đào tạo nhân lực phục vụ nhu cầu của đơn vị. Chúng tôi có hẳn một chiến lược về phát triển con người. Tập đoàn hiện có hệ thống gồm 35 khách sạn đã đưa vào sử dụng cùng với khoảng 10 khách sạn sẽ khai trương trong 2 năm tới, trong đó có cả ở Viêng Chăn (Lào). Sự phát triển “nóng” ấy khiến Mường Thanh càng phải chú trọng đến yếu tố con người để đáp ứng yêu cầu công việc. Bởi vậy, Tập đoàn đã đào tạo tại chỗ, đào tạo mới, đào tạo lại đội ngũ cán bộ, nhân viên của mình.
Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Mường Thanh Trần Ngọc Lương
|