Giải mã căn bệnh Phubbing

Hãy thử tưởng tượng bạn đang nói chuyện với một ai đó nhưng họ lại cứ dán mắt vào chiếc điện thoại di động. Xin đừng ngạc nhiên bởi người đó đang mắc một căn bệnh rất phổ biến của xã hội hiện đại: Phubbing.

0



Được ghép từ hai từ "phone" (điện thoại) và "snubbing" (phớt lờ), phubbing là một từ mới trong tiếng Anh được sử dụng khá phổ biến ám chỉ hành vi "tập trung chú ý vào các thiết bị di động mà phớt lờ những người xung quanh".

“Nô lệ” của công nghệ

Nhiều chuyên gia xã hội học coi phubbing là một căn bệnh có tốc độ lây lan chóng mặt vì ngày càng có nhiều người sở hữu và sử dụng các thiết bị kỹ thuật số thông minh.

Chỉ với tuổi đời ngắn ngủi, điển hình là iPhone (6 năm) và iPad (3 năm), thị trường điện thoại thông minh và các thiết bị kỹ thuật số cầm tay đã có sự phát triển vô cùng ấn tượng. Bên cạnh những tiện ích ưu việt không thể chối cãi thì chúng cũng đang thay đổi đời sống xã hội loài người một cách tai hại.

Omar Al Busaidy, 27 tuổi, sinh viên ở California (Mỹ) cho biết từ khi sở hữu một chiếc điện thoại thông minh, cuộc sống của anh đã có nhiều xáo trộn. "Chiếc điện thoại thông minh mang lại cho tôi rất nhiều tiện ích. Tôi có thể xem phim, nghe nhạc, giao tiếp với rất nhiều người mà không cần gặp trực tiếp. Tuy nhiên, việc quá lệ thuộc vào nó đang khiến tôi ngày càng xa cách với gia đình. Lâu lắm rồi tôi không nói chuyện trực tiếp với em gái. Đã đến lúc tôi cần phải quay trở lại cuộc sống bình thường", anh Omar chia sẻ.

Chưa có thống kê đầy đủ nào về căn bệnh phubbing nhưng theo một cuộc thăm dò mới đây của Trung tâm nghiên cứu Pew, hơn một nửa người Mỹ (55%) sở hữu một chiếc điện thoại thông minh với đầy đủ tính năng gây xao nhãng. Năm 2011, tác giả Sherry Turkle đã xuất bản cuốn sách với tựa đề Alone together (Đơn độc ở cạnh nhau), trong đó có những nghiên cứu định lượng về "tại sao chúng ta chờ đợi nhiều hơn ở công nghệ, nhưng lại lạnh nhạt hơn với nhau".

"Hãy nói không với Phubbing"

Là tên của chiến dịch do Alex Haigh, 23 tuổi, sinh viên mới tốt nghiệp sống ở Melbourne, Australia khởi xướng. Alex đã phát động chiến dịch trên trang web Stop Phubbing nhằm kêu gọi mọi người chống lại căn bệnh nghiện công nghệ kỹ thuật số đang lan nhanh trên toàn cầu. Ngay sau khi phát động, chiến dịch đã nhận được sự ủng hộ rộng rãi từ khắp nơi trên thế giới.

"Mỗi lần đi ăn hay uống cà phê ở bên ngoài, tôi đều dành nhiều thời gian để quan sát hành động của những người xung quanh. Điều đáng buồn là tôi đã chứng kiến rất nhiều người đi cùng nhau nhưng lại không nói chuyện với nhau một câu nào. Thay vào đó, họ chỉ chăm chăm dán mặt vào chiếc điện thoại thông minh của mình. Căn bệnh Phubbing đang ngày càng trở nên tệ hại khi nó ngăn cản những kết nối thật sự giữa con người với con người", Alex bức xúc.

Những khẩu hiệu thường thấy trên trang web Stop Phubbing như: "Trong khi bạn cắm cúi cập nhật trạng thái của mình thì chúng tôi xin vui lòng phục vụ những người lịch sự khác không chúi mặt vào điện thoại như bạn", "Không Twitter, không Facebook, không Instagram: tôn trọng đồ ăn, âm nhạc và người bạn đi cùng" được rất nhiều bạn trẻ yêu thích và hưởng ứng.

Tuy nhiên, nhiều chuyên gia dự đoán, căn bệnh Phubbing sẽ còn tăng mạnh khi việc sử dụng Internet bằng điện thoại đang tăng trưởng mạnh và việc truy cập mạng toàn cầu qua máy tính ngày càng lỗi thời. Công bố của Mobility (Ericsson) mới đây cho thấy, tính đến quý I/2013 đã có 90% dân số toàn cầu sử dụng điện thoại di động và số đăng ký thuê bao điện thoại hiện vào khoảng 6,4 tỉ, xấp xỉ dân số thế giới.

Theo Giang Ly
Thế giới & Việt Nam

______________________________________

*Mọi liên hệ về bài tin với chuyên mục Khoa học, xin gửi đến

email:

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]