GS Trần Văn Khê (sinh năm 1921) là nhà nghiên cứu văn hóa, âm nhạc cổ truyền nổi tiếng Việt Nam. Con trai ông - GS.TS Trần Quang Hải  (SN 1944) cũng theo nghiệp cha và đạt được những thành công rực rỡ. Tuy nhiên ít ai biết rằng, trước đây, niềm đam mê của GS Hải không phải nhạc cổ truyền. 
Cuộc gặp làm thay đổi cuộc đời
GS Trần Văn Khê vốn sinh ra trong gia đình có truyền thông đờn ca tài tử ở vùng sông nước Nam Bộ. Tuy nhiên, lựa chọn nghề nghiệp ban đầu của GS Khê không phải theo nghiệp gia đình, ông từng là sinh viên Đại học Y Hà Nội những năm 1940. 
"Cha mẹ đừng lấy cái quyền áp đặt, bắt con phải thế này thế kia và dùng đòn roi để trừng phạt vì sẽ gây phản tác dụng mà phải giải thích cho chúng hiểu. Tôi nghĩ rằng khi cha mẹ giải thích hợp tình, hợp lý và dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, các cháu sẽ nghe lời".
Khi nạn đói xảy ra trên cả nước, ông quyết định bỏ học, thành lập gánh hát rong kiếm tiền mua thức ăn phân phát cho người nghèo. Năm 29 tuổi, sau khi bán cây đàn piano được một ít tiền, ông mua vé tàu qua Pháp tìm cơ hội học tập và làm việc. 
Tại đây, ông làm đủ thứ nghề: dịch văn bản luật, lồng tiếng cho phim, đóng phim, đàn hát tại các nhà hàng để kiếm sống. Mãi sau này, bị nhiễm lao nặng, phải nằm viện suốt 3 năm, ông mới ngẫm nghĩ về sự gắn bó với lĩnh vực nghệ thuật dân tộc mà ông được nuôi dưỡng từ bé, để rồi quyết định chọn đó làm hướng đi, sự nghiệp cả đời mình.
Người con cả của GS Khê là GS TS Trần Quang Hải hiện đang ở Pháp. Vợ ông là danh ca Bạch Yến. Tiếp tục sự nghiệp của cha, hơn 40 năm qua, GS Hải đã miệt mài giới thiệu âm nhạc Việt Nam, qua khoảng 3.000 buổi nó chuyện tại hơn 65 quốc gia. 
Ngày còn trẻ, GS Hải từng có ước mơ trở thành nghệ sĩ độc tấu violon nổi tiếng thế giới. Ông dành hết mọi sức lực để biến ước mơ đó trở thành sự thật. Cũng như chọn trường Y của mình năm nào, GS Khê dù rất muốn cậu cả nối nghiệp nhưng không hề ép buộc con. 
"Người phát hiện tôi đi sai đường chính là cha tôi. Ông biết tôi có ước mơ trên nhưng không cản ngăn chí hướng của con trai, ông khéo léo sắp đặt một cuộc gặp gỡ giữa con mình với GS Yehudi Menuhin, một danh sư nổi tiếng về violon trên thế giới rồi kiên nhận chờ đợi kết qủa từ tôi. GS Yehudi Menuhin kêu tôi trổ tài năng của mình trên cây đàn violon để ông xem. Để không phụ lòng GS, tôi đã chơi một bản nhạc không thể nào hay hơn. 
Tuy nhiên khi kết thúc bản nhạc, GS thẳng thắn dành cho tôi một lời khuyên chân thành. Ông bảo người Pháp không cần có thêm một nhạc công violon gốc Việt khi họ đã có hàng ngàn violonist tầm cỡ. Điều họ cần là một chuyên gia về âm nhạc dân tộc Việt Nam như cha anh là GS. TS Trần Văn Khê. 
Nghe tới đây, tôi thật sự bừng tỉnh. Sau đó tôi đã suy nghĩ rất nhiều và quyết định quay về gặp cha và quỳ dưới chân để xin được thọ giáo dù có hơi muộn, nhưng đó mới là hướng đi đúng đắn của tôi và đúng với giá trị âm nhạc mà đại gia đình đang kế thừa", GS Hải kể.
Nghiêm khắc qua hành động
GS Khê cho biết, việc tôn trọng quyền lựa chọn của con cái được ông thực hiên ngay khi các con còn nhỏ chứ không phải đợi khi chúng đủ tuổi trưởng thành mới cho phép. 
Ông chia sẻ: "Khi tôi mang hai con sang nước ngoài sống, cậu anh có tài học đàn còn cô em có tài nấu ăn. Vì cô em học đàn chậm nên hay bị anh la mắng, quát nạt. Riết rồi con bé không thèm học đàn từ anh nữa, mang cây đàn tới trả cho tôi. Tôi cười và nói với con gái rằng thôi để ba dạy. 
Sau đó, tôi gọi con trai ra nói rằng trời phú cho con trí thông minh, tiếp thu nhanh nên con phải biết thương những người học chậm hơn mình. Từ đó, tình cảm hai anh em gắn bó hẳn. Làm cha mẹ thấy con yêu thương, gắn bó ai cũng vui". 
Kể xong, GS Khê kết luận: "Cha mẹ đừng lấy cái quyền áp đặt, bắt con phải thế này thế kia và dùng đòn roi để trừng phạt vì sẽ gây phản tác dụng mà phải giải thích cho chúng hiểu. Tôi nghĩ rằng khi cha mẹ giải thích hợp tình, hợp lý và dùng những lời lẽ nhẹ nhàng, các cháu sẽ nghe lời. Nếu chúng ta khen, thưởng trẻ đúng lúc thì việc dạy dỗ con không mấy khó khăn".
Tuy nhiên bên cạnh việc tôn trọng con cái (nhu), GS Khê cũng quan niệm việc nghiêm khắc, uốn nắn (cương) trẻ từ sớm là rất nghiêm khắc. 
Đơn cử như giáo sư có một cháu nội, khi cả nhà đang ăn uống, vui chơi, cháu thường tỏ ra bực tức và kiếm một góc ngồi, không thèm nói chuyện với với ai nếu thấy ông nội nựng nịu, nói chuyện nhiều với đứa khác. 
"Tôi hỏi cháu: "Con giận ông hay giận ai?", cháu không trả lời. Thấy vậy, cha mẹ chúng nói: "Thôi ông nội làm hòa, xin lỗi cháu đi!". Thấy con mình thật vô lý vì tôi đâu có lỗi, tôi liền vào nhà lấy hộp kẹo ra chia đều cho mấy cháu còn lại. Điều này càng khiến cháu kia ấm ức. Tôi biết cháu đang tức tối cao độ và bảo cả nhà để mặc. Từ đó, cháu nội tội rất sợ khi bị người lớn dùng hình phạt bỏ rơi vì giận dỗi vô cớ", GS Khê chia sẻ.
Câu chuyện về sự nghiêm khắc khi GS Trần Văn Khê dạy con được tiếp tục: Khi còn giảng dạy ở Pháp, ông thường đến chơi nhà một cậu học trò, vợ chồng anh này có một cô con gái 4 tuổi rất cứng đầu, rất thích quăng đồ chơi và bắt bố mẹ "lúc cúc" đi nhặt về để cô bé... lại quăng đi tiếp. Bố mẹ dọa dẫm, ngọt nhạt, hứa hẹn đủ thứ cũng chỉ làm bé khóc lóc, ăn vạ thêm. 
Sau hai lần quan sát cảnh con ném bố mẹ nhặt, GS Khê đề nghị vợ chồng anh học trò để mình dạy dỗ nhỏ "cứng đầu" này. Khi cô bé ném con búp bê ra cửa bếp , ông bảo: "Lil, đi nhặt búp bê!". Cô bé phụng phịu ngồi yên, ông tiếp: "Lil, nếu không nhặt, ông sẽ quẳng con búp bê của con vào sọt rác".
Cô bé ngân ngấn nước mắt nhưng vẫn ngồi lì. Ông đứng dậy, nhặt con búp bê, làm bộ bẻ chân, bẻ tay rồi quăng thẳng vào sọt rác. Con bé oà khóc nức nở nhưng từ hôm sau không bao giờ quăng đồ chơi nữa hoặc có quăng cũng tự lon ton đi nhặt và đặc biệt là khồng hề sức mẻ chút nào tình cảm với ông Khê. 
"Sai lầm của cha mẹ là chỉ hù dọa bọn trẻ con rồi để đấy, tưởng rằng tụi con nít "yếu bóng vía" sẽ sợ uy mình mà không biết rằng tui nhỏ rất tinh ranh. Vài lần như thế, nó sẽ biết cha mẹ "nói không dám làm" rồi thành nhờn, thậm chí không có niềm tin, hồ nghi vào lời nói của cha mẹ. 
Vì thế, để dạy dỗ con cái, cha mẹ cần chín chắn, hãy suy nghĩ kỹ và chắc chắn với phát ngôn của mình trước khi nó với con, và đã nói là làm để con biết điều đó thực sự là một thông điệp nghiêm túc", GS Khê nói..
Dạy con tiết kiệm
GS Trần Văn Khê cho biết, việc dạy con cái về việc chi tiêu từ sớm cũng rất quan trọng. Ông kể: "Khi con trai qua Pháp học đại học, tôi dạy cho cháu cách tiết kiệm là phải đi học bằng xe đạp. Con tôi không đi xe điện ngầm vì tiền vé tính ra cả năm học hơn tiền mua hai, ba chiếc xe đạp. Thế là cháu quyết định mua xe đạp đi học, tính ra mấy năm học đại học, con tôi tiết kiệm cho ba mẹ được khoản tiền này. 
Học xong đại học, cháu bán lại chiếc xe đạp, tiền bán xe cháu mua quà về nước tặng mẹ". Theo GS Khê, trong chi tiêu hàng ngày của gia đình, việc cha mẹ tiêu pha tiết kiệm, đúng mục đích giúp các con thấy được và học tập dần, từ đó sẽ tự hoạch định được việc tiêu tiền.
Theo Thanh Lam/Gia đình & Xã hội