Theo các nghiên cứu khoa học, một số thức ăn sau đây có khả năng tăng sức đề kháng với các virus và vi khuẩn gây bệnh:

      Tỏi: Có tác dụng rất tốt trong việc giúp hệ thống miễn dịch cơ thể chống lại vi khuẩn, virus do các loại nấm gây ra. Tỏi có chứa các chất allicin, ajoene và thiosulfinates – ba hợp chất này tương tác với nhau giúp cơ thể ngăn chặn các bệnh lây nhiễm, đặc biệt là bệnh cảm cúm trong mùa lạnh. Nước tỏi tươi có tác dụng ngang với kháng sinh trong việc tiệt trùng các vết thương nhỏ. Các bằng chứng thực nghiệm cho thấy, những người ăn một lượng lớn tỏi tươi khi bị thương thì vết thương sẽ mau lành hơn những người không sử dụng tỏi. Đặc biệt, tỏi còn giúp cơ thể sản xuất ra chất interferon – một chất kháng virus, có tác dụng phòng chống một số bệnh ung thư.

      Cà rốt: Chứa rất nhiều chất beta caroten – là hợp chất có tác dụng phòng các bệnh nhiễm khuẩn. Chất này có tác dụng giúp cơ thể tấn công và tiêu diệt các vi khuẩn gây bệnh. Ngoài ra, cà rốt còn chứa chất falcarinol, giúp ngăn ngừa các bệnh ung thư. Nghiên cứu khoa học của các chuyên gia sức khỏe Hà Lan cho thấy, những con chuột mỗi ngày ăn vài miếng nhỏ cà rốt sẽ giảm nguy cơ mắc bệnh ung thư ruột già tới 30% so với những con chuột không sử dụng thức ăn này.

      Rau củ, quả màu vàng đậm: Đó là bí ngô, gấc, cam, quýt…đều tốt cho sức khỏe bởi đây là nguồn thức ăn giàu caroten – tiền vitamin A. Vitamin A rất cần cho việc bảo vệ da và là hàng rào đầu tiên để ngăn ngừa bệnh tật, bảo vệ hệ miễn dịch cơ thể.

      Dưa hấu: Không chỉ là loại quả bổ dưỡng và giải khát tốt, dưa hấu còn chứa chất chống oxy hóa và glutathione, giúp cơ thể phòng chống lại một số bệnh truyền nhiễm. Trong dưa hấu chứa một số vitamin và muối khoáng, có vai trò quan trọng giúp cơ thể phục hồi sức lực.

      Mầm lúa mì giàu chất chống oxy hóa, vitamin B và các khoáng chất có tác dụng giúp cơ thể nâng cao sức đề kháng. Ngoài ra, mầm lúa mì còn giàu chất xơ, protein, chất béo thực vật; phù hợp với những người ở độ tuổi trung niên, đặc biệt là những người thừa cân.

      Khoai lang: Nghiên cứu dinh dưỡng cho thấy, khoai lang là thức ăn lý tưởng đối với nhiều người ở mọi lứa tuổi. Khoai lang chứa protein, mỡ, chất xơ, hydrat cacbon, canxi, phốt-pho, sắt, caroten, acid chống hoại máu và một lượng vitamin B1, B2; có tác dụng rất tốt trong việc nâng cao sức đề kháng của cơ thể để phòng chống bệnh tật. Đặc biệt, khoai lang chứa một lượng protein ở dạng nhầy, có thể duy trì sự đàn hồi của cơ tim và mạch máu, ngăn chặn sự teo mô liên kết của gan và thận, cản trở sự hình thành xơ vữa động mạch đồng thời làm cho lớp mỡ dưới da tiêu giảm.

      Theo Đông y, khoai lang vị ngọt, tính bình, có tác dụng bồi bổ cơ thể, ích khí, cường thận, kiện vị, tiêu viêm, thanh can, lợi mật, sáng mắt; dùng để chữa vàng da, ung nhọt, viêm tuyến vú ở phụ nữ và phụ nữ kinh nguyệt không đều.
      Đông y cũng cho rằng, cà rốt vị cay, tính ấm, có tác dụng, hạ khí, bổ trung, tăng tiêu hóa, tăng sự miễn dịch tự nhiên cho cơ thể và tăng tiết sữa cho thai phụ.

                                                                    Thành Đạt