Khen con thông minh một cách... thông minh

Hãy tiết kiệm lời khen thông minh mà thay thế bằng một lời khen khác có giá trị hơn, các mẹ nhé!

15.599
IQ không đảm bảo cho trẻ thành công

- Em không thấy nó học hành sa sút hay sao mà cứ suốt ngày khen con thông minh thế hả?

- Dạo này có nhiều môn học mới nó chưa quen nên điểm có giảm là bình thường. Với lại nó còn giỏi hơn bao nhiêu đứa trong lớp, anh không thấy à?

- Nhưng hôm nào 7 điểm em cũng khen thông minh, 9 điểm cũng khen thông minh thì làm sao nó cố gắng được?

Cách khen con của người mẹ đã phù hợp chưa? Và, liệu thắc mắc của ông bố có phải là thực tế?

Chúng ta đều biết, trí thông minh bẩm sinh của đứa trẻ là một lợi thế. Tuy nhiên, để học tốt, điều kiện không thể thiếu là sự chăm chỉ. Chăm chỉ là yếu tố có thể cải thiện còn trí thông minh bẩm sinh không thể thay đổi được.

Mẹ khen con thông minh khi con đạt điểm số tốt sẽ làm đứa trẻ hiểu rằng thành quả đó là nhờ sự thông minh. Như vậy, người mẹ đã không giúp con chú trọng đúng mức vào sự chăm chỉ - yếu tố có thể duy trì năng lực của trẻ về lâu dài. Việc người mẹ không đặt ra “chuẩn” thông minh cũng làm cho trẻ dễ thỏa mãn với kết quả đạt được. Khi điểm số tuột dốc, đứa trẻ sẽ nghi ngờ mình không còn thông minh nữa. Và, lời khen của mẹ trở nên sáo rỗng.

Một đứa trẻ thông minh luôn là niềm tự hào cho cả gia đình. Cha mẹ khen con thông minh là điều rất tự nhiên. Nhưng vô tình nó đã ngăn cản niềm tin của trẻ rằng chính nỗ lực mới là yếu tố quyết định thành công.


Ảnh minh họa.

Khen ngợi nỗ lực mới giúp trẻ tiến bộ

Lời khen có thể làm thay đổi nhận thức của trẻ. Thay vì khen: “Con thông minh quá” cha mẹ có thể khen: “Tốt lắm, đó là phần thưởng cho nỗ lực của con”. Điều này sẽ giúp cho trẻ hiểu cha mẹ đánh giá cao nỗ lực của nó thế nào. Nỗ lực không cho phép dễ dàng thỏa mãn. Khi gặp khó khăn, thất bại, trẻ sẽ nghĩ do mình chưa thực sự cố gắng chứ không tìm cách đổ lỗi.

Để lời khen phát huy tác dụng, cha mẹ nên sử dụng đúng mực, không được tùy tiện. Khi quan sát thấy sự tiến bộ, nỗ lực cha mẹ hãy khen ngay lúc đó. Lời khen phải chân thành, cụ thể, trung thực, không khen chung chung, nói quá sự thật. Không nên khen quá nhiều, như vậy lời khen sẽ mất dần giá trị. Lời khen như vậy sẽ là trợ lực thúc đẩy sự tiến bộ của trẻ.

Giúp trẻ tự tìm niềm vui trong mỗi thành quả đạt được

Khen là phương tiện để cha mẹ giúp trẻ có thêm động lực tiến bộ hơn. Tuy nhiên, nếu không khéo trẻ sẽ coi lời khen là mục đích, làm việc để được khen. Như vậy, trẻ sẽ không tìm được niềm vui thực sự trong sự cố gắng của mình. Trong những môi trường thiếu sự khen ngợi thì trẻ sẽ không còn động lực phấn đấu.

Tự tìm thấy niềm vui trong mỗi thành quả của sự cố gắng là thái độ mà cha mẹ cần rèn luyện cho trẻ. Trong cách khen ngợi con, cha mẹ không nên so sánh với trẻ khác. Sự so sánh hơn thua với đứa trẻ khác chính là nguồn gốc sinh ra tự cao hay ghen tỵ.

Cha mẹ hãy chia sẻ với con niềm vui, hạnh phúc của chính mình khi làm được việc tốt, khi sự nỗ lực của mình mang lại thành quả. Hãy cho trẻ thấy cha mẹ làm việc vì tìm được niềm vui trong những kết quả tốt chứ không vì lời khen. Tấm gương đó sẽ giúp trẻ noi theo trong mỗi bước học hỏi trưởng thành.



Nếu cha mẹ không biết cách, càng khen con sẽ càng hư.


0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]