Khởi nghiệp từ cơm

CafeLand – Tuổi trẻ, quyết tâm, đầy hoài bão và có một tình yêu với cơm Việt Nam là tất cả những gì tạo nên thành công cho họ. Kinh doanh ẩm thực kết hợp 2 phong cách truyền thống và hiện đại nhằm mang lại những khẩu vị phong phú cho mọi người. Đồng thời đây là cách để những doanh nhân Việt xây dựng và khẳng định sức mạnh của thương hiệu Việt.

15.5929

Nguyễn Bá Quốc - Bỏ nhựa theo cơm

Quyết tâm theo đuổi ước mơ Nguyễn Bá Quốc (1990) quyết định từ bỏ mọi lời mời hấp dẫn để tìm hướng kinh doanh mới của riêng mình. Ý tưởng kinh doanh vô tình đến với Quốc trong một lần đi ăn trưa, Quốc tự hỏi: vì sao thức ăn nhanh tại Việt Nam có giá cao, trong khi ở nước ngoài lại rất rẻ? Tại sao chưa có thương hiệu thức ăn nhanh đúng nghĩa của người Việt? Câu hỏi này đánh thức "máu kinh doanh" trong người, Quốc nảy ra ý tưởng xây dựng mô hình kinh doanh thức ăn nhanh với món cơm kẹp.

Nhanh chóng bắt tay vào hiện thực hóa ước mơ, chỉ vài tháng sau đó mô hình AppeRice ra đời. Mô hình cơn kẹp AppeRice khá đơn giản: Một kiốt với diện tích từ 5-15 mét vuông và mức vốn ban đầu từ 50 - 100 triệu đồng/kiốt. Mô hình đơn giản vì thế dễ phát triển điểm bán, điểm đặc biệt của AppeRice là cơm kẹp với nhiều loại nhân thịt gà, heo và rau sạch, nước sốt.

Đối tượng chính của AppeRice là đại đa số người dân như: học sinh, sinh viên, công nhân, người lao động…Theo tính toán ban đầu thì sau 3 tháng điểm bán có thể bắt đầu có lãi và sau 6- 9 tháng có thể thu hồi vốn đầu tư.

Để AppeRice hoạt động theo đúng tiến độ Quốc đã đầu tư nhập khẩu một dây chuyền công nghệ khá hiện đại có giá trị khoảng 500 nghìn USD nhằm giải quyết vấn đề vận tải, lưu kho. Thách thức lớn nhất của AppeRice, cũng như nhiều chuỗi bán thức ăn nhanh khác là vấn đề quản lý chất lượng từng sản phẩm tới tay người tiêu dùng theo đúng tiêu chuẩn: nóng sốt, hương vị thơm ngon và bổ dưỡng.

Đến nay AppeRice đã có 14 điểm bán hàng ở TP.HCM. Theo kế hoạch, cứ 3 ngày mở 1 điểm và 1 tháng phải có 10 điểm mới và trong 5 năm tới, cơm kẹp AppeRice sẽ phát triển ra quốc tế và thị trường châu Âu, đây là điểm ngắm đầu tiên của Nguyễn Bá Quốc.

Nguyễn Thành Dương- biến cơm thành bánh

Nếu nhưng Nguyễn Bá Quốc chọn TP.HCM làm nơi khởi nghiệp đầu tiên thì Nguyễn Thành Dương (1986) - giám đốc Công ty VietMac lại chọn Hà Nội làm nơi khởi nghiệp của mình.

Ý tưởng đến với anh bất ngờ trên một chuyến bay của Hãng hàng không Singapore Airlines: cơm được ép thành bánh kẹp nhân thịt. Sau khi thưởng thức xong, Dương đã tìm thấy cho mình một cơ hội kinh doanh thức ăn nhanh thú vị dành cho dân văn phòng.

Nhanh chóng bắt tay vào thực hiện ý tưởng đó nhưng Dương đã gặp phải không ít vướng mắc. Đặc biệt là làm sao để món cơm kẹp có độ kết dính và dai để đảm bảo khi cầm ăn bánh cơm không bị gãy và món cơn kẹp sản xuất theo quy trình nên chất lượng gạo phải ổn định, tuyệt đối không có sạn.

Không có kinh nghiệm trong chuyện bếp núc Dương phải nhờ đến nhiều người trong lĩnh vực đầu bếp nhưng không kiếm được nhiều lời khuyên vì “đối với họ nó quá mới lạ”.

Tình thế buộc Dương phải tự mình tìm hiểu cách làm ra món cơm này. Dương phải bay đi nhiều lần sang Singapore và cả Malaysia để tìm hiểu kỹ về loại bánh cơm này.

Dương đã thử nghiệm nhiều loại gạo khác nhau, chỉ đến khi thử nghiệm loại gạo thứ 30 kết quả mới đạt như mong đợi. Lúc này, Dương thật sự hạnh phúc và vui sướng khi những chiếc bánh đầu tiên ra lò, mọi người dùng thử ai cũng tấm tắc khen ngon.

Mô hình VietMac là mô hình kinh doanh thức ăn nhanh rất đặc trưng tại Việt Nam, tương tự như món hamburger nhưng thay vì bánh mì thì sẽ là cơm ép dẻo với nhiều khẩu vị khác nhau, khách hàng tha hồ lựa chọn. Đồng thời, trong một suất cơm kẹp VietMac có ít nhất 3 loại rau tươi để đảm bảo khẩu vị lành mạnh cho khách hàng.

Khởi đầu công việc kinh doanh bằng nhiệt huyết tuổi trẻ, lòng đam mê kinh doanh, giờ đây thương hiệu VietMac được định giá lên đến 2,25 triệu USD.

Hiện nay, VietMac đã có 6 cửa hàng tại Hà Nội và Dương sẽ phát triển thương hiệu cơm kẹp VietMac theo hướng nhượng quyền thương hiệu trong thời gian tới.

Ngày 01/2/2012, cơm kẹp VietMac bắt đầu khai trương cửa hàng đầu tiên tại TP.HCM mở đầu cho công cuộc chinh phục miền đất hứa trong Nam. Cùng với việc lần đầu tiên xuất hiện tại TP HCM, cơm kẹp VietMac cũng cho ra đời một bộ sản phẩm hoàn toàn mới với 27 vị cơm kẹp đảm bảo sự lựa chọn phong phú cho khách hàng.

Với mong muốn xây dưng một sản phẩm mang khẩu vị thuần Việt, có lợi cho sức khỏe, tiện dụng là những gì mà sản phẩn cơm kẹp VietMac muốn chinh phục người tiêu dùng.

Duy Tran- chàng Việt Kiều mê món ăn Việt

Duy Tran không sinh ra ở Việt Nam nhưng mang dòng máu Việt. Bố mẹ đều là người Đà Nẵng nhưng Duy sinh ra ở Hong Kong và lớn lên tại Mỹ.

Sớm nhận ta mình không phù hợp khi theo học ngành quản trị kinh doanh, Duy sớm từ bỏ sự nghiệp học tập và ghi danh theo học trường dạy nấu ăn Le Cordon Bleu với ước mơ cháy bỏng mở nhà hàng mang tên mình.

Có khiếu nấu ăn thừa hưởng từ người mẹ, Duy nhanh chóng học tốt các món ăn được dạy tại trường. Khi bước vào tuổi 24, chàng đầu bếp trẻ đã khai trương "đứa con tinh thần" đầu tiên vào tháng 9/2012 ở thành phố Somerville, bang Massachusetts, Mỹ. Nhà hàng mang tên DooWee&Rice, bắt nguồn từ cách phát âm tên của cậu "Doo-Wee".

Không gian tại DooWee&Rice là một nơi nhỏ xinh, bày trí đơn giản với gam màu đỏ làm chủ đạo. Thực đơn ngoài những món ăn nước ngoài đơn giản thì không thể thiếu các món ăn Việt Nam. Điểm nhấn của các món ăn này là nguyên liệu tươi ngon, giàu chất dinh dưỡng.

Cơm là món ăn chính mà Duy muốn mang đến các thực khách của mình, từ cơm gà, cơm thịt lợn nướng đến cơm thịt lợn kho. Tất cả các loại cơm đều có salad, bánh mì và nước sốt nóng ăn kèm, Duy đã kết hợp khẩu vị giữa Đông - Tây cho mỗi thực khách của mình.

Ngoài cơm thì các món bún Việt ở DooWee&Rice cũng khá phong phú, với bún thịt nướng, bún chả giò, bún bò, bún riêu. Ngoài ra, DooWee&Rice còn phục vụ các món ăn nhẹ như tim gà xào tỏi ớt, nem cuốn, bánh bao với nhiều loại nhân và đủ loại nước sốt khác nhau. Nộm mực, bít tết, khoai tây chiên là những lựa chọn khác hấp dẫn.

Trong thời gian tới Duy sẽ bổ sung những món ăn Việt vào thực đơn của nhà hàng, vì đối với Duy “ẩm thực còn là tình yêu với Việt Nam”.  "Việt Nam có những món ăn ngon và bổ dưỡng nhất trong nền ẩm thực châu Á", Duy nhận xét.

Thực đơn phong phú, không gian ấn cúng đó là phong cách mà ông chủ trẻ tuổi của DooWee&Rice mong muốn biến nơi này thành không gian ẩm thực dành cho tất cả mọi người, "Nếu bạn đói, và không đủ tiền... hãy cứ đến đây"!

Mỹ Linh (TH)

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]