Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê từ sơ sinh, cai sữa đến xuất bán

0

Kỹ thuật chăm sóc, nuôi dưỡng dê toàn tập từ dê sơ sinh, đến cho dê cai sữa và xuất bán dê thịt .

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê từ sơ sinh đến cai sữa

Giai đoạn bú sữa đầu ( từ sơ sinh đến 7 ngày tuổi)

  • Sau khi đẻ, dùng khăn sạch, khô, mềm lau toàn bộ cơ thể dê con.
  • Cắt rốn: dùng tay trái cầm cuống rốn, kẹp rốn giữa ngón cói và ngón trỏ của tay phải đồng thời vuốt nhẹ theo hướng ra ngoài, dùng dây chỉ chắc thắt chặt cuống rốn cách bụng khoảng 4 -5cm , sau đó dùng kéo cắt cuống rốn phía ra ngoài cách nút chỉ 1,0 – 1,5cm và sát trùng vết cắt bằng cồn i ốt 5% hoặc nước oxy già.
  • Sau khi đẻ 20 – 30 phút cho dê con bú sữa đầu không được để chậm hơn. Có thể cho bú trực tiếp hoặc bú bằng bình, mỗi ngày 3 – 4 lần.
  • Bố trí ổ lót bằng rơm rạ mềm, khô cho dê con nằm. Nếu trời lạnh cần sửa ấm cho dê con.
  • Nếu dê con yếu, cần vắt sữa ra bình cho dê bú. Nếu dê mẹ không cho con bú, phải ép cho bú bằn cách giữ chặt dê mẹ, vắt bỏ những tia sữa đầu rồi vắt sữa vào miệng dê con. Làm mấy lần cho đến khi dê mẹ quen và cho con bú.

Giai đoạn bú sữa thường ( từ 7 ngày tuổi đến cai sữa)

  • Giai đoạn này có thể kéo dài 3 tháng, hoặc hơn, tùy theo hướng sản xuất. Nếu nuôi dê để khai thác sữa, nên cái sữa lúc 3 tháng tuổi. Ở những dê mẹ năng suất sữa thấp và nuôi lấy thịt, có thể cho dê con bú đến tháng thứ 4 hoặc thứ 5.
  • Có thể cho dê con bú trực tiếp, bú bình hoặc vắt sữa ra chậu cho dê con ăn, mỗi ngày 2 – 3 lần. Sữa vắt ra cho ăn ngay. Dụng cụ chứa sữa (bình, chậu) phải sạch sẽ.
  • Từ tuần tuổi thứ 3, tập cho dê con ăn các loại thức ăn dễ tuieeu, chất lượng tốt : cỏ non phơi tái, cỏ khô sạch, bột cám, bột ngô, bột đậu tương rang…
  • Lượng sữa và thức ăn tinh hàng ngày cần cho một con như sau:

    + Dưới 3 tuần tuổi : 400 – 600 g sữa

    + Từ 22 – 42 ngày tuổi : 500 – 600 g sữa và 50 – 100 g thức ăn tinh

  • Cần cung cấp đầy đủ nước uống sạch sẽ cho dê con, thường xuyên quét dọn chuồng trại, bảo đảm chuồng trại luôn khô ráo, sạch sẽ.
  • Mỗi ngày cần bố trí cho dê con vận động 1 – 2 giờ trên sân chơi cạnh chuồng hoặc trên bãi chăn. Những con còi cọc, cần bổ sung thêm premix khoáng, các vitaminA, D, E, B-complex…Trước khi cái sữa sử dụng Levamisol tẩy giun đũa cho dê con.

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê hậu bị giống

Giai đoạn nuôi hậu bị kéo dài khoảng 4 – 5 tháng, đối với dê cái ( từ sau khi cai sữa cho đến khi dê có chừa lần đầu) và 8 – 9 tháng đối với dê đực ( từ sau khi cai sữa cho đến khi sử dụng dê đực để phối giống). Ngày trước khi cai sữa, tiến hành chọn những con dê đực, dê cái tốt nhất trong đàn để nuôi hậu bị, chọn những con có ngoại hình đẹp, cân đối, mang những điểm đặc trưng của giống, sinh trưởng tốt và có cơ quan sinh dục phát triển bình thường.

  • Trong giai này cần bảo đảm (thông qua chăn thả hoặc cho ăn tại chuồng) cho mỗi con, mỗi ngày ( tùy theo khối lượng và tuổi dê) : Thức ăn thô 2 – 5kg; thức ăn tinh 0,2 – 0,5 kg.
  • Đối với thức ăn tinh, cần hạn chế sử dụng các loại thức ăn giàu năng lượng như ngô, gạo, sắn…để tránh cho dê hậu bị nhanh béo mà vẫn bảo đảm cho dê sinh trưởng, phát triển bình thường.
  • Cung cấp đầy đủ nước sạch cho dê. Mỗi ngày cho dê vận động 3 – 4 giờ
  • Hàng ngày làm vệ sinh chuồng nuôi, sân chơi, máng ăn, máng uống. Luôn bảo đảm chuồng nuôi khô ráo, sạch sẽ.
  • Đối với dê đực giống hậu bị, phải nuôi tách riêng và chỉ cho giao phối khi đạt 11 – 12 tháng tuổi.
  • Thời kỳ đầu sau khi cai sữa là thời kỳ chuyển tiếp từ bú sữa mẹ sang tự thu nhận các loại thức ăn, vì thế dê con thường bị khủng hoảng, dễ mắc các bệnh đường tiêu hóa như chướng bụng, đầy hơi, ỉa chảy. Để đề phòng những trường hợp này cần lưu ý cho dê ăn các loại thức ăn chất lượng tốt, thức ăn, nước uống phải rất sạch sẽ, chuồng nuôi, sân chơi phải khô, sạch. Nếu chẳng may dê bị ỉa chảy hoặc chướng bụng,đầy hơi, phải xem xét nguồn thức ăn, nước uống và có biện pháp điều trị kịp thời.

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê cái sinh sản

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê cái mang thai.

Trong khoảng từ 18 – 25 ngày sau khi dê cái phối giống, cần theo dõi để phát hiện động đực. Nếu không thấy dê cái động đực trở lại, có thể dê cái đã thụ thai. Cần ghi chép ngày phối giống có chứ để dự báo ngày dê đẻ.

Thời gian mang thai của dê trung bình 150 ngày (biến động trong khoảng 145 – 157 ngày). Trong thời gian mang thai, cần cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho dê, đặc biệt là 2 tháng chửa cuối, để bảo đảm cho bào thai phát triển tốt và dê có nhiều sữa sau khi sinh. Cụ thể :

  • Ba tháng chửa đầu tiên : 3 – 5 kg thức ăn thô/ conm/ ngày; 0,3 – 0,5 kg ăn tinh/ con/ngày.
  • Hai tháng chửa cuối : 4 – 5kg thức ăn thô/con/ngày; 0,4 – 0,6 kg thức ăn tinh/con/ ngày.

(Nếu nuôi theo phương thức bán chăn thả thì tùy theo tình hình và năng suất bãi chăn, lượng thức ăn thô bổ sung tại chuồng có thể bằng ½ khẩu phần nêu trên).

Không nhốt chung dê cái có chửa với dê đực giống. Không chăn thả dê chửa quá xa, không dồn đuổi, đánh đạp dê, đặc biệt là vào thời gian chửa cuối.

Chú ý :

  • Đối với dê chửa lần đầu : hàng ngày xoa bóp nhẹ bầu vú để kích thích tuyến sữa phát triển và tập cho dê quen dần với việc vắt sữa sau này.
  • Đối với dê cái đã đẻ nhiều lứa, đang cho con bú hoặc đang vắt sữa cho dê bằng cách giảm dần số lần cho con bú hoặc vắt sữa từ một lần/ ngày xuống còn hai ngày một lần, ba ngày một lần rồi cắt hẳn, đồng thời giảm lượng thức tinh, thức ăn nhiều nước.

Hộ lý dê đẻ

  • Trước khi dê đẻ 7 – 10 ngày, nhốt riêng từng con vào chuồng ấm, yên tĩnh và đã được vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Giảm bớt thức ăn tinh ở những dê cái có năng suốt sữa cao để tránh viêm vú, sốt sữa
  • Chuẩn bị cũi, lót ổ nằm cho dê con. Chuẩn bị cồn I ốt, kéo, chỉ khâu, giẻ lau và bố trí người trực đẻ.
  • Khi dê cái có biểu hiện khó chịu, đái dắt, bụng sa, bầu vú căng và âm hộ sưng đỏ, có dịch đặc chảy thành dòng là dê sắp đẻ.
  • Dê bắt đầu để khi bọc nước ối vỡ, thai được đẩy ra theo nhịp của dê mẹ và thông thường dê cái đẻ trong vòng từ 1 – 4 giờ, tùy theo số lượng thai và vị trí của thai.
  • Trường hợp đẻ khó, thai bị kẹt, cần can thiệp bằng cách dùng tay đã sát trung đẩy thai theo chiều thuận rồi nhẹ nhàng kéo ra theo nhịp rặn của dê mẹ.
  • Trong khoảng 4 giờ sau khi đẻ hết con, nhau thai ra, cần thu dọn nhau thai, không để cho dê mẹ ăn. Nếu quá 4 giờ mà nhau thai chưa ra thì mời bác sỹ thú ý can thiệp.
  • Dọn vệ sinh ổ đẻ. Lau sạch bầu vú âm hộ dê mẹ, Nếu dê mẹ bị cương sưng nầm vú thì chườm nước nóng và vắt bớt sữa.
  • Ngay sau khi đẻ, cho dê mẹ uống nước muối ấm 0,5% hoặc nước đường 5 – 10 %.
  • Hàng ngày cho dê mẹ ăn thức ăn thô, thức ăn tinh chất lượng tốt ( Không cho ăn quá nhiều thức ăn tinh và thức awnacur quả vào những ngày đầu sau khi đẻ).

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê đực giống

  • Dê đực giống phải nhốt tách riêng dê cái. Có thể nhốt vào ô cuối chuồng để tạo tính hăng cho chúng. Chường trại bảo đảm khô ráo và sạch sẽ.
  • Khẩu phần thức ăn hàng ngày cho một dê đực giống có khối lượng khoảng 50 kg như sau

    Cỏ : 4kg

    Lá cây giàu đạm : 1,5 kg

    Thức ăn tinh : 0,4 kg

  • Với chế độ phối giống mõi ngày hai lần, cần cho ăn thêm 0m3 kg giá đỗ hoặc 1 – 2 quả trứng.
  • Chú ý bổ sung đủ khoáng đa lượng và vi lượng cho dê đực giống thông quả tảng đá liếm.
  • Thường xuyên chải khô cho dê. Bảo đảm cho dê vận động mỗi ngày 2 lần, mỗi lần khoảng 2 giờ.
  • Cần có sổ theo dõi việc sử dụng và hiệu quả phối giống của từng dê đực giống. Khi hiệu quả phối giống của dê không đạt được 60% hoặc tuổi quá 6 năm thì nên loại thải.

Chăm sóc và nuôi dưỡng dê lấy sữa

Đối với những dê cái thuộc giống chuyên lấy sữa hoặc những dê cái kiêm dụng sữa – thịt, ngoài lượng sữa dùng nuôi con, có thể khai thác sữa hàng hóa, phục vụ tiêu dùng hàng ngày.

Đối với những loại dê này việc chăm sóc, nuôi dưỡng tốt rất quan trọng, đặc biệt là những con cao sản. Cần ưu tiên cho chúng các loại thức ăn thô, xanh ưa thích, chất lượng tốt như lá mít, keo dậu; cho ăn thêm thức ăn tinh hỗn hợp có hàm lượng đạm thô 15 – 17% và bổ sung thêm premix khoáng, vitamin.

Tùy theo khối lượng cơ thể và năng suất sữa, khẩu phần hàng ngày cho một con như sau:

Loạithức ăn
Lượng thức ăn (kg) theo khối lượng cơ thể và năng suất sữa
Khối lượng 30kg, cho 1kg sữa/ngày Khối lượng 30kg, cho 2kg/ngày Khối lượng 40kg, cho 1kg sữa/ngày Khối lượng 40kg, cho 2kg sữa/ngày
Cỏ lá xanh 3,0 3,5 3,5 4,0
Lá mít/ keo dậu 1,0 1,5 1,5 2,0
Thức ăn tinh 0,3 – 0,4 0,4 – 0,6 0,4 – 0,6 0,6 – 0,8

Cho uống nước thỏa mãn (bình quân 3 – 5 lít nước/ con/ngày), nước phải trong, sạch, không bị ô nhiễm.

Bảo đảm chuồng nuôi thường xuyên khô, sạch, thoáng. Tạo điều kiện cho dê vận động mỗi ngày 3 – 5 giờ trên sân chơi gần chuồng, kết hợp xoa chải cho dê.

Kỹ thuật vắt sữa :

  • Có đầy đủ dêụng cụ như : xô vắt sữa, thùng chứa sữa , khăn lau… các dụng cụ này phải sạch sẽ, phải tráng nước sôi sau mỗi lần sử dụng .
  • Vệ sinh bầu vú trước khi vắt sữa : dùng khăn mềm sạch nhúng nước ấm để lau bầu vú, núm vú và kích thích xuống sữa .
  • Tuân thủ quy trình vắt sữa , vắt sữa phải nhẹ nhàng, dùng kĩ thuật. Có thể vắt nắm cả tay hoặc vắt vuốt núm vú.
Phải rửa tay và vệ sinh bầu vú sạch sẽ trước khi vắt sữa
Vị trí ngồi vắt sữa

Chăm sóc, nuôi dưỡng dê lấy thịt

Loại dê đưa vào nuôi lấy thịt

  • Thiến dê đực không làm giống lúc đạt 3 tuần và những dê đực giả loại thải trước khi đưa vào vỗ béo.
  • Tẩy giun sán cho những dê đực vào dê cái già loại thải trước khi đưa vào nuôi lấy thịt và vỗ béo.
  • Nên nuôi theo phương thức bán chăn thả kết hợp với nuôi nhốt hoặc nuôi nhốt hoàn toàn. Cần tận dêụng tối đa các phế phụ phẩm công – nông nghiệp để tăng hiệu quả kinh tế chăn nuôi. Thời gian nuôi khoảng 1 – 3 tháng.
  • Cung cấp đầy đủ thức ăn, nước uống cho dê; chú ý cung cấp các loại thức ăn giàu năng lượng. Mỗi ngày cần đảm bảo cho mỗi con:

    Thức ăn thô : 4 – 5kg;

    Thức ăn tinh : 0,4 – 0,6 kg.

  • Thường xuyên vệ sinh chuồng trại và vệ sinh thân thể dê. Giai đoạn cuối, cần hạn chế dê vận động để giảm tiêu hao năng lượng

Kỹ Thuật Chăm Sóc Nuôi Dưỡng Dê chi tiết

1. Sự lên giống :
+ Lên giống là một biểu hiện sinh lý khi dê đạt đến một tuổi nhất định nào đó. Ðây là điều kiện để dê cái bắt đầu sinh sản.
+ Dê thường có biểu hiện lên giống ở 6- 8 tháng tuổi tùy theo giống.
+ Các biểu hiện của sự lên giống:
. Phần ngoài của bộ phận sinh dục sưng, chảy nước, đỏ và nóng lên.
. Ðuôi luôn luôn ve vẩy.
. Luôn luôn đứng yên khi dê cưởi lên lưng hoặc con dê khác.
. Luôn luôn kêu la và giảm lượng ăn.
. Chu kỳ lên giống của dê bình quân khoảng 21 ngày.

2. Phối giống :
+ Thời gian phối giống tốt nhất cho dê là 12 – 18 giờ sau khi xuất hiện những biểu hiện đầu tiên của sự lên giống.
+ Ðể tránh sự phối giống không thành công dê đực và dê cái nên nhốt chung trong 1 chuồng nhỏ. Trong hệ thống nuôi chăn thả dê có thể phối giống trong lúc ăn cỏ mà không cần chuồng.
+ Phối giống không thành công (no pregnance) nếu dê cái xuất hiện chu kỳ động dục mới khoảng 17 đến 21 ngày sau khi phối giống.
+ Không nên phối giống giữa các dê có mối quan hệ gần nhau.
+ Nên thay đổi dê đực khoảng 1 năm sử dụng.
+ Nên nuôi thịt những dê cái sau hai lần phối giống không đậu.
+ Dê cái có thể lên giống lại sau 35- 45 ngày sau khi đẻ chúng ta có thể phối giống cho dê nếu thấy rằng thể trạng của dê tốt. Nếu dê cái sau khi đẻ có thể trạng không tốt như đẻ sinh đôi, sinh ba thì chúng ta có thể đợi thời gian lâu hơn tốt nhất là khi cai sữa dê con thì cho phối giống lại cho dê mẹ. Ðối với đẻ 1 con thì việc phối giống thường đạt kết quả trước cai sữa dê con.
3. Sự mang thai :
+ Không có dấu hiệu lên giống sau 17 đến 21 ngày phối giống.
+ Bụng có chiều hướng to lên.
+ Vú của dê lớn nhất là vào cuối giai đoạn mang thai.
@ Chuẩn bị chuồng cho dê chữa bằng ngăn chuồng để mà:
+ Chúng không bị quậy phá bởi các dê khác.
+ Thức ăn không bị các dê khác ăn.
+ Chúng được yên tỉnh hơn để chuẩn bị đẻ.
@ Việc duy trì sức khoẻ tốt cho dê trong giai đoạn chữa là một việc làm cần thiết:
+ Luôn luôn giữ cho chuồng khô ráo và sạch sẽ cũng như các vùng dưới sàn chuồng.
+ Phải giữ cho chuồng luôn luôn chắc chắn để dê không bị các gia súc khác tấn công cũng như bị trượt ngã do chuồng không được chắc chắn.
@ Các dê cái có thể tăng lên 5 kg hoặc hơn trong suốt giai đoạn chữa vì thế cần cung cấp đầy đủ thức ăn có chất lượng tốt. Ðặc biệt là giai đoạn 2 tháng của thời kỳ chữa và hai tháng sau khi đẻ thức ăn trong giai đoạn này cần:
+ Cỏ tươi phải cung cấp đầy đủ bao gồm cả cây họ đậu.
+ Thức ăn hổn hợp.
+ Nước luôn đầy đủ và sạch sẽ.
4. Chuẩn bị cho dê đẻ :
Các biểu hiện trước khi dê đẻ:
+ Sụp cơ hông.
+ Bầu vú lớn và cứng.
+ Luôn luôn cử động như cào dưới sàn chuồng và luôn luôn kêu la.
+ Giảm ăn.
Chuẩn bị chuồng cho dê đẻ:
+ Chuồng phải luôn luôn sạch sẽ.
+ Các dụng cụ thú y.
+ Nên có một lồng úm dê con và lồng úm này có khoảng cách giữa hai thanh là 1,3cm để cho dê con không bị lọt chân.
5. Các vị trí thai của dê con :
+ Bình thường
+ Không bình thường
6. Các quá trình đẻ của dê :
+ Ðầu tiên xuất hiện một bọc nước, bể.
+ Dê con sẽ ra ngoài khoảng 1 đến 1,5 giờ sau khi bọc nước bể nếu vị trí thai bình thường, nếu thời giai trên dê con chưa ra thì cần can thiệp.
+ Nhau sẽ ra khoảng 4 đến 12 giờ sau khi dê con được sinh ra.
+ Sau khi dê con sinh ra cần sát trùng rốn bằng cồn iodine.
+ Hãy để cho dê mẹ liếm dê con khô, nếu dê mẹ không liếm chúng ta có thể dùng vải khô để làm khô dê con.
+ Nếu cần thiết nên lau sạch mũi và miệng cho dê con dễ thở hơn.
7. Các trường hợp sinh khó ở dê do :
+ Thai dê không ở vị trí bình thường
+ Xương chậu của dê mẹ quá nhỏ
+ Thai dê quá lớn
+ Dê con bị chết trong thời gian chữa
+ Dê con quá yếu do dinh dưỡng trong quá trình nuôi kém
Các trường hợp đẻ khó của dê con có thể biết trước được khi 45 phút bọc nước ối vỡ mà dê con sinh ra.
Vì vậy điều cần thiết đối với các dê hậu bị đẻ lúc đầu là cung cấp đầy đủ thức ăn nước uống cũng như cho chúng vận động.
Các thao tác can thiệp khi có trường hợp đẻ khó ở dê:
. Cho dê mẹ nằm xuống và phải thật thận trọng cũng như nhờ 1 người giữ chặt cổ của dê.
. Rửa sạch tay và phần sau của dê
. Ðưa tay vào từ từ đến gần vị trí của thai dê
. Lúc này chúng ta cảm thấy có thể nhận biết được các bộ phận của dê như đầu và chân
. Khi đó nếu chúng ta cảm thấy đầu và chân sai vị trí thì sửa lại cho ở vị trí bình thường và từ từ kéo dê con ra ngoài.
8. Chăm sóc dê con sơ sinh :
Dê con có thể bú và đứng dậy 1 giờ sau khi sinh nếu dê con quá yếu thì chúng ta có thể giúp đở cho dê đứng dậy và đến gần vú mẹ, nếu dê con không bú được chúng ta cho sữa vào ống tiêm để cho dê uống.
Dê con có thể chết trong vòng 4 giờ nếu không được bú sữa, vì một lý do gì đó dê mẹ chết thì chúng ta có thể cho dê con bú sữa của những con dê khác đẻ cùng ngày hoặc có thể cho dê uống sữa thay thế cho dê con sử dụng.
Chuẩn bị sữa thay thế:
Thành phần sữa thay thế như sau:
– 0.25 đến 0,5 lít sữa bò hoặc có thể thay bằng sữa bột.
– 1 muỗng cà phê dầu cá.
– 1 trứng gà.
– 1/2 muỗng cà phê đường.
Trộn tất cả thực liệu trên rồi lắc mạnh có thể sử dụng bình uống sữa nếu trong trường hợp khó khăn khi dê con quá yếu chúng ta có thể dùng ống tiêm để bơm trực tiếp cho dê và cho dê uống 3 đến 4 lần trong ngày, sau 2 ngày dê con không tiêu chảy có thể cho dê thêm 1 muỗng cà phê dầu khoáng. Với cách này dê con có thể uống sữa bằng bình bú một cách dễ dàng.
Nếu dê con không có mẹ cũng có thể nuôi bằng cách khác như ghép với 1 dê mẹ khác. Ðiều này khi thực hiện có thể gặp một số trở ngại. Bởi vì dê mẹ khác không dễ dàng chấp nhận một dê con mới khác. Sau đây có một vài phương pháp để thực hiện điều trên.
Dê mẹ có thể nhận biết dê con khi ngửi và cách tốt nhất để thực hiện điều này là đưa dê con bị mẹ chết vào cho mẹ mới lúc dê này đang sinh.
Chúng ta có thể cố định đầu của dê mẹ mới và cho dê con bú cách này thì trong vòng 4 ngày dê mẹ có thể chấp nhận dê con.
9. Chăm sóc dê con trước cai sữa :
Ðối với giống dê Bách thảo của Việt nam:
+ 10 ngày đầu cho dê con ở với mẹ và bú tự do.
+ 11 đến 21 ngày chỉ cho dê con bú sữa mẹ ngày 3 lần thường thì vắt sữa xong mới cho bú ngoài ra chúng ta cần cho chúng bú bình thêm 2 lần /ngày với lượng từ 0,4 đến 0,5 lít /ngày.
+ 4 đến 5 tuần tuổi chỉ cho bú trực tiếp sữa mẹ 2 lần sau khi vắt sữa và cho bú bình thêm khoảng 0,3 lít / ngày.
+ 5 đến 8 tuần tuổi chỉ cho bú trực tiếp với mẹ một lần sau khi vắt sữa và cho bú bình tương đương 0.2 lít /ngày và chuẩn bị cai sữa hoặc trong giai đoạn này có thể sử dụng thức ăn thay thế cho dê con sử dụng(0,2 đến 0,4 kg/con/ngày).
Khẩu phần như sau:
– Bột bắp: 35%
– Cám gạo: 35%
– Bánh dầu dừa: 20%
– Ðậu nành: 10%
Ðối với các giống dê ngoại:
– Tuần 1: Cho dê con ở chung với dê mẹ và bú tự do.
– Tuần 2: Có thể cho dê con bú bình (giới thiệu các kiểu bú bình).
Cho 1/2 lít sữa 3 lần trong ngày, lúc này đặt thức ăn và nước uống cũng như cỏ khô để dê con có thể tập ăn
– Tuần 3 đến tuần thứ 6: 2 lít sữa chia làm 3 lần trong ngày và đặt thức ăn và nước uống cũng như cỏ khô để dê con ăn.
– Tuần thứ 7 và 8: Giảm số lượng sữa 2 lần trong ngày.
– Tuần thứ 9 đến tuần thứ 12: Giảm lượng sữa 1 lần trong ngày và cai sữa:
Nếu chăm sóc nuôi dưỡng tốt dê con giống ngoại cai sữa 3 tháng đạt 15 kg.
(nói thêm về tiêu chảy dê con).
10. Chăm sóc dê vắt sữa :
+ Giai đoạn này dê có khả năng thu nhận thức ăn rất cao vì thế chúng ta cần cung cấp đầy đủ số lượng và chất lượng thức ăn cho dê. Mức ăn đối với dê đang cho sữa từ 3 đến 7 kg thức ăn xanh tùy vào trọng lượng cơ thể của chúng.
+ Ðối với thức ăn hổn hợp thì có hàm lượng đạm thô từ 15 đến 17% trong thời gian cho sữa.
+ Giai doạn này dễ bị viêm vú cần tránh những sây sát.
+ Cần cung cấp đầy đủ nước sạch cho dê.
+ Ðối với các giống dê cao sản thì phải cạn sữa 2 tháng trước khi đẻ (giải thích thêm chu kỳ cho sữa).
+ Thực hiện cạn sữa có thể bơm kháng sinh vào bầu vú (thêm trang 172).
+ Số lần vắt sữa sau khi dê đẻ: tùy thuộc vào sản lượng sữa của từng con cũng như số con đẻ ra:
– 10 ngày đầu sau khi đẻ: Nếu dê đẻ từ 2 đến 3 con trở lên thì không vắt sữa mà toàn bộ sữa sẽ dành cho dê con bú. Ðến khi cai sữa dê con mới vắt.
Nếu dê mẹ chỉ đẻ 1 con thì ngày thứ 4 trở đi có thể vắt 1 đến 2 lần /ngày tùy vào sản lượng sữa của dê mẹ.
– Từ ngày 11 đến ngày 60 vắt sữa 2 lần /ngày.
Ðây là giai đoạn ít sữa nên chỉ vắt 1 lần /ngày.
* Bệnh viêm vú :
Nguyên nhân:
Có thể gây ra do nhiễm trùng tuyến vú:
Triệu chứng: Vú của dê sẽ nóng đỏ, và khi chúng ta sờ vào dê cảm thấy đau. Sữa dê có thể có màu vàng, xanh hoặc màu đỏ, sữa có vẻ loãng hơn.
Ðiều trị: Có thể sử dụng kháng sinh tiêm bắp hoặc tiêm trực tiếp vào bầu vú của dê. Trong những trường hợp khẩn cấp có thể vừa tiêm bắp và tiêm vào bầu vú.
Dùng thuốc kháng sinh và theo các chỉ dẫn trên toa của thuốc.
Trước khi bơm thuốc chắc rằng kim tiêm phải xuyên qua lỗ núm vú dê và đã vắt sữa, khi bơm thuốc phải cẩn thận.
Lúc này cần phải vắt sữa ít nhất là 3 lần /ngày.
Giảm đau cho dê bằng cách chườm nước nóng khoảng 2 đến 3 lần /ngày.
Qui trình điều trị khoảng 3 đến 4 ngày.
Ðề phòng bịnh viêm vú:
Luôn luôn giữ sàn chuồng sạch sẽ ngay cả phía dưới sàn chuồng vì đây có thể là nguồn gây bịnh.
Ðối với dê đang vắt sữa cần vệ sinh bầu vú cẩn thận trước khi vắt sữa.
Rửa tay bằng xà phòng trước khi vắt.
Rửa sạch các vùng chung quanh bầu vú của dê.
Sau khi vắt sữa có thể nhúng núm vú dê vào các thuốc chống nhiễm trùng.
Khi đi mua dê để tránh lầm là dê có bị viêm vú ở chu kỳ trước hay không chúng ta kiểm tra bầu vú thấy cứng thì không nên mua.
11. Chăm sóc dê cái hậu bị :
Dê giống hậu bị được tuyển chọn sau khi cai sữa đến phối giống theo một số chỉ tiêu nhất định
Cha mẹ cho năng suất cao.
Trong quá trình trên dê không bị bịnh.
Có sự tăng trọng cao so với các dê cùng tuổi.
Ngoại hình và màu sắc tương ứng với giống mà ta muốn chọn.
Trong giai đoạn này cần phải cung cấp thức ăn đầy đủ cho dê.
Giai đoạn này dê cần cung cấp 50 đến 80% thức ăn thô xanh còn lại là thức ăn tinh, phụ phẩm nông nghiệp.
Cần bổ sung khoáng canxi và phospho.
Tránh cho dê quá mập.
Lượng ăn từ 3 đến 7 kg cỏ xanh và 200gam đến 400gam thức ăn hổn hơp/con/ngày.
Cung cấp đầy đủ nước sạch.
Cho vận động nếu dê nuôi nhốt hoàn toàn.
12. Chăm sóc nuôi dưỡng dê đực giống :
Thành công của một trại chăn nuôi dê phụ thuộc rất lớn vào dê đực giống. Những chủ nuôi dê có qui mô nhỏ từ 5 – 6 con cái không cần nuôi dê đực mà có thể thuê mướn dê ở các chủ nuôi trong vùng. Nuôi dê đực với mục đíxh gây giống cần phải chăm sóc đầy đủ ngay từ đầu mới chọn được những dê đực tốt.
Chọn lọc dê đực: Năng suất của một cá thể là kết quả của sự tương tác giữa bản chất di truyền và ngoại cảnh mà nó nhận được. Con đực dùng để phối cho nhiều dê cái nên mức độ ảnh hưởng của con đực đến thế hệ sau rất lớn vì tầm quan trọng như vậy cho nên phải chọn lọc dê đực ngay từ đầu. Chọn những con đực từ những bố mẹ xuất sắc, có khả năng tăng trọng nhanh, năng suất sữa cao, chất lượng thịt tốt, khả năng chuyển hóa thức ăn cao và không bịnh tật. Bên cạnh những chỉ tiêu trên cần chọn những con đực phải nhanh nhẹn, thanh nhã, phản xạ tính đực mau lẹ. Nên sử dụng dê đực khi nó được 1 năm tuổi.
Nuôi dưỡng và phối giống:
+ Cần cung cấp cỏ xanh đầy đủ và quanh năm cho dê đực, số lượng cỏ phụ thuộc vào trọng lượng của dê đực, thông thường từ 2 – 5 kg/con/ngày, nếu có điều kiện nên cho dê ăn tự do.
+ Bảo đảm lượng nhu cầu về vật chất khô cho dê đực trung bình từ 1,5- 2 kg/con/ngày với trọng lượng dê là 50 kg.
+ Cung cấp 300 đến 500 gam thức ăn hổn hợp trong ngày dê đực có làm việc.
+ Cung cấp đầy đủ các loại khoáng và vitamin, dùng đá liếm hoặc ống muối treo ở trong chuồng.
+ Những thức ăn giàu chất bột đường nên hạn chế sử dụng trong khẩu phần của dê đực.
+ Thông thường 1 dê đực có thể phối trực tiếp cho 20 đến 30 dê cái.
+ Không nên cho dê đực đi theo đàn khi chăn thả vì sẽ không quản lý được sự phối giống.
+ Nên thay đổi dê đực 1 năm 1 lần để tránh đồng huyết.

mời các bãn em theo đoạn phim này để hiểu rõ hơn cách nuôi dê

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]