Kỹ thuật mới điều trị hiệu quả chảy máu não

Đột quỵ chảy máu não hay còn được gọi đơn giản là chảy máu não là một tình trạng rất nặng của bệnh lý thần kinh sọ não. Trong bệnh lý này, vì một lý do nào đó, mạch máu não bị vỡ và máu tràn vào trong não bộ. Tình hình trở nên phức tạp và nặng nề từ khi máu bắt đầu chảy ra

0

Đột quỵ chảy máu não hay còn được gọi đơn giản là chảy máu não là một tình trạng rất nặng của bệnh lý thần kinh sọ não. Trong bệnh lý này, vì một lý do nào đó, mạch máu não bị vỡ và máu tràn vào trong não bộ. Tình hình trở nên phức tạp và nặng nề từ khi máu bắt đầu chảy ra. Vấn đề cốt lõi nhất trong điều trị chảy máu não là loại bỏ được khối máu tụ và khôi phục khoảng trống cho tế bào thần kinh. Nhưng thực hiện được là điều không dễ.

Bài toán khó

Trong đột quỵ não, có hai thể bệnh chính là nhồi máu não và chảy máu não. Trong hai thể này thì thể chảy máu não có mức độ bệnh nặng hơn, tỷ lệ tử vong cao hơn và để lại di chứng nhiều hơn. Theo nhiều thống kê khác nhau, người ta đều công nhận là chảy máu não có tỷ lệ gặp dao động từ 12-35% tổng số bệnh nhân bị đột qụy.

Phần lớn người bệnh rất khó phục hồi, thậm chí bị tử vong hoặc nếu có phục hồi thì để lại di chứng gây gánh nặng cho gia đình và xã hội.

 Đột quỵ chảy máu não.
Lý do chảy máu não: thứ nhất, những người chảy máu não thường có thành mạch rất yếu. Khi bị chảy máu là vỡ ra ồ ạt và tạo thành một khối máu tụ trong não. Thứ 2, hộp sọ của chúng ta vô cùng chật hẹp và vừa khít với não bộ. Cho nên sự xuất hiện đột xuất của khối máu tụ nội sọ đã vô hình trung chiếm chỗ và chèn ép tế bào thần kinh. Những tế bào thần kinh chức năng của não bộ cứ bị chết dần và các hoạt động sống của người bệnh cứ lần lượt mất theo cho tới khi bị tàn phế.

Người ta ước tính rằng, tỷ lệ người chết sau 30 ngày dao động trong khoảng 30-45%. Trong số những người sống sót qua khỏi thì có trên 50% bị tàn phế, tức là tỷ lệ chữa khỏi thành công hoàn toàn cho người bệnh rất thấp, ước tính chỉ được khoảng 25%. Máu chảy càng nhiều, càng ở những vị trí nguy hiểm thì tỷ lệ thành công càng nhỏ đi. Hai vị trí nguy hiểm đáng sợ nhất là chảy máu não thất toàn bộ và chảy máu thân não. Những thể chảy máu não thất tỷ lệ tử vong gần như 100%.

Vấn đề cốt lõi nhất của điều trị là tìm mọi cách để loại bỏ được khối máu tụ và khôi phục khoảng trống cho tế bào thần kinh.

Kỹ thuật mới

Tại Hội nghị quốc tế về đột qụy não diễn ra tại New Orleans (Mỹ) từ ngày 31/1/2012 đến ngày 2/2/2012, người ta đã chứng kiến nhiều thành công và sáng tạo mới trong việc điều trị chảy máu não. Một trong các kỹ thuật được đánh giá cao nhất là kỹ thuật can thiệp não bộ tối thiểu của các nhà thần kinh học đến từ Trung tâm Y khoa Johns Hopkins (Mỹ).

Bản chất của kỹ thuật này là sự kết hợp hài hoà giữa biện pháp điều trị kinh điển và phẫu thuật ngoại khoa. Các nhà thần kinh học đã cố gắng tránh những nhược điểm của phẫu thuật ngoại khoa để trả lại cho người bệnh sự hồi phục hoàn toàn. Theo như kết quả công bố thì với kỹ thuật này, tỷ lệ người bệnh phục hồi cao hơn so với biện pháp điều trị kinh điển là 10-15% sau 6 tháng điều trị. Như thế là biện pháp này đã nâng số người may mắn từ 25% lên tới 35-40%.

Trong phẫu thuật ngoại khoa kinh điển, bác sĩ sẽ phải mở một mảnh xương sọ khá lớn để bộc lộ não thì trong kỹ thuật này, người ta chỉ phải khoan một lỗ bé xíu trên hộp sọ. Lỗ này bé tới mức gần như không có gì xảy ra. Nó chỉ vừa đúng một cathete để xuyên vào sọ. Sau đó, dưới sự hướng dẫn của cắt lớp CT, một công cụ định vị giải phẫu sọ não bộ, người ta đưa một cathete đi thẳng tới khối máu tụ dù khối máu tụ đó ở bất kỳ vị trí nào. Thông qua cathete này, người ta truyền trực tiếp thuốc phân hủy cục máu đông tPA (chất hoạt hoá plasminogen của mô). Toàn bộ tiến trình này chỉ diễn ra trong đôi ba ngày.

GS. Daniel F. Hanley - Trưởng nhóm thực hiện kíp kỹ thuật cho biết, kỹ thuật can thiệp não bộ tối thiểu đã biến những bệnh nhân không thể điều trị thành những bệnh nhân có thể điều trị. Tỷ lệ người được “mổ” cao hơn. Từ trước đến nay, tỷ lệ người bệnh đủ tiêu chuẩn để tiến hành mổ theo phương pháp truyền thống chỉ là 10%. Nhưng nay chúng tôi có thể nâng lên 90-100%. Theo ông, nếu như một số lượng lớn bệnh nhân tiếp theo được điều trị thành công, kỹ thuật mới có thể giảm được gánh nặng bệnh tật cho gia đình bệnh nhân và xã hội.

Trong quá trình đó, mô não của người bệnh hầu như không bị can thiệp thô bạo làm tổn thương như phẫu thuật mổ mở. Vì bản thân cathete đã nhỏ lại được đưa đường bởi một máy cắt lớp CT nhìn xuyên thấu nên gần như không gây ra tổn thương nào. Điều này đã khắc phục được nhược điểm của phương pháp mổ mở.

Việc đưa trực tiếp thuốc tan máu đông vào cục máu đông đã làm cho cục máu đông được tiếp xúc trực tiếp với thuốc. Nó đã khắc phục được nhược điểm của phương pháp điều trị nội khoa kinh điển.

Để hoàn thiện quá trình điều trị, khi dùng biện pháp kinh điển, chúng ta phải mất tới 20-30 ngày cho những bệnh nhân điển hình. Nhưng với kỹ thuật can thiệp não bộ tối thiểu, chúng ta chỉ cần 3-5 ngày. Thời gian này quả là một sự vượt bậc trong điều trị đột qụy não.

Khó khăn và kỳ vọng

Nhưng việc thực hiện kỹ thuật trên thực chẳng dễ dàng. Cái khó không phải là xác định vị trí máu tụ mà khó là đưa cathete thật khéo léo sao cho chỉ đi đúng một đường cơ bản là có thể đến đúng đích. Thêm vào đó, điều kiện thực hiện là vô cùng nghiêm ngặt giống như ghép tạng vậy. Vô khuẩn là một điều được ưu tiên đưa lên hàng đầu. Nó quyết định thành hay bại của biện pháp mới được khai sinh này vì mô não bị “mở” ra thông qua cathete từ 2-3 ngày liền, nếu không cẩn thận, chúng ta có thể làm nhiễm khuẩn não rất nguy hiểm.

Tuy nhiên, với những thành tựu trên đây, kỹ thuật này hoàn toàn có thể ứng dụng điều trị cho người bệnh đột quỵ não. Người ta kỳ vọng trong một thời gian ngắn nữa, có thể nâng được số bệnh nhân điều trị khỏi và hạ tỷ lệ người tử vong.

Điểm tiên tiến nhất của kỹ thuật này là can thiệp mổ rất tối thiểu và do đó hầu như không làm tổn thương nghiêm trọng tới não bộ như những gì mà biện pháp mổ mở truyền thống gặp phải. Vì thế, nó đang được kỳ vọng là kỹ thuật mới hữu dụng

BS. Nguyễn Phan Anh

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]