Làm gì để răng trắng, miệng thơm ?

Nhân dân ta có câu "cái răng cái tóc là góc con người" đã nói lên tầm quan trọng của hàm răng trong giao tiếp xã hội.

15.6715

Vấn đề là chúng ta phải làm sao cho răng trắng, miệng thơm để tự tin hàng ngày.

Hơi thở nặng mùi…thật tai hại

Khi bạn mắc các bệnh về răng miệng như sâu răng, viêm lợi…sẽ làm cho hơi thở nặng mùi, làm bạn mất tự tin, kém tự nhiên khi giao tiếp. Mặt khác người đối diện với bạn thì khó xử, ngại tiếp xúc với bạn và chắc chắn bạn đã để lại trong lòng họ một ấn tượng xấu.

Nhiều nghiên cứu khoa học cho biết: người bị viêm lợi mạn tính sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Bởi vi khuẩn gây viêm nhiễm ở răng lợi có thể xâm nhập vào máu gây các bệnh tim mạch, đột quị…Rằng bạn mắc bệnh răng miệng thì bạn cũng rất hay bị nhiễm khuẩn ở cơ quan khác.

Một nghiên cứu của Trường Đại học Harvard, Mỹ cho thấy : bệnh viêm lợi và bệnh viêm khớp dạng thấp có mối liên quan rất mật thiết với nhau. Theo đó, viêm lợi làm tăng nguy cơ viêm nhiễm ở các khớp theo cơ chế bệnh tự miễn. Cơ chế phá hủy các mô trong bệnh viêm lợi rất giống cơ chế phá hủy khớp xương của bệnh viêm khớp dạng thấp.

Những người mắc bệnh răng miệng lâu ngày không khỏi, chính là triệu chứng báo hiệu họ sắp mắc bệnh tiểu đường. Ở chiều ngược lại, người bệnh tiểu đường nếu không khống chế đường huyết thì rất dễ mắc bệnh viêm lợi.

Một nghiên cứu khác cho hay: phụ nữ mà bị bệnh răng miệng thì tăng nguy cơ sinh non và dị tật bẩm sinh ở thai nhi…Mặc dù mối liên hệ giữa bệnh răng miệng và sinh thiếu tháng có cơ chế rất phức tạp, còn nhiều bí ẩn chưa được khám phá, nhưng các nhà chuyên môn vẫn khuyến cáo phụ nữ khi mang thai cần giữ vệ sinh răng miệng để tránh các rủi ro cho mẹ và cho con.

"Bí kíp" nào giúp răng trắng miệng thơm?

Muốn có răng trắng miệng thơm bạn cần thực hành đều đặn 5 công việc chủ yếu sau đây:

1. Chải răng thường xuyên đúng cách

Về số lần chải răng, bạn có thể áp dụng một trong các cách sau : tốt nhất là chải răng 3 lần một ngày, vào buổi sáng lúc thức dậy, sau các bữa ăn trưa và tối hay trước khi đi ngủ. Cách 2 là chải răng 2 lần / ngày, vào buổi sáng sau khi thức dậy và buổi tối trước khi đi ngủ. Khi chải răng cần làm sạch răng không để thức ăn bám vào răng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, tạo nên vôi răng.

Về cách chải răng đúng như sau : bạn chải thứ tự mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong răng; chải ở mỗi vị trí từ 5 lần trở lên. Cách chải mặt ngoài và mặt nhai: đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai với động tác nhẹ nhàng; tránh đưa bàn chải theo chiều ngang vì sẽ làm mòn chân răng; chải cẩn thận mỗi vị trí là 2-3 răng ( tương đương với chiều dài của bàn chải) và chải tuần tự cho sạch cả hàm răng.

Đặt bàn chải nghiêng một góc 45 độ với hàm răng, chải theo chiều từ chân răng đến mặt nhai

Cách chải mặt trong răng: bạn cầm bàn chải tay phải để chải mặt trong hàm răng bên trái, chải nhẹ nhàng từ chân răng đến mặt nhai cả hàm trên và hàm dưới; đổi tay trái cầm bàn chải để chải cho mặt trong hàm răng bên phải.

Chải mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong răng

Không nên chải răng quá nhiều lần, quá nhanh, quá mạnh làm chảy máu lợi và nướu răng. Ngoài việc bạn dùng bàn chải răng thông thường, bạn cũng cần sử dụng thêm các phương tiện hỗ trợ như bàn chải kẽ răng, tăm nước, chỉ nha khoa.

Chải răng đúng cách: chải thứ tự mặt ngoài, mặt nhai và mặt trong răng, hàm trên và hàm dưới

2. Dùng chỉ nha khoa:

Sau khi bạn đã chải răng bằng bàn chải, thì vẫn còn tới 40% diện tích răng bàn chải chưa làm sạch được ở kẽ giữa 2 răng, vì vậy bạn phải dùng chỉ nha khoa để làm sạch mảng bám ở phần này.

Cách dùng chỉ nha khoa như sau : bạn dùng một đoạn chỉ dài khoảng 25cm, quấn 2 đầu sợi chỉ vào 2 ngón giữa của hai bàn tay, chừa lại 1 đoạn giữa khoảng 5 cm; ngón trỏ và ngón cái giữ căng sợi chỉ, nhẹ nhàng đưa sợi chỉ vào kẽ răng sao cho đoạn chỉ len sát mặt bên của răng, không ấn quá sâu, không kéo sợi chỉ qua lại sẽ làm tổn thương nướu, kéo sợi chỉ quanh mỗi răng theo hình chữ C và nhẹ nhàng di chuyển lên xuống ở mặt bên mỗi răng. Thay sợi chỉ khác khi chuyển sang làm sạch răng kế tiếp.

Cách dùng chỉ nha khoa

Bạn cũng cần làm sạch lưỡi bằng cách dùng bàn chải cạo, hoặc dùng que cạo lưỡi cạo nhẹ nhàng cho sạch lưỡi.

3. Dùng nước súc miệng

Trong các trường hợp bạn không có sẵn bàn chải để chải răng, chẳng hạn đi công tác, dã ngoại…Khi đó bạn phải dùng nước súc miệng để đẩy cặn thức ăn ra ngoài và hạn chế vi khuẩn lên men thức ăn gây hôi miệng. Hoặc bạn có thể nhai kẹo cao su không đường, vì nhai kẹo cao su giúp miệng tiết nước bọt hạn chế các mảng bám trên răng.

4. Về chế độ ăn:

Bạn cần thực hiện một chế độ ăn cung cấp đủ các chất canxi, photpho, flour và các vitamin A, C, D là rất cần thiết cho hàm răng chắc khỏe. Các chất này thường đã có đủ trong một chế độ ăn cân bằng thông thường, ngoại trừ Flour là hay bị thiếu và cần được bổ sung. Các loại thức ăn giàu flour là: đậu tương, khoai lang, khoai tây, cà rốt, bột mỳ, cá trích, cá thu, chuối tiêu, bưởi, dưa chuột, suplơ…Bạn nên dùng kem đánh răng có fluor để ngăn ngừa sâu răng rất hiệu quả.

Bạn nên ăn các loại rau, củ, trái cây tươi. Nhiều chuyên gia khuyên rằng nên tráng miệng sau bữa ăn bằng những loại thực phẩm có xơ như trái cây để cọ xát nhẹ trên răng và loại bỏ các mảng bám. Bạn cần hạn chế ăn thức ăn ngọt như bánh kẹo, nước đường; hạn chế hoặc bỏ hẳn thuốc lá, thuốc lào.

5. Thực hiện việc khám răng định kỳ

Bạn nên khám răng định kỳ 6 tháng một lần, để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng.

Khám răng định kỳ 6 tháng một lần, để phát hiện và điều trị sớm các bệnh răng miệng

Bạn cũng cần tập thể dục thể thao đều đặn, bởi hoạt động thể lực giúp điều hòa lượng đường huyết ổn định, phòng tránh được bệnh răng miệng và nhiều bệnh khác.

AloBacsi.vn
Theo ThS. Phạm Văn Thu - Sức khỏe và Đời sống

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]