Làm sao để an toàn khi mua hàng qua mạng?

15.6037
Nghiên cứu mới đây của hãng nghiên cứu thị trường Cimigo cho thấy chỉ 13% khách hàng thấy an toàn khi mua hàng qua mạng (Ảnh minh họa)

Chỉ 13% khách hàng thấy an toàn khi mua hàng qua mạng

Cùng với sự phát triển của TMĐT, việc mua bán trên Internet ngày càng được ưa chuộng. Thế nhưng, bên cạnh sự tiện lợi, mua bán trực tuyến cũng có những mặt hạn chế khi nhiều đối tượng xấu lợi dụng việc mua bán không gặp mặt để thực hiện các hành vi lừa đảo. Phổ biến nhất vẫn là lợi dụng việc mua bán chỉ bằng niềm tin để lừa đảo “chuyển tiền không giao hàng” hay chuyển hàng nhái, hàng giả, không đúng mô tả… Bằng các chiêu thức rất tinh vi như tạo tình huống giả hay lập hẳn một website có địa chỉ, thông tin rõ ràng nhưng thực chất lại chỉ là những địa chỉ ảo…, đã có rất nhiều người bị mắc lừa những chiêu thức này. Không chỉ người mua mà ngay những người bán cũng có thể dễ dàng bị lừa nếu không cảnh giác khi bán hàng qua mạng.

Nghiên cứu gần đây của hãng nghiên cứu thị trường Cimigo về thị trường TMĐT Việt Nam cho thấy, chỉ 13% khách hàng cảm thấy mua sản phẩm trên mạng là an toàn. Đây là một con số quá nhỏ bé so với tiềm năng phát triển của thị trường TMĐT Việt Nam.

Ông Nguyễn Hòa Bình, Trưởng ban Truyền thông Hiệp hội TMĐT Việt Nam cho hay, trong 5 năm qua, có khoảng gần chục vụ lừa đảo bán hàng qua mạng có giá trị lớn, lên tới vài trăm triệu đồng. Bên cạnh đó, còn rất nhiều vụ lừa đảo nhỏ từ vài trăm đến vài triệu đồng mà người mua không biết kêu ai hoặc không ai đứng ra bảo vệ quyền lợi của họ nên khách hàng đành “ngậm ngùi” chấp nhận mất tiền. Ước tính số lượng vụ lừa đảo không được báo cáo chiếm đến 90% các vụ lừa đảo trực tuyến trên Internet. 

“Những trường hợp “con sâu làm rầu nồi canh” như trên sẽ làm ảnh hưởng xấu đến nền TMĐT của Việt Nam, ảnh hưởng xấu đến các doanh nghiệp bán hàng chân chính và ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng với TMĐT”, ông Bình chia sẻ.

Làm sao để an toàn?

Không chỉ tại Việt Nam mà ngay cả các nước có nền TMĐT phát triển, vấn đề làm sao để an toàn khi mua hàng trên mạng luôn là câu hỏi lớn nhất. Theo báo cáo điều tra của hãng bảo mật McAfee (2011) thì có đến 50% khách hàng dừng mua tại khâu thanh toán vì lo sợ rủi ro. Do đó, việc tạo niềm tin cho người tiêu dùng khi mua bán trên Internet là vấn đề vô cùng quan trọng.

Tại nhiều nước trên thế giới, các website bán hàng qua mạng uy tín đều được trang bị chứng chỉ đảm bảo (Trust-Mark) do một bên thứ ba cấp để phân biệt những người bán hàng này với vô vàn người bán trực tuyến khác. Cũng theo nghiên cứu của McAfee, có đến 75% khách hàng được hỏi cho biết chỉ mua hàng tại các website có chứng nhận đảm bảo và 63% khách hàng sẽ không mua tại website không có Trust-Mark kể cả khi website đó có mức giá hời. C ông ty điều tra thị trường Cybersource, trong kết quả khảo sát năm 2010, cũng cho biết có tới 85% khách hàng cố tìm các dấu hiệu an toàn của website khi mua hàng; và các website tăng doanh số từ 11-15% khi được trang bị Trust-Mark.

Còn tại Việt Nam, việc “thật” hóa hoạt động “ảo” của các doanh nghiệp bán hàng trực tuyến là điều cần làm nhất lúc này. Hiện nay, một số sàn TMĐT đã cho ra mắt các chương trình đảm bảo giúp người mua nhận diện đơn vị bán hàng uy tín. Đơn cử như, năm 2011, Cổng thanh toán NgânLượng.vn đã cho ra mắt dịch vụ “Ngân Lượng đảm bảo”. Theo đó, các doanh nghiệp được cấp chứng nhận này đều phải qua thẩm định là có thật và thực sự uy tín. Khách mua hàng tại các shop này nếu chẳng may gặp rủi ro sẽ được Ngân Lượng đứng ra bồi hoàn số tiền đã mất. Đặc biệt, Cục TMĐT&CNTT thuộc Bộ Công Thương cũng đã ra mắt chứng nhận website TMĐT uy tín TrustVn, thực hiện đánh giá các website trên cơ sở tham khảo ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước, các nhà chuyên môn có uy tín. Ông Nguyễn Hòa Bình nhận định, đây là những dấu hiệu đáng mừng cho thị trường TMĐT Việt Nam.

Theo đại diện của Công ty bảo hiểm BIC - BIDV thì sau 1 tháng sử dụng dịch vụ “Ngân Lượng đảm bảo” do Ví điện tử Ngân Lượng cung cấp, sự khác biệt về uy tín đã giúp BIC tăng 23% mức doanh số bán hàng online và người mua dù không mua hàng trực tuyến thì cũng tin tưởng liên hệ nhiều hơn.

Ông Nguyễn Hòa Bình cũng khuyên người mua không nên chuyển tiền qua tài khoản trực tiếp cho người bán sẽ vô cùng rủi ro và khó để một đơn vị nào đó đứng ra bảo vệ được. Cách thanh toán an toàn hơn là sử dụng công cụ thanh toán tạm giữ của các ví điện tử mà theo đó chỉ khi nào người mua nhận được hàng và xác nhận hàng đúng mô tả thì người bán rút được tiền ra khỏi ví điện tử.

Còn theo ông Trần Việt Vĩnh-Giám đốc kinh doanh và phát triển đối tác NgânLượng.vn, trong vòng 3 năm qua, chưa có một vụ lừa đảo nào xảy ra khi sử dụng hình thức thanh toán tạm giữ. Bên cạnh đó, ông Vĩnh cũng cho rằng, người tiêu dùng không nên mua hàng tại các diễn đàn, các website rao vặt vì khi việc đăng bán quá dễ dàng và không có thông tin kiểm chứng thì sẽ vô cùng rủi ro. Thay vào đó, người mua nên chọn các sàn giao dịch có gian hàng chuyên nghiệp được các sàn giao dịch xác minh và ký hợp đồng. Bởi lẽ, trường hợp gặp rủi ro sẽ có các sàn giao dịch TMĐT đứng ra bảo đảm quyền lợi cho người mua hàng.

0--1

Liên hệ xóa tin: [email protected]